Đến với Điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những đồi chè bát úp, thỏa sức check-in bên những nương chè xanh mướt, hòa cùng bà con thu hái những búp chè xanh non và tìm hiểu về “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương” đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Không ít du khách lần đầu tiên có thực tế về cây chè, việc tìm hiểu cách thu hái để cho ra các dòng sản phẩm trà cũng là một điều khá thú vị với họ. Bên cạnh đó, du khách còn được thực mục sở thị quá trình chế biến để cho ra các sản phẩm trà hiện có trên thị trường. Đặc biệt, du khách sẽ được thưởng trà trong một không gian vô cùng độc đáo tại Không gian văn hóa Trà Tân Cương hoặc ngay chính tại các Hợp tác xã làm du lịch cộng đồng. Có những vị khách đã từng chia sẻ: Đến vùng trà, thưởng trà cảm giác ngon hơn. Phải chăng là thật? Bởi để có một ấm trà ngon cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó khâu pha trà khá quan trọng vì trà ngon mà không biết cách pha thì cũng không thể cho ra ấm trà như ý.
Các cụ ta xưa đã thường nói, uống trà là một thú vui tao nhã, pha trà là cả một nghệ thuật và mời trà cũng là một nét văn hóa độc đáo thể hiện sự trân trọng của người mời với người uống. Làm thế nào đã pha được một ấm trà ngon và vừa lòng những người thực khách thì đó là cả một nghệ thuật.
Chứng kiến các bước pha trà khéo léo của trà nương tại đây, chúng tôi thấy các công đoạn khá tỷ mỷ và đòi hỏi kỹ thuật của người pha. Đầu tiên vì trà là một thức uống nóng nên trước khi pha sẽ phải làm nóng bộ trà cụ. Rồi cho nước sôi vào trong ấm để làm sạch ấm và làm nóng ấm từ phía bên trong. Sau đó cho chè vào trong ấm, lượng chè cho vào ấm tùy thuộc số lượng cũng như khẩu vị của người thưởng trà. Tiếp đến châm nước sôi lần thứ nhất để tẩy sạch bụi trần và đánh thức hương trà. Châm nước sôi lần hai là nước trà dùng để uống, vì theo các cụ ngày xưa quan niệm nước trà thứ 2 là nước trà ngon nhất và là nước trà dùng để mời khách. Khi rót trà phải rót vòng quanh để đảm bảo độ đậm nhạt cho từng chén trà và rót 2/3 chén. Khi mời trà, người mời tay trong tư thế “tam long giá ngọc”, ngón giữa đỡ lấy đáy chén, ngón cái và ngón trỏ đỡ lấy miệng chén, đầu hơi cúi, khuôn dung tươi tắn.
Với những cái hay cái đẹp trong từng chén trà, người Thái Nguyên đã tạo nên một bản sắc văn hóa rất riêng và đặc sắc trong văn hóa Trà Việt, góp phần tạo nên điểm nhấn vị ẩm trong nghệ thuật ẩm thực của người Việt Nam, một thứ nghệ thuật mang đầy tính triết lý và nhân sinh sâu sắc.
Hãy đến với Điểm du lịch cộng đồng Tân Cương để trải nghiệm và thưởng thức những chén trà thơm ngon nhất, đồng thời tích lũy thêm cho mình kỹ thuật pha trà bạn nhé./.
Tác giả: Minh Đỗ - Hoàng Liên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...