Phú Lương – Mảnh đất có thế mạnh để phát triển du lịch lịch sử tâm linh kết hợp trải nghiệm văn hóa

Thứ tư - 17/03/2021 08:25
Phú Lương – Mảnh đất có thế mạnh để phát triển du lịch lịch sử tâm linh kết hợp trải nghiệm văn hóa

Là một huyện có vị trí địa lý nằm ở cửa ngõ phía bắc tỉnh Thái Nguyên, có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, là nơi hội tụ của những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc vùng Việt Bắc, Phú Lương đã và đang là một điểm đến thu hút du khách trong hành trình du lịch đến với mảnh đất chiến khu xưa.

 

 Do nằm ở cửa ngõ của vùng An toàn khu, phên dậu vững chắc bảo vệ Thủ đô kháng chiến năm nào, bởi vậy, hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Lương có nhiều điểm di tích quan trọng nằm liền kề với ATK Định Hoá như: Di tích nơi tổ chức Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, tại xóm Khuân Lân, xã Hợp Thành. Địa điểm nơi thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên của huyện tại xã Ôn Lương; Địa điểm kỷ niệm Bác Hồ về thăm Trường Thanh niên lao động XHCN tại xóm Đồng Cháy, xã Phủ Lý; Địa điểm thành lập Đại đoàn quân tiên phong, đơn vị chủ lực đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam tại thị trấn Đu...

Mảnh đất thân thương này được nhiều du khách biết đến từ lâu bởi nơi đây có ngôi đền linh thiêng, cổ kính tọa lạc dưới chân núi Đuổm. Đền Đuổm nơi thờ danh tướng Dương Tự Minh - Thủ lĩnh Phủ Phú Lương dưới 3 triều vua nhà Lý, người có công lớn trong xây dựng và bảo vệ vững chắc biên giới phía bắc của nước Đại Việt thế kỷ XII. Với tài đức của mình, năm 1127, ông được vua Lý Nhân Tông gả công chúa Diên Bình; năm 1144 ông lại được vua Lý Anh Tông gả công chúa Thiều Dung và phong ông làm Phò mã Đô uý. Hơn 30 năm làm quan dưới các triều vua Lý, ông không chỉ là một vị tướng tài trung quân ái quốc mà còn là một con người khẳng khái dám đấu tranh chống lại sự sách nhiễu của quan lại triều đình. Cuối đời, ông đã cùng hai công chúa Diên Bình và Thiều Dung về sống ở Điểm Sơn, sau khi ông mất, nhân dân địa phương đã lập đền thờ ông và lưu danh mãi muôn đời. Quần thể di tích lịch sử đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử và danh thắng cấp quốc gia, trở thành một điểm du lịch hấp dẫn trên địa bàn tỉnh.

1
Lễ hội đền Đuổm. Ảnh: Nam Đan

Lễ hội Đền Đuổm cũng là một lễ hội truyền thống lớn nhất tỉnh Thái Nguyên nhân dịp đầu xuân, mở hội chính thức vào ngày mồng 6 tháng giêng hằng năm. Lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội được kéo dài từ ngày 30  tháng chạp (tết âm lịch) đến hết tháng giêng âm lịch, gồm có hai phần lễ và hội. Phần lễ được tổ chức theo nghi thức truyền thống gồm: Nghi thức rước đất, rước nước, nghi thức dựng cây nêu của người Tày, lễ Mộc Dục, lễ gia quan, rước lễ vật vào đền, đại tế và khai mạc lễ hội. Phần hội với  các hoạt động: Thi trưng bày trang trí mâm cỗ sản vật của địa phương cúng tiến vào đền Đuổm, thi trình diễn sao chè, thi trình diễn giã bánh dày, thi trình diễn trang phục dân tộc, thi văn nghệ. Đến với lễ hội đền Đuổm du khách còn được trải nghiệm các trò chơi  dân gian như: Kéo co, đẩy gậy, tung còn, bịt mắt đập niêu, bắn nỏ và  thưởng thức các sản vật đặc sản đặc trưng nhất của địa phương như: các loại bánh trưng, bánh dày, bánh gio, bánh lẳng, bánh sừng bò, bánh lá ngải, xôi ngũ sắc, rượu nếp cái hoa vàng, chè mật ong, hàng thổ cẩm, mây tre đan...

Hành trình sẽ chưa trọn vẹn nếu như du khách đi trảy hội đền Đuổm mà chưa ghé qua đền Trình. Ngôi đền cách đền Đuổm 10 km về phía nam, thuộc địa phận phố Giang Tiên, thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương. Mang trong mình vẻ cổ kính, linh thiêng, với cảnh sắc sơn thủy hữu tình, ngôi đền đã trở thành địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cho du khách thập phương khi trảy hội đền Đuổm mồng 6 tháng Giêng hàng năm. Cũng chưa rõ đền Trình được xây dựng từ khi nào, nhưng theo các tư liệu về Dương Tự Minh, có thể nó hình thành trong khoảng thế kỷ XII và gắn với sự tích tiên giáng trần. Di tích đền Trình đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2008, được nhân dân nhiều đời bảo vệ, trùng tu và tôn tạo.

