Một con số về lượng rác thải khiến “người ta” phải giật mình. Ví như năm 2018, ngành du lịch Thái Nguyên đón tiếp hơn 2,5 triệu lượt du khách, trong đó gần 1,2 triệu lượt khách do cơ sở lưu trú du lịch phục vụ; hơn 1,3 triệu lượt khách du lịch đến các điểm tham quan và hơn 130.000 lượt khách do các công ty lữ hành phục vụ. Theo đó, lượng rác thải từ du lịch khoảng gần 3.000 tấn/năm. Tuy các cấp, ngành chức năng của tỉnh, trực tiếp là địa phương có điểm đến tham quan đã triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân, du khách bỏ rác đúng nơi quy định. Nhân viên tại các điểm đến tham quan nêu cao vai trò trách nhiệm trong thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải, nhưng mỗi ngày đều phải bận rộn vì hành vi của không ít nhân dân, du khách chưa nhận thức được đầy đủ về việc ném bỏ rác thải tại điểm đến tham quan.
Nhất là các lễ hội đầu năm, hầu hết các ban tổ chức lễ hội còn lúng túng, cùng đó là ý thức tham gia bảo vệ môi trường của một bộ phận nhân dân, du khách chưa cao. Hiện tượng xả rác bừa bãi, đi vệ sinh không đúng nơi quy định đã gây nhiều phản cảm, tạo ấn tượng không đẹp về lễ hội hoặc điểm đến. Tại các điểm đến tham quan, nhân lực làm công tác vệ sinh môi trường thiếu, phương tiện thực hiện thu gom, phân loại rác thải vừa thiếu vừa lạc hậu. Nguồn kinh phí dành cho bảo vệ môi trường hạn chế, chủ yếu từ xã hội hoá. Việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan tại địa phương về công tác bảo vệ môi trường chưa chặt chẽ. Nhất là các lễ hội, nhà vệ sinh phục vụ du khách không đủ đáp ứng nhu cầu khi có lượng du khách đông tại các ngày cao điểm.
Với 810 di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hoá, trong đó có 510 di tích lịch sử, 39 di tích danh thắng, 12 di tích khảo cổ, 16 kiến trúc nghệ thuật và 233 di tích tín ngưỡng. Đặc biệt là các điểm đến như Khu Di tích ATK Định Hoá được Chính phủ đánh giá là “Quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỳ XX”. Rồi hệ thống các điểm đến như Di chỉ khảo cổ học thời kỳ đồ đá cũ ở huyện Võ Nhai; các di tích kiến trúc nghệ thuật chùa chiền và hơn 80 lễ hội truyền thống được tổ chức vào dịp đầu năm. Theo ông Hoàng Văn Quý, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch): Tất cả những di tích và những nét đẹp văn hoá truyền thống mang đậm nét dân tộc đều được ví như nguồn tài nguyên vô giá phục vụ cho ngành du lịch phát triển. Để hạn chế ô nhiễm môi trường tại các điểm đến và các lễ hội, hằng năm Sở chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn đến các cấp, ngành và địa phương tổ chức thực hiện những biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường trong hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch, tổ chức lễ hội và bảo vệ giá trị các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn; chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương tăng cường công tác quản lý về môi trường. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp, các khu, điểm du lịch, các di tích, các địa điểm tổ chức lễ hội đảm bảo việc chấp hành, gìn giữ và bảo vệ môi trường; đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội và phát huy giá trị di tích; chỉ đạo các địa phương triển khai công tác quản lý đối với các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh các khu, điểm du lịch trên địa bàn thực hiện nghiêm túc mọi quy định, trong đó có công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường. Hằng năm Sở tăng cường các khóa tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch, góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hoá, thể thao và du lịch có ý thức gìn giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường.
Theo ông Trần Cơ Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Để du lịch Thái Nguyên phát triển bền vững, công tác bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch được tăng cường quản lý, nên chất lượng môi trường được cải thiện, hiện tượng ô nhiễm tại các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng phục vụ du lịch đang dần được khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Kết quả điều tra, khảo sát việc thực hiện xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn, công tác bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh của Sở mới đây cho thấy: Hầu hết hệ thống nhà vệ sinh, buồng vệ sinh cơ bản đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Các đơn vị đều có bảng chỉ dẫn, bảng tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Các công trình vệ sinh công cộng được quan tâm đầu tư mới và nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu, các trang thiết bị vệ sinh tối thiểu đảm bảo chất lượng. Một số các khu, điểm du lịch và các khách sạn lớn đã xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải, nước thải. Cùng với đó, Sở vận động, khuyến khích, hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch áp dụng bộ tiêu chuẩn nhãn du lịch vững “Bông Sen Xanh”. Đây là bộ tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững dành cho cơ sở lưu trú du lịch. Tại một số đơn vị kinh doanh du lịch đã bố trí nhân lực theo dõi, quản lý công tác về bảo vệ môi trường, hướng dẫn du khách thực hiện quy định về bảo vệ môi trường, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành là hoạt động thông tin, tuyền truyền về công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch, nhận thức của người dân và du khách được nâng cao, nhất là với các chủ cơ sở tại các khu, điểm du lịch. Từng bước hình thành được ý thức, trách nhiệm tích cực của mỗi cá nhân về công tác bảo vệ môi trường, qua đó thu hút du khách, góp phần phát triển bền vững du lịch Thái Nguyên.
Bài và ảnh: Cao Nguyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...