Bữa cơm giản dị của Bác trong những năm tháng kháng chiến ở ATK Việt Bắc

Thứ hai - 01/04/2024 03:49
Bữa cơm giản dị của Bác trong những năm tháng kháng chiến  ở ATK Việt Bắc

Mỗi người dân Việt Nam khi nhắc đến Bác Hồ kính yêu không ai không khâm phục đức tính giản dị của Người. Đức tính giản dị ở Bác luôn là tấm gương sáng để cho mỗi chúng ta học tập và noi theo. Trước hết Bác giản dị trong đời sống sinh hoạt không chỉ trong những năm tháng khó khăn mà ngay khi đã là một vị Chủ tịch nước. Một trong những yếu tố góp phần làm nên huyền thoại ấy bắt đầu từ điều vô cùng đơn giản của những người bình thường nhất, đó là những bữa ăn của Người.

Kháng chiến bùng nổ, Bác cùng các cơ quan Trung ương và Chính phủ trở lại Việt Bắc. Những năm đầu, đời sống kháng chiến vô cùng kham khổ, Bác vẫn ăn chung với anh em, bát ăn chỉ là ống bương cưa ra, thức ăn chủ yếu là măng, rau, cao cấp nhất là thịt chim, sóc săn bắn hoặc đánh bẫy được đem kho mặn với muối để Bác ăn dần, thi thoảng tìm được con gà bồi dưỡng riêng cho Bác thì Người nói lộc bất khả tận hưởng, rồi đem chia đều cho mọi người. Món ăn chủ lực của Bác và anh em vẫn là món thịt Việt Minh gồm: 1kg thịt + 1kg muối + 0,5 kg ớt xào lên cho vào ống, đi đến đâu dùng cũng tiện. Khi tăng gia, chăn nuôi được nhiều, anh em xin ý kiến, Bác đồng ý cho bỏ món thịt Việt Minh. Có lần, đoàn công tác của Bác đi qua huyện Yên Sơn theo kế hoạch ghé vào một cơ sở để ăn trưa. Nhưng khi đến nơi, thì nghe có tiếng máy bay địch nên Bác bảo anh em đưa cơm ra bãi cỏ ở bìa rừng ngồi ăn thuận tiện hơn. Hai đồng chí bảo vệ vào xóm bưng cơm lại mượn thêm chiếc chiếu của gia đình đồng bào ra ngồi. Lúc đặt mâm cơm xuống, Bác thấy có con gà luộc, đĩa cá và hai bát canh. Thấy thế, Bác không vui: “Các chú không nên mượn chiếu của bà con làm phiền đến dân”, ngừng một lát, Bác nói tiếp: “Trong khi nhân dân đang thắt lưng buộc bụng kháng chiến, mình ăn cơm thế này là ăn cơm “quan” đấy”. Nói rồi, Bác vừa chia đôi tất cả các món ăn trên mâm. Bác bảo anh em đem một phần đã chia đưa vào biếu các gia đình nghèo trong xóm. Phần còn lại Bác lại chia làm đôi: Chỉ ăn một nửa, còn một nửa gói dành cho bữa sau.

Một lần khác đi công tác, mấy Bác cháu được bố trí ăn cơm ở nhà một cơ sở. Dạo đó thiếu thốn nên nồi cơm phải độn nhiều sắn, khoai. Vì thương Bác nên gia đình đã nấu thêm nồi cơm gạo trắng và sắp một mâm riêng. Khi vào bữa, Bác bưng bát cơm trắng, gắp thêm mấy miếng thức ăn ngon để mời cụ cố đang ngồi bên bếp lửa gian trong, Bác nói rành rọt: “Cơm này là để dành cho người già nhất ăn”, rồi Bác lấy bát xới cho mình một bát cơm độn và cùng ăn với cả nhà. Trong rừng chiến khu đôi khi vẫn thiếu rau nhưng có nhiều mít, thế là Bác bày cách cho chị cấp dưỡng làm món nhút ăn cho đỡ xót ruột. Bác còn chú ý cả hình thức trình bày để bữa ăn tuy đơn giản nhưng ngon miệng. Một lần đi công tác, Bác cháu dừng bên bờ suối nấu ăn, Bác bảo anh em nấu cơm để Người làm trứng rán. Bác làm rất thành thạo, khi trứng rán xong cơm chưa chín, Người lấy que sắt nung trên than hồng rồi đặt lên khoanh trứng tạo thành hình quả trám rất đẹp, thấy anh em trầm trồ, Bác nói: “Khi có điều kiện làm cho ngon hơn, đẹp hơn thì ta cứ làm chứ các chú!”. Cũng có dịp đặc biệt như cuối năm 1953, quân và dân miền Nam thắng trận U Minh, Đồng Tháp Mười, Tây Nguyên, Bác quyết định mở tiệc khao quân với các món: Thịt gà luộc (được chặt làm 20 miếng đều nhau vừa đủ số người trong cơ quan), canh cải xanh, rau muống xào tỏi, xôi nếp, cơm tẻ đều là sản phẩm cơ quan tăng gia. Bữa tiệc xong, Bác bỗng nói, giọng trầm xuống: “Hôm nay Bác cháu mình ngồi ở chiến khu Việt Bắc ăn xôi với thịt gà mừng chiến thắng, thì quân và dân miền Nam đã 9 năm rồi, kể từ ngày 23/9/1945 không lúc nào ngơi tay súng chiến đấu với quân thù để bảo vệ nền độc lập Tổ quốc, biết bao chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh anh dũng...”. Mọi người cùng lặng đi khi thấy hai giọt nước mắt Bác lăn trên đôi má gầy sạm...

