Nếp Thầu dầu lên hương một vùng đất

Chủ nhật - 28/10/2018 13:29
Nếp Thầu dầu lên hương một vùng đất

Huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên không chỉ nổi tiếng với thương hiệu gà đồi mà còn được mọi người biết đến bởi vị thơm ngon của gạo nếp Thầu Dầu. Qua đôi tay khéo léo của người dân quê lúa, những hạt gạo dẻo thơm ấy được chế biến thành các món ăn như: bánh chưng, bánh dày, tương nếp, cốm.. mang đậm hương quê khiến ai đi xa cũng nhớ…

 

         

              Chiều thu, nắng hanh hao vàng, một mình lạc giữa cánh đồng lúa nếp Thầu Dầu, tôi cố mở căng lồng ngực để tận hưởng trọn vẹn hương vị của đồng quê. Hương lúa nếp nhẹ nhàng đang thời kỳ ngậm sữa hòa trộn cùng mùi vị ngai ngái của bùn đất bật lên khi chú bò đang say sưa gặm cỏ. Tất cả đã tạo nên một hương vị đặc biệt: hương vị của tuổi thơ đầu trần chân đất cùng bọn trẻ làng đi chăn trâu. Trong tôi bỗng dậy lên một mùi hương khó tả. Phải rồi! Hương lúa nếp Thầu dầu.

01

Cánh đồng lúa nếp Thầu Dầu Úc Kỳ (Ảnh:  DƯƠNG VĂN MƯU)

          Lúa nếp Thầu Dầu vốn là giống lúa đặc sản từ lâu đời của người dân quê tôi. Khi trạc tuổi lên 9 lên 10, tôi được bố mẹ bàn giao việc chăn bò, còn anh trai thì đã lớn nên sẽ cùng bố mẹ phải đi làm đồng, làm vườn. Cứ một buổi đi học, một buổi tôi lại đi chăn bò. Vui nhất vẫn là chăn bò vụ mùa. Ruộng đồng lúc nào cũng khô ráo, thỏa sức cho chúng tôi vừa chăn bò vừa chơi nhiều trò chơi hấp dẫn. Những ruộng lúa mùa sớm người ta không trồng màu được chúng tôi tận dụng để tập trận. Những đống nhấm được bọn trẻ chất lên từ thân rạ mà người nông dân bỏ lại ruộng không gánh về. Chúng tôi thường ngắt những bông lúa đã bắt đầu săn mẩy để lùi, nướng. Những hạt thóc đủ lửa, nổ tanh tách, hương thơm tỏa khắp cánh đồng. Miệng đứa nào cũng đen nhẻm vì mải cắn chắt. Không chỉ nướng lùi bông lúa ngoài đồng, chúng tôi còn ngắt mang về nhà rang lên rồi cho vào cối giã thành cốm. Bọn trẻ thường tụ tập rủ nhau đến nhà tôi và ngồi rang thóc. Đứa nào muốn ăn thóc nổ bung giòn thì rang quá lửa. Còn muốn làm cốm thì phải để lửa liu riu cho hạt thóc chín dần. Phải kiên trì lắm mới được mẻ thóc vừa vặn để giã cốm. Vì nếu thiếu lửa, cốm sẽ khó tách hết được vỏ chấu, còn nếu quá lửa, hạt thóc giòn, giã cốm sẽ bị vỡ. Rang hỏng mất vài mẻ chúng tôi cũng tự rút ra được kinh nghiệm và giờ thì chúng tôi luôn có mẻ cốm xanh ngắt thơm ngon mát lành. Chuối tiêu chín luôn sẵn ngoài vườn. Chúng tôi thường vặt chấm với cốm ăn ngấu nghiến tưởng không có gì ngon bằng…

02

Người dân xã Úc Kỳ thu hoạch lúa nếp Thầu Dầu (Ảnh:  DƯƠNG VĂN MƯU)

