Tiếp nối đà tăng trưởng của năm 2017, 6 tháng đầu năm 2018, ngành Du lịch Việt Nam nắm bắt những cơ hội thuận lợi để tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Tổng số khách quốc tế đến đạt 7.891.530 lượt khách, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó một số thị trường khách có số lượng tuyệt đối cao và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái như Trung Quốc đạt 2.568.842 lượt (tăng 36,1%), Hàn Quốc đạt 1.713.604 lượt (tăng 60,7%), Nhật Bản đạt 404.012 lượt (tăng 6,6%), Mỹ đạt 369.641 lượt (tăng 15,4%)… Khách nội địa đạt 42,8 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 312.000 tỷ đồng, tăng 22,5%. Những kết quả mà Ngành đạt được là điểm sáng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Bên cạnh việc duy trì đà tăng trưởng khách, các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành cũng được triển khai một cách tích cực. Trong đó đáng chú ý là đã triển khai phổ biến Luật Du lịch 2017 và văn bản hướng dẫn tại một số tỉnh, thành; Thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Triển khai công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF 2019) và Hội chợ TRAVEX; Thực hiện các công việc liên quan đến tổ chức Giải thưởng Du lịch Việt Nam 2018; Tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá tại nước ngoài, tham dự các hội chợ quốc tế, tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam, đón các đoàn famtrip, presstrip nước ngoài; Xây dựng kế hoạch của ngành Du lịch thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2018…
Các hoạt động quản lý chuyên ngành đã được tích cực triển khai, đóng góp vào nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Về công tác quản lý hoạt động lữ hành, đã cấp mới 111 giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nâng tổng số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế được cấp phép lên 1.966 doanh nghiệp; cấp 2.607 thẻ hướng dẫn viên du lịch, cả nước hiện có 21.683 hướng dẫn viên được cấp phép. Về công tác quản lý cơ sở lưu trú du lịch, tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, hướng dẫn các cơ sở lưu trú đảm bảo chất lượng phục vụ. Về hoạt động xúc tiến, quảng bá và thông tin du lịch, triển khai kế hoạch e-marketing, xây dựng video clip giới thiệu du lịch Việt Nam; công bố website xúc tiến quảng bá du lịch quốc tế mới www.vietnam.travel. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông trên hệ thống website của Tổng cục Du lịch. Về hoạt động hợp tác quốc tế, triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, APEC, tham dự các sự kiện quan trọng của Tổ chức Du lịch thế giới.
Tại các địa phương, hoạt động du lịch tiếp tục diễn ra sôi nổi, lượng khách trong 6 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm 2017, tiêu biểu là Hà Nội tăng 10%, Đà Nẵng tăng 29,4%, Kiên Giang tăng 21%, Bình Thuận tăng 12,4%, Điện Biên tăng 57,56%, Bắc Ninh tăng 32%, TP. Hồ Chí Minh tăng 26,5%...
Các địa phương đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách; chú trọng bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch theo hướng chuyên nghiệp hơn, xây dựng các tour tuyến du lịch mới; thúc đẩy các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các tỉnh thông qua các hội nghị hợp tác phát triển. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại một số địa phương vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong việc đảm bảo an ninh an toàn, vệ sinh môi trường, rác thải ô nhiễm, tai nạn vẫn xảy ra tại một số điểm du lịch, đặc biệt trong các dịp lễ hội, mùa cao điểm.
Đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng, đóng góp vào kết quả đạt được của Ngành, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh trong 6 tháng cuối năm, cần tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là duy trì đà tăng trưởng lượng khách và tổng thu từ khách du lịch, hoàn thành mục tiêu đón 16 triệu lượt khách quốc tế, 80 triệu lượt khách nội địa, nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó tập trung xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Du lịch, Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch, Đề án Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Tiếp tục phổ biến Luật Du lịch 2017; Triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ…; Tập trung triển khai các công việc chuẩn bị cho ATF 2019 và Hội chợ TRAVEX; Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch, cải cách hành chính, ứng dụng du lịch thông minh; Tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá tại các thị trường nước ngoài, thu hút thêm nhiều du khách tại các thị trường trọng điểm.
Tác giả bài viết: http://vietnamtourism.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...