Đình Mỏ Gà tọa lạc trên một khu đất thiêng theo hướng Đông nam của làng, bốn bên là đồng ruộng xanh tươi, là nơi thờ Thành Hoàng làng Cao Sơn Quý Minh Đại vương, tức Dương Tự Minh, một phò mã thời nhà Lý, người có công lớn trong việc giữ gìn biên cương phía Bắc đất nước và phát triển kinh tế phủ Phú Lương xưa. Theo sự thăng trầm của lịch sử, đình đã bị xuống cấp, đến năm 1999, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ kinh phí để trùng tu. Đình được xây dựng gồm 5 gian, 2 trái. Mái đình được làm bằng ngói mũi, bốn góc cong hình lưỡi đao. Trên mái đình được trang trí “Lưỡng long chầu nguyệt” đạt trình độ cao. Bên trong đình các cột, xà ngang, xà dọc đều được trạm trổ khéo léo. Gian chính là nơi đặt bàn hương án thờ đức thánh Dương Tự Minh, hai bên là cặp câu đối được bố trí hài hòa tôn thêm vẻ uy nghiêm của ngôi đình.
Đình Mỏ Gà là nơi thờ Thành Hoàng làng Cao Sơn Quý Minh Đại vương.
Trong đình hiện vẫn còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị như: Một sắc phong cổ; 5 viên đá tảng kích thước 50cm x 50cm cùng một số mảnh ghép án thư được trang trí hoa văn, chạm trổ các bộ Long - Ly - Quy - Phượng rất khéo léo, công phu.
Hàng năm người dân trong xóm Mỏ Gà thường tổ chức lễ đình Mỏ Gà vào ngày 18 tháng Giêng âm lịch để cầu phúc, cầu tài, cầu bình yên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Ngoài ra, người dân trong xóm còn tổ chức lễ hạ điền vào ngày 20 tháng 3; lễ thượng điền vào ngày 26 tháng 6; lễ mừng cơm mới vào ngày 15 tháng 8; lễ tất niên vào 15 tháng 12.
Lễ hội đình Mỏ Gà có tính giáo dục sâu sắc, toàn diện, gắn kết cộng đồng và giữ được những yếu tố thiêng liêng cùng những nghi thức truyền thống mang nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày nơi đây. Lễ hội đình Mỏ Gà gồm 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang trọng, người dân trong xóm lựa chọn những sản phẩm nông nghiệp tinh khiết của một năm để dâng lên các vị Thành Hoàng làng. Phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống được tổ chức như: Ném còn, bắn nỏ, đi cà kheo, bịt mắt đập niêu…
Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đình Mỏ Gà.
Với những giá trị truyền thống về lịch sử và văn hóa, năm 2017, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết địnhsố: 4160/QĐ – UBND, ngày 29/12/2017, công nhận đình Mỏ Gà là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Du khách trải nghiệm các trò chơi dân gian tại sân đình Mỏ Gà.
Hiện nay, đình Mỏ Gà không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân 2 xóm Mỏ Gà và Phượng Hoàng, xã Phú Thượng, mà còn là nơi để du khách dâng hương và tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống, trải nghiệm các trò chơi dân gian cùng người dân địa phương khi đến tham quan, trải nghiệm tại Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà./.
Tác giả: Thu Hương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...