Nếp Thầu Dầu còn được người dân địa phương gọi là ả Thầu Dầu, đây là giống lúa cổ truyền chất lượng cao, được gieo cấy từ rất lâu đời. Gạo nếp Thầu Dầu có hương vị thuần khiết, đậm và dẻo, thường được dùng để làm bánh chưng, bánh dày, xôi cốm... để cúng vào những ngày rằm, lễ, Tết. Những năm gần đây, nếp Thầu Dầu trở thành nguyên liệu chính trong những món ăn mang nét đặc trưng của miền quê lúa Phú Bình. Để những chiếc bánh thơm ngon, gạo nếp Thầu Dầu được chọn lựa kỹ lưỡng, đó là những hạt gạo được phơi đủ nắng, không gãy, nát và có mùi thơm của gạo mới. Bánh được làm từ loại gạo nếp này có vị đậm, dẻo, người ăn không có cảm giác nhanh ngán. Vào dịp lễ, Tết, ngoài làm những món bánh, nếp Thầu Dầu còn được người dân địa phương làm cốm, bỏng và làm quà cho người thân, bạn bè. 

4

Gạo nếp Thầu Dầu được đóng gói nhỏ gọn, ý nghĩa là món quà quê được nhiều người yêu thích (Ảnh:  DƯƠNG VĂN MƯU)

            Gạo nếp Thầu Dầu không chỉ để làm các loại bánh chưng và bánh dày mà còn được dùng để làm ra loại đặc sản nổi tiếng, đó là tương nếp.  Đã có trên 100 năm hình thành và phát triển, làng Hồng Kỳ, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình hiện là làng nghề truyền thống sản xuất và chế biến tương nếp rất nổi tiếng. Do được làm từ gạo nếp Thầu dầu nên tương nếp do người dân nơi đây chế biến có hương vị đặc trưng, nhuyễn đặc như mật, đậm đà và ngọt mềm. Việc phát triển nghề làm tương ở đây không chỉ nhằm bảo tồn một nghề truyền thống mà còn giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập.

03

6

Nghề làm tương nếp giúp nhiều hộ dân Úc Kỳ có thu nhập khá (Ảnh:  DƯƠNG VĂN MƯU)

           Từ lâu, tương nếp Úc Kỳ đã trở thành gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của người dân nơi đây và xuất bán đi một số tỉnh như: Bắc Giang, Hưng Yên, Lạng Sơn... Nguyên liệu để làm tương gồm: gạo, muối trắng và đỗ tương. Tương được làm từ gạo nếp Thầu Dầu là ngon nhất, nhưng không phải ai làm cũng ngon bởi nếp Thầu Dầu cũng rất kén tay người, không cẩn thận mốc sẽ hỏng và tương không được vàng.

          Hiện nay, gạo nếp Thầu dầu đã được cấp nhãn hiệu tập thể, trở thành trở thành đặc sản mà thiên nhiên ban tặng cho các vùng đất ven sông Cầu của huyện Phú Bình. Với đặc trưng dẻo, thơm, vị đậm đà, gạo nếp Thầu Dầu được nhiều người ưa chuộng và cũng là một món quà quê ý nghĩa dành tặng bạn bè…

 

                                                               

                           

Tác giả bài viết: DƯƠNG VĂN MƯU


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Du lịch Thái Nguyên - Khám phá và trải nghiệm

 Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...

Thăm dò ý kiến

Đến Thái Nguyên, bạn quan tâm điều gì nhất

Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 17
  •   Máy chủ tìm kiếm 3
  •   Khách viếng thăm 14
 
  •   Hôm nay 8,578
  •   Tháng hiện tại 90,861
  •   Tổng lượt truy cập 16,457,079
Hỗ trợ trực tuyến
thainguyentourism.vn
thainguyentourism.vn Hỗ trợ chính sách
0912239337
Đường dây nóng
Đường dây nóng Giờ Hành chính:
0975 141 719
Để có một chuyến đi thực sự ấn tượng trong cuộc đời, hãy đến với Thái Nguyên, đến với chúng tôi