2
Một góc khuôn viên đền Trình. Ảnh: Minh Đỗ

Không chỉ được du ngoạn những ngôi đền tìm hiểu về lịch sử và những giá trị về tâm linh, khi đến mảnh đất này, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động văn hóa du lịch cộng đồng tại xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh. Đến đây, du khách sẽ hoà mình trong đời sống giàu màu sắc truyền thống của bản làng, một điểm nhấn trong văn hoá đặc sắc của dân tộc Sán Chay Việt Nam. Từ những nếp nhà sàn, những rừng chò chỉ, những phong tục tập quán trong sinh hoạt, sản xuất, lễ nghi, ứng xử đều tạo được dấu ấn tốt đẹp cho du khách thập phương. Đến thăm nơi đây vào dịp mồng hai tháng hai âm lịch hằng năm, du khách sẽ được chứng kiến lễ hội Cầu Mùa, một trong 10 lễ hội đặc sắc nhất của các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2005. Lễ hội Cầu Mùa, múa Tắc Xình và hát Sấng Cọ của người Sán Chay huyện Phú Lương đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Du lịch đến xóm Đồng Tâm, du khách sẽ được ngắm những bộ trang phục sặc sỡ sắc màu của thiếu nữ Sán Chay; được nghe những làn điệu Sấng Cọ (di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia), âm hưởng của kèn Pí lè, trống đất (náy cau); được xem vũ điệu Tắc Xình (di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia) vừa vui tươi, khoẻ mạnh, vừa mang đậm tính huyền bí của điệu múa. Ngoài ra, du khách còn được ăn những món ăn dân tộc và các loại bánh đặc trưng của người Sán Chay, được thưởng thức hương vị của chè thơm Khe Cốc sao xuốt, hương vị đậm đà khó quên.

3
Múa Tắc Xình trong nghi lễ Cầu Mùa tại đình làng.Ảnh: Đức Chính

Đến với Phú Lương du khách còn được tham quan trải nghiệm trên những nương chè xanh mướt soi mình xuống dòng sông Cầu thơ mộng, nơi hội tụ của với 37 làng nghề chè đã được công nhận, nhiều làng nghề chè nổi tiếng như Khe Cốc, Thác Dài, Tân Thái (Tức Tranh), Đồng Bòng, Yên Thủy (Yên Lạc), Phú Nam (Phú Đô), Tân Bình, Bình Long (Vô Tranh), các làng nghề mang nét đẹp văn hoá của làng quê Việt Nam, đang từng ngày phát triển. Lễ hội vinh danh các làng nghề chè huyện Phú Lương lần thứ nhất tổ chức năm 2017 và định kỳ 2- 3 năm tổ chức lại một lần, đây là một hoạt động thiết thực, cùng với các địa phương khác trong tỉnh Thái Nguyên nhằm tôn vinh các làng nghề cũng như tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm chè huyện Phú Lương đến với với du khách trong nước và quốc tế.

4
Phú Lương đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm chè của huyện đến với với du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Nam Đan

Có thể khẳng định, tiềm năng du lịch của Phú Lương là rất lớn, đặc biệt có thế mạnh để khai thác phát triển loại hình du lịch lịch sử tâm linh kết hợp trải nghiệm văn hóa. Từ Phú Lương có thể kết hợp với các điểm đến khác trên địa bàn tỉnh, hình thành những tour về du lịch tâm linh, tuyến du lịch về nguồn ATK Định Hóa cũng như các tuyến liên kết với các tỉnh vùng Đông Bắc như Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang... góp phần tạo cơ hội trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đồng thời kết nối các sản phẩm du lịch để Phú Lương vươn xa hơn đến du khách trong nước và quốc tế./.

                                              Tác giả: Minh Đỗ (t/h)

 


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Du lịch Thái Nguyên - Khám phá và trải nghiệm

 Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...

Thăm dò ý kiến

Đến Thái Nguyên, bạn quan tâm điều gì nhất

Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 17
  •   Máy chủ tìm kiếm 1
  •   Khách viếng thăm 16
 
  •   Hôm nay 3,579
  •   Tháng hiện tại 115,696
  •   Tổng lượt truy cập 15,977,934
Hỗ trợ trực tuyến
thainguyentourism.vn
thainguyentourism.vn Hỗ trợ chính sách
0912239337
Đường dây nóng
Đường dây nóng Giờ Hành chính:
0975 141 719
Để có một chuyến đi thực sự ấn tượng trong cuộc đời, hãy đến với Thái Nguyