Phải bỏ tư duy coi du lịch chỉ là vui chơi, giải trí

Thứ tư - 20/07/2016 10:01

(Chinhphu.vn) - Chiều 15/7 tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị định hướng phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị

 

Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện, lãnh đạo các bộ, ngành và 9 địa phương có ngành du lịch phát triển mạnh.

Đề án này do Bộ VHTT&DL dự thảo nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của đất nước cũng như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng cường đóng góp của ngành cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Du lịch luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Đầu những năm 1990, thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Chính phủ đã xây dựng và thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 1995-2010 làm cơ sở quản lý, phát triển du lịch cả nước.

Tới năm 1998, Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010 và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch 2002-2010 và tầm nhìn năm 2020. Văn kiện Đại hội IX của Đảng cũng xác định: “Phát triển du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn”.

Sau sự kiện Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan 981 vào khu vực thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông làm suy giảm khách du lịch quốc tế tới Việt Nam trong thời gian dài, Đảng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp để hỗ trợ du lịch phục hồi và tiếp tục phát triển.

Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 tiếp tục khẳng định tập trung phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, trong đó có du lịch. Chiến lược phát triển du lịch tới năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 đã khẳng định và làm rõ hơn: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội”.

Thực tế triển khai Chiến lược phát triển du lịch tới 2020 và tầm nhìn 2030, các chỉ tiêu định lượng đã đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược. Khách quốc tế đạt 7,9 triệu so với chỉ tiêu là 7-7,5 triệu lượt; khách nội địa đạt 57 triệu trong khi chỉ tiêu là 47-48 triệu lượt. Tổng thu là 15,40 tỷ USD (chỉ tiêu là 10-11 tỷ USD), đóng góp vào GDP hiện nay là 6,6% so với mục tiêu là 5,5- 6%...

Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, dự thảo Đề án xác định tới năm 2020, nước ta căn bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với các mục tiêu cụ thể: Tới năm 2020 thu hút 14-15 triệu lượt khách du lịch/năm và có khả năng còn cao hơn. Về các chỉ tiêu kinh tế, ngành du lịch sẽ đóng góp 9-10% GDP (mức độ đóng góp lan tỏa cho GDP lên tới 20%); tổng thu từ khách du lịch là 29-32,5 tỷ USD; tạo ra 3,5 triệu việc làm trong đó có 1,02 triệu việc làm trực tiếp.

Về doanh nghiệp du lịch, tổng số buồng lưu trú là 600.000 buồng, trong đó 30-35% đạt chuẩn 3-5 sao, tốc độ tăng trưởng cơ sở lưu trú 3-5 sao cao hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của các cơ sở lưu trú. Đề án không đặt mục tiêu số lượng doanh nghiệp lữ hành quốc tế nhưng ưu tiên xây dựng các thương hiệu mạnh.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đặt ra các nhiệm vụ nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá du lịch trong đó có việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch (hiện nay chi phí này mới chỉ 2 triệu USD/năm là rất ít) để huy động nguồn lực xã hội, tăng ngân sách nhà nước cho xúc tiến du lịch khi chưa thành lập được Quỹ; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục nhập cảnh; tăng cường giao thông quốc tế và nội địa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tăng cường quản lý điểm đến bền vững và môi trường du lịch văn minh, thân thiện; đẩy mạnh hợp tác liên ngành, liên vùng và giữa các doanh nghiệp.

Gợi ý thảo luận cho Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến, làm rõ nhận thức du lịch là một ngành kinh tế. Theo đó, phải có những thước đo cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể về ngành kinh tế dịch vụ chứ không chỉ đơn thuần là các chỉ tiêu về số lượng lượt khách du lịch.

“Cần phải bỏ tư duy coi du lịch chỉ là ngành vui chơi giải trí mà xây dựng một tư duy kinh tế trong quản lý và vận hành ngành kinh tế này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu cho ý kiến đánh giá về môi trường du lịch và tài nguyên du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch để phát triển ngành; xác định rõ nhiệm vụ Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp phải làm trong thời gian tới; kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng, phát triển du lịch ra sao…

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Chính phủ cho ý kiến về Đề án này để xây dựng dự thảo trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến trong thời gian tới.

 

Nguồn tin: chinhphu.vn


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Du lịch Thái Nguyên - Khám phá và trải nghiệm

 Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...

Thăm dò ý kiến

Điểm du lịch nào của Thái Nguyên bạn thích nhất

Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 15
 
  •   Hôm nay 6,738
  •   Tháng hiện tại 101,072
  •   Tổng lượt truy cập 15,204,445
Hỗ trợ trực tuyến
thainguyentourism.vn
thainguyentourism.vn Hỗ trợ chính sách
0912239337
Đường dây nóng
Đường dây nóng Giờ Hành chính:
0975 141 719
Để có một chuyến đi thực sự ấn tượng trong cuộc đời, hãy đến với Thái Nguyên, đến với chúng tôi