Theo quy luật hình thành và phát triển, trong CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng có 10 hệ sinh thái chia ra làm 2 loại: Hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân tạo. Sự đa dạng sinh thái này được trải dài trên cả 3 hướng Bắc, Đông, Tây trong CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng.
Hệ sinh thái tự nhiên: Hệ sinh thái rừng kín xanh ôn đới núi cao có diện tích trên 600 ha, phân bố chủ yếu ở phía Bắc và Tây Bắc các huyện: Nguyên Bình, Hà Quảng, Hòa An, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, nhiệt độ luôn thấp hơn 200C, lạnh quanh năm, độ ẩm cao, lượng mưa lớn, mặt đất luôn ẩm ướt nên phát triển thảm thực vật ôn đới đặc trưng rừng rêu với trên 200 loài thực vật và trên 250 loài động vật, bò sát, muông thú. Rừng xanh hỗn giao lá xanh rộng, lá kim á nhiệt đới, núi trung bình phân bố chủ yếu từ đá mẹ là đá vôi, đai độ cao 600 - 1.600 m, phía Đông Nam huyện Trùng Khánh có thảm thực vật loài lá rộng với các cây trồng đặc trưng cận nhiệt đới, như: hạt dẻ, chè, mộc lan, thiết sam núi đá, thông Pà Cò, Du sam núi đá... Rừng xanh thưa mưa ẩm cây lá rộng trên núi thấp diện tích trên 115.000 ha, chiếm 17% diện tích tự nhiên, đất phát triển từ các loại đá mẹ khác nhau (từ đá vôi), độ cao dưới 600 m, phân bố trên các huyện: Hòa An, Hà Quảng, Thạch An, Nguyên Bình, có các loại cây thuộc họ lan, thiên lý, bầu bí, nho...
Hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi chiếm diện tích tương đối lớn, trên 150.000 ha, phân bố các huyện: Hạ Lang, Trùng Khánh, Quảng Uyên, Trà Lĩnh, Hà Quảng, Thạch An. Đặc biệt hệ sinh thái rừng đá vôi hiện nay vẫn còn một số xã giữ được rừng nguyên sinh, có giá trị bảo tồn cao nhất bởi còn lưu giữ được đa dạng về nguyên gốc, thảm thực vật phong phú.
Hệ sinh thái tre, nứa có diện tích trên 3.500 ha, phân bố ở 2 xã Đức Long, Lê Chung (Hòa An) và huyện Nguyên Bình với hơn 10 loại tre, nứa, vầu, trúc. Hiện nay, cây trúc sào huyện Nguyên Bình được nhân dân mở rộng diện tích trồng làm nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp tre trúc xuất khẩu.
Hệ sinh thái tự nhiên không thuộc hệ sinh thái rừng, gồm có trảng cỏ, cây bụi phân bố chủ yếu ở độ cao dưới 700 - 1.000 m trên đất phong hóa và các loài đá mẹ khác nhau, gồm: cây chuối, gai, cói, hòa thảo, gừng... Hệ sinh thái đáy ngập nước có 6 ngành tảo và một số loài cá đặc trưng là cá mương, cá suối...
Hệ sinh thái nhân tạo: Rừng trồng có hơn 22 loại thực vật, với các loại cây đặc trưng, như: lát hoa, trám, dẻ, sấu, muồng đen và cây ăn quả đặc sản: lê, mận, cam, hạt dẻ... Động vật có 38 loài thú, gần 300 loài chim, 33 loài bò sát, 29 loài ếch, nhái.
Hệ sinh thái nông nghiệp rất đa dạng và phong phú được phân bố hầu hết trên toàn tỉnh và trong diện tích CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng. Đa dạng sinh học trong hệ sinh thái nông nghiệp được tạo nên bởi nhiều giống vật nuôi, cây trồng bản địa đặc hữu phong phú. Cây trồng có trên 170 loài, thuộc 3 ngành thực vật bậc cao; trên 60 loài thú, chim... Trong đó đang lưu giữ 34 loại nguồn gien quý bản địa đặc hữu nổi tiếng, gồm 24 nguồn gien đặc sản cây trồng: lúa nếp hương Xuân Trường, lúa nếp hương Pì Pất, nếp Ong Trùng Khánh, bí thơm, mận máu Bảo Lạc, lê Đông Khê, quýt Trà Lĩnh, hạt dẻ Trùng Khánh, trúc sào, mác mật, chè Phja Đén, thạch đen Thạch An... và 10 nguồn gien động vật nuôi, gồm: lợn đen Tắp Ná, Bảo Lạc, Hạ Lang, gà xương đen và bò u đồng bào Mông...
Cùng với hệ sinh thái nông lâm nghiệp, phân bố dân cư trên 3 tuyến CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng mang văn hóa đặc trưng riêng của các dân tộc anh em. Đồng bào Tày, Nùng, Kinh, Hoa sinh sống, canh tác ở vùng đất thung lũng bằng phẳng dưới chân núi, chủ yếu là trồng lúa nước; đồng bào Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô sinh sống trên lưng chừng đồi, núi cao, canh tác trên nương, rẫy, ruộng bậc thang... Mỗi dân tộc quần cư, sinh sống trên địa hình khác nhau, có nét văn hóa truyền thống riêng về không gian kiến trúc, văn hóa ẩm thực, lễ hội, ngôn ngữ... tạo nên độc đáo, đa dạng, phong phú về bản sắc dân tộc.
Trong CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng còn có 2 hệ thống bảo tồn sinh học, gồm: Hệ thống khu bảo tồn rừng đặc dụng và hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa.
Hệ thống các khu bảo tồn rừng đặc dụng có 9 khu bảo tồn trên 42.500 ha, trong đó có khu dự trữ thiên nhiên Phja Oắc - Phja Đén.
Khu bảo tồn loài sinh vật cảnh: Khu bảo tồn loài sinh cảnh Vượn Cao Vít thuộc các xã: Ngọc Côn, Ngọc Khê, Phong Nặm, Ngọc Chung, Khâm Thành, Lăng Yên (Trùng Khánh) có trên 1.100 loài thực vật và trên 150 loài thú, chim, bò sát. Trong đó có vượn Cao Vít là loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm nhất thế giới với 37 cá thể.
Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Thang Hen, gồm các xã Quang Vinh, Lưu Ngọc, Quốc Toản (Trà Lĩnh) có đất ngập nước trên 53 ha với quần thể 36 hồ nước ngọt trên núi cao hàng nghìn mét, luôn có nước trong xanh quanh năm. Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Hạ Lang trên địa bàn các xã Đồng Loan, Thắng Lợi, Đức Quang, Kim Loan, An Lạc, Quang Long (Hạ Lang) có nhiều khu rừng già, nhiều muông thú được nhân dân bảo tồn lâu đời. Đây là địa bàn sinh thái đa dạng sinh học về núi đá vôi, rừng, thảm thực vật, động vật.
Khu bảo vệ cảnh quan, gồm: Khu bảo vệ cảnh quan Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình), Lam Sơn (Hòa An), thác Bản Giốc (Trùng Khánh), Pác Bó (Hà Quảng), Chiến dịch Biên giới 1950 (Thạch An).
Với sự đa dạng về hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo có núi đá vôi đa dạng về địa hình, phong phú về thảm thực vật, muông thú, đặc biệt có nhiều vật nuôi, cây trồng bản địa đặc hữu và văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em quần cư sinh sống làm tăng giá trị và vẻ đẹp tự nhiên riêng có của CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng.
|