Độc đáo lễ mừng sinh nhật của người Nùng

Chủ nhật - 28/10/2018 13:35
Độc đáo lễ mừng sinh nhật của người Nùng

Không bánh gato, không nến lung linh nhưng những buổi sinh nhật của người dân tộc Nùng ấn tượng theo một cách rất riêng khác. Họ không làm giỗ cho người đã khuất, mà chỉ làm lễ sinh nhật mừng thọ khi cha mẹ còn sống. Nét văn hóa độc đáo này còn được lưu giữ khá nguyên vẹn tại các gia đình dân tộc Nùng ở xã Tân Thành huyện Phú Bình.

Theo lời mời của đồng nghiệp, chúng tôi đến tham dự một buổi lễ mừng sinh nhật báo hiếu của gia đình ông Vi Văn Thụ, 70 tuổi, dân tộc Nùng ở xóm Đồng Bầu Ngoài xã Tân Thành huyện Phú Bình. Khi chúng tôi đến, mọi người đang tất bật chuẩn bị cho cỗ bàn để đón tiếp khách gần xa. Dáng người gầy, nhỏ nhưng ông Vi Văn Thụ luôn nở nụ cười thật tươi đón mọi người đến chúc mừng. Bên ấm trà mới pha, ông Thụ kể: Trong tập quán của người dân tộc Nùng, những người từ 60 tuổi trở lên thì được xếp vào bậc có tuổi và mới được tổ chức sinh nhật. Lễ sinh nhật được tổ chức hằng năm đúng vào ngày sinh của người cao tuổi nhất trong gia đình. Đây là dịp để con cháu tề tựu đông đủ, thể hiện sự kính trọng báo hiếu những người đã sinh ra và nuôi dưỡng mình khôn lớn.

IMG 20180112 162656
Thầy Tào Vi Văn Luận (ở giữa) đang chuẩn bị lễ trong lễ sinh nhật của ông Vi Văn Thụ.  (Ảnh: Văn Mưu)

Người Nùng quan niệm được sống đến 60 tuổi tức là hết một vòng đời người và muốn sống tiếp vòng đời thứ hai  thì phải làm lễ sinh nhật. Từ tuổi này trở đi, người Nùng thường làm lễ sinh nhật thường xuyên hàng năm thể hiện sự báo hiếu, quan tâm không chỉ chăm sóc về mặt thể chất, mà còn quan tâm tới yếu tố tinh thần để cho người già vui khoẻ, ít bệnh tật. Nghi thức tổ chức gồm phần lễ và ăn mừng, diễn ra trong suốt gần 2 ngày.

Theo tục lệ, con cái ra ở riêng sẽ lần lượt làm lễ sinh nhật cho bố, mẹ già. Những cô gái đi lấy chồng ít nhất phải đem lợn quay, bánh trái, rượu, chè... về làm lễ sinh nhật cho bố, mẹ một lần trong đời, thể hiện sự hiếu thảo đối với cha mẹ.  Anh Vi Văn Sỹ, xóm Đồng Bầu Ngoài xã Tân Thành, con trai ông Thụ cho biết: Theo tục lệ, con cái ra ở riêng sẽ lần lượt làm lễ sinh nhật cho bố, mẹ già. Những cô gái đi lấy chồng ít nhất phải đem lợn quay, bánh trái, rượu, chè... về làm lễ sinh nhật cho bố, mẹ một lần trong đời, thể hiện sự hiếu thảo đối với cha mẹ.

Trong ngày sinh nhật bố, chị Vi Thị Thảo, xóm Hòa Lâm xã Tân Thành, con gái ông Thụ lấy chồng xóm bên dậy thật sớm chuẩn bị một con gà ngon, một cặp bánh nếp nhuộm đỏ để biếu cha. Chị cho biết: Cả cuộc đời cha mẹ vất vả nhọc nhằn vì các con. Khi lớn lên, con gái được cha mẹ gả chồng nên ít có điều kiện chăm sóc, phụng dưỡng bậc sinh thành. Vì vậy, ngoài những ngày Tết cổ truyền thì sinh nhật là dịp để các con sum vầy, bày tỏ tấm lòng kính trọng, hiếu đễ đối với cha mẹ.

Trước đây, trong ngày mừng sinh nhật, tất cả khách đến dự đều có quà, thường là cân gạo, con gà, cân thịt lợn... tùy hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình. Ngày nay, quà mừng sinh nhật có phần đơn giản, gọn nhẹ hơn. Trong tâm thức dân gian của người Nùng, người có tuổi thọ là có phúc lớn, có phúc lớn nên mới sống được lâu và có phúc mới có con cháu đuề huề. Vào đúng ngày sinh nhật, con cháu có mặt đông đủ đem theo các lễ vật, đồ cúng.

         Trong nghi lễ sinh nhật báo hiếu, các gia đình thường mời thày Tào ( thày cúng), mời bà Then về hát, múa phụ hoạ. Là người thường được bà con trong vùng tin tưởng mời đến làm lễ, thầy tào Vi Văn Luận xóm La Bì Tân Thành chia sẻ: Lễ mừng sinh nhật thường kéo dài hơn một ngày, bắt đầu từ đầu giờ tối hôm trước và kết thúc tới khuya ngày hôm sau. Trong các lễ vật đó không thể thiếu xôi gà, thịt lợn quay, trứng luộc, bánh dày, bánh đúc... Trong lễ cúng cũng không thể thiếu các hình nhân bằng giấy, sau khi làm lễ xong sẽ được đốt đi.