Nhớ lại những bữa ăn đạm bạc của Người càng quý trọng một tấm gương giản dị, tiết kiệm, Người vẫn để lại cho chúng ta đến hôm nay những điều bình dị nhất. Theo lời kể của Ông Lê Bá Cải, sinh năm 1933, nguyên cán bộ Vụ Hành chính – Văn phòng Chính phủ, người đã từng được tuyển chọn vào Đội Xây dựng thuộc Ban Kiểm tra 12 (Bí danh của Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ) tại Sơn Dương, Tuyên Quang thời kỳ 1947-1954. Các món ăn của Bác hàng ngày đạm bạc nhưng lại phong phú, lúc nào cũng có đủ 3 món: món mặn, rau và canh. Rau có nhiều loại rau hái từ rừng, trám, măng rừng, rau do tăng gia sản xuất: Canh bí đỏ, canh sắn, cá suối, măng rừng, có món thịt hộp Việt Minh. Thời kỳ đó muối hiếm nên muối đắt hơn gạo, chỉ những ngày lễ lớn mới thịt trâu, bò. Thời gian đầu chưa có bát phải cắt mắt các ống bương bằng nứa, vầu có độ cao vừa phải, khoét sạch để làm bát ăn cơm. Lấy cây nứa chẻ mỏng thành các nan đan nong mốt để làm đồ đựng rau, đựng đồ ăn.

Trong suốt quá trình công tác và trên cương vị lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Chu Đức Tính đã có nhiều năm nghiên cứu và tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cả trong và ngoài nước. Ông đã được tiếp cận với các chuyên gia nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người đã sống, làm việc cạnh Bác qua nhiều giai đoạn, trong đó có giai đoạn Bác ở, làm việc tại chiến khu Việt Bắc, ATK Định Hóa, Thái Nguyên trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1947-1954).

Tiến sĩ Chu Đức Tính cho biết từ năm 1946 -1947, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, các cơ quan, đơn vị di chuyển từ thủ đô Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc để xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Trong điều kiện chiến tranh, việc di chuyển lên vùng miền núi xa xôi gặp nhiều khó khăn, đồ đạc mang theo chỉ là những đồ dùng thiết yếu nhất phục vụ cho công cuộc kháng chiến. Trên đường đi, nhu yếu phẩm phục vụ cho ăn uống hàng ngày phải dựa vào nhân dân là chính. Trong những năm 1945-1946, khi còn ở Bắc Bộ Phủ, Bác Hồ cũng có một đầu bếp nấu ăn riêng, biết nấu cả những món ăn Tây. Nhưng theo Bác, đời sống kháng chiến sẽ vô cùng khó khăn bởi vậy sẽ chỉ ăn uống đạm bạc, không cần người nấu ăn riêng cho Bác. Thời gian đầu khi đến ATK Định Hóa, trong hoàn cảnh di tản, điều kiện khó khăn, Bác và các cơ quan lên ở trong các lán bằng tre, nứa, lợp lá cọ, thức ăn là những cây rau rừng sẵn có, bát ăn cơm được cắt từ mắt của các ống tre, nứa, đũa bằng thân cây rừng sẵn có. Bác không có cấp dưỡng riêng, 8 đồng chí bảo vệ, giúp việc cho Bác thay nhau làm nhiệm vụ nấu ăn. Từ những chi tiết rất nhỏ trong cuộc sống của Người, ta thấy được tình yêu thương con người, đức tính cần, kiệm, liêm, chính tạo nên nét thanh cao và sự vĩ đại của một bậc thánh nhân. Bởi vậy, đức tính giản dị của Bác mãi mãi là tấm gương sáng để cho chúng ta học tập và noi theo.

Thời gian qua, Ban Quản lý khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Thái Nguyên. Tái hiện lại bữa cơm của Bác Hồ trong thời kỳ kháng chiến tại ATK Định Hóa, nhằm phục vụ công tác quảng bá du lịch, giáo dục truyền thống cách mạng và thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; lồng ghép nội dung các câu chuyện kể liên quan đến các món ăn của Bác Hồ vào trong quá trình thuyết minh đến đông đảo khách tham quan. Đặc biệt đưa những món ăn của Bác lồng ghép vào thực đơn phục vụ du khách trải nghiệm ẩm thực tại Ban quản lý Khu di tích./

 

Tác giả: Bùi Đạt – Nhật Tân


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Du lịch Thái Nguyên - Khám phá và trải nghiệm

 Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...

Thăm dò ý kiến

Đến Thái Nguyên, bạn quan tâm điều gì nhất

Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 9
  •   Máy chủ tìm kiếm 2
  •   Khách viếng thăm 7
 
  •   Hôm nay 3,363
  •   Tháng hiện tại 115,468
  •   Tổng lượt truy cập 15,977,706
Hỗ trợ trực tuyến
thainguyentourism.vn
thainguyentourism.vn Hỗ trợ chính sách
0912239337
Đường dây nóng
Đường dây nóng Giờ Hành chính:
0975 141 719
Để có một chuyến đi thực sự ấn tượng trong cuộc đời, hãy đến với Thái Nguyên, đến với chúng tôi