Trên địa bàn huyện Đại Từ hiện có 169 điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 122 điểm di tích lịch sử cách mạng, 38 điểm di tích tín ngưỡng, 9 điểm danh lam thắng cảnh. Huyện đã lập hồ sơ khoa học và đề nghị xếp hạng được 40 di tích, gồm: 6 di tích Quốc gia (với 10 điểm di tích) và 34 di tích cấp tỉnh (với 41 điểm di tích). Một số di tích lịch sử, văn hóa thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trong đó tiêu biểu là Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7 (ở xóm Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn). Đây là điểm nối tuyến tham quan Khu du lịch hồ Núi Cốc với các điểm di tích lịch sử cách mạng tại ATK Định Hóa và ATK Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang). Vừa qua, huyện Đại Từ đã đầu tư tôn tạo, sửa chữa nhiều hạng mục của Khu di tích này với tổng kinh phí gần 380 triệu đồng.
Những năm gần đây, công tác bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn luôn được huyện Đại Từ đặc biệt quan tâm. Tính đến nay, huyện đã trùng tu, sửa chữa và nâng cấp được 7 di tích với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng. Cơ bản các di tích lịch sử, văn hóa đã có ban quản lý và gắn bảng giới thiệu tóm tắt về di tích. Ban quản lý di tích có nhiệm vụ xây dựng quy chế hoạt động, kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích, đồng thời tổ chức đón tiếp các đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.
Cùng với trách nhiệm của các ban quản lý di tích, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tham gia công tác bảo vệ, giữ gìn các công trình. Nhiều trường học, tổ chức đoàn thanh niên thực hiện việc đăng ký nhận chăm sóc thường xuyên các điểm di tích trên địa bàn. Hàng năm, các trường tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu ý nghĩa, giá trị lịch sử - văn hóa của các di tích qua các tiết học ngoại khóa, góp phần hiệu quả trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương. Đối với nhân dân trên địa bàn có di tích, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ di tích cho người dân luôn được huyện chú trọng.
Đến thăm Di tích lịch sử địa điểm đặt Đại sứ quán Liên Xô (ở phố Sơn Tập 3, thị trấn Hùng Sơn) vào một buổi chiều cuối tháng Bảy, chúng tôi được tham gia chương trình gặp mặt giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể thao giữa Hội Người cao tuổi thị trấn Hùng Sơn với Hội Người cao tuổi phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên). Khuôn viên di tích như sống động, tươi vui hẳn lên nhờ lời ca tiếng hát tràn đầy khí thế của các bác, các cụ trong Hội. Ông Lê Văn Cường, Tổ trưởng tổ dân phố Sơn Tập 3, cho biết: Tổ dân phố chúng tôi được giao trông coi, bảo vệ di tích, vì vậy bà con luôn có ý thức giữ gìn khuôn viên khang trang, sạch đẹp. Đã từ lâu, đây được coi là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của người dân trong Tổ. Không chỉ có thị trấn Hùng Sơn, ở nhiều địa phương khác của huyện Đại Từ, các di tích được giao cho tổ dân phố, xóm nơi có di tích trông nom, quản lý, khai thác giá trị của các di tích vào mục đích sinh hoạt cộng đồng. Qua đó, gắn bó quyền lợi của người dân với trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ di tích.
Cùng với việc bảo vệ và tôn tạo, công tác phát huy các giá trị văn hóa thông qua tổ chức các lễ hội truyền thống cũng luôn được huyện duy trì tốt, tiêu biểu là: Lễ hội Núi Văn - Núi Võ, Lễ hội Nghè, Lễ hội Trà Đại Từ; phát huy nghệ thuật dân gian: Hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày; Lễ cấp sắc, Tết nhảy của dân tộc Dao; hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu; xây dựng chương trình phát thanh giới thiệu về Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7, di tích Núi Văn - Núi Võ để phát trên cụm loa truyền thanh tại di tích nhằm quảng bá về mục đích, ý nghĩa của di tích tới du khách…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Đại Từ hiện cũng gặp một số khó khăn trong việc thu thập tư liệu khoa học của một số di tích; các cán bộ làm công tác quản lý di tích đều được phân công kiêm nhiệm, nhiều cán bộ chưa được đào tạo chuyên sâu về quản lý di tích; đặc biệt là vấn đề kinh phí. Vẫn còn có những di tích xuống cấp trầm trọng nhưng chưa có kinh phí để tôn tạo và nâng cấp, đơn cử như Di tích nơi ra đời Đội Thanh niên xung phong Việt Nam tại xã Yên Lãng. Để khắc phục tình trạng này, huyện đang có kế hoạch huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư, tăng cường phối hợp với các ngành để tìm vốn đầu tư tôn tạo, sửa chữa các di tích với mong muốn phát huy hơn nữa những giá trị của các công trình này.
Trao đổi về kế hoạch trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Huyện sẽ tăng cường hơn nữa việc trùng tu, bảo tồn các di tích đang bị xuống cấp, tiếp tục vận động cán bộ và nhân dân giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương. Dựa vào những thế mạnh sẵn có, huyện đang từng bước xây dựng hai loại hình du lịch chính là du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa - tín ngưỡng, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương tới du khách trong và ngoài tỉnh.
Nguồn tin: baothainguyen.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...