IMG 20180112 153844
Một khâu chế biến món Khâu Nhục, món ăn không thể thiếu của người Nùng trong lễ mừng sinh nhật.  (Ảnh: Văn Mưu)

           Sau phần lễ, gia đình  tổ chức cỗ mừng khách đến chung vui. Trong mâm cỗ ngày sinh nhật báo hiếu của người dân tộc Nùng không thể thiếu được món Khâu nhục, một món ăn độc đáo của người Nùng. Món Khâu nhục làm rất cầu kỳ, phải qua nhiều công đoạn, với rất nhiều gia vị khác nhau. Đầu tiên là phải chọn thịt ba chỉ loại ngon (tỷ lệ mỡ và thịt ngang nhau, nếu ít mỡ quá miếng thịt sẽ khô), cắt miếng vuông vức dày khoảng 15 đến 20 cm, rồi đem luộc lên. Tiếp theo vớt thịt ra để ráo đưa ra châm bì, rồi cho vào chảo mỡ rán giòn bì, sau đó ngâm miếng thịt vừa rán xuống nước cho mềm bì để khi thái không bị vỡ; vớt miếng thịt ra thái thành 6 miếng nhỏ vừa ăn. Về phần gia vị cần chuẩn bị: tàu choong, tàu soi (chế biến từ đỗ tương đen và rau cải muối); đậu hũ; nấm hương, mộc nhĩ, thịt nạc xay; gừng, tỏi, đường, rượu, nước mắm, chút dấm, quả mác mật khô, thảo quả. Tất cả các gia vị trên xay, giã hoặc thái nhỏ, trộn với nhau theo tỷ lệ, nêm mắm, muối vừa ăn.  Tiếp đến, dùng bát yêu to xếp mỗi bát 6 miếng thịt nhỏ rồi nêm vào mỗi bát một phần gia vị đã trộn sẵn nêu trên. Công đoạn cuối là cho bát khâu nhục vào túi ni lông buộc lại xếp chồng lên nhau vào một cái nồi to sâu đáy, đưa lên hấp cách thủy khoảng 4 tiếng đồng hồ. Trong quá trình nấu, lửa luôn giữ cháy đều để đảm bảo món ăn mềm, không khô, không nhão. Tính từ khi sơ chế nguyên liệu, tẩm ướp đến khâu hấp để hoàn chỉnh món ăn cũng phải ít nhất 6 tiếng đồng hồ. Yêu cầu của món ăn này là phải ăn lúc còn nóng nên khi nào ăn mới mang ra đưa vào đĩa. Vào mâm cỗ, sau món khai vị người có kinh nghiệm khuyên nên ăn món Khâu nhục trước thì mới cảm nhận hết hương vị của nó: đậm đà với mùi thơm đặc trưng của gia vị, mềm, thơm ngậy, bùi, không béo. Khi ăn phải gắp cả miếng thịt kèm với gia vị thì mới đúng cách.    

IMG 20180112 154915
Trong ngày lễ mừng sinh nhật, các con cháu đến chung vui và chuẩn bị cỗ bàn đón khách. (Ảnh: Văn Mưu)

Ông Đinh Văn Phượng, Chủ tịch UBND xã Tân Thành (Phú Bình) cho biết:  Tân Thành là một xã miền núi của huyện Phú Bình, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.  Xã có tới 60% số dân là người Tày, Nùng di cư từ Lạng Sơn đến đây từ những năm 50 của thế kỷ trước, hầu hết các gia đình đã có đến 4 thế hệ con, cháu sống trên mảnh đất này. Riêng xóm Đồng Bầu Ngoài có tới 98% số hộ gia đình là người dân tộc Tày, Nùng. Vượt trên những lo toan cơm áo thường ngày, dịp tổ chức mừng sinh nhật của người cao tuổi là dịp con cháu khắc sâu công ơn người sinh thành, dưỡng dục.

Tổ chức mừng sinh nhật cho người cao tuổi có từ khi nào ở Tân Thành không ai nhớ rõ. Đây là dịp bạn bè có dịp gặp lại, động viên nhau sống vui, sống khoẻ, có ích, nêu gương sáng trong gia đình và tại cộng đồng. Đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây thắt chặt mối đoàn kết, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Phong tục này được lưu truyền nhiều đời nhưng chưa có sổ sách ghi chép đầy đủ, rất mong sự quan tâm của các cấp, các ngành trong bảo tồn, phát huy giá trị và nhân rộng.

Tác giả bài viết: Văn Mưu


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Du lịch Thái Nguyên - Khám phá và trải nghiệm

 Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...

Thăm dò ý kiến

Đến Thái Nguyên, bạn quan tâm điều gì nhất

Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 9
  •   Máy chủ tìm kiếm 2
  •   Khách viếng thăm 7
 
  •   Hôm nay 2,304
  •   Tháng hiện tại 74,467
  •   Tổng lượt truy cập 15,936,705
Hỗ trợ trực tuyến
thainguyentourism.vn
thainguyentourism.vn Hỗ trợ chính sách
0912239337
Đường dây nóng
Đường dây nóng Giờ Hành chính:
0975 141 719
Để có một chuyến đi thực sự ấn tượng trong cuộc đời, hãy đến với Thái Nguyên, đến với chúng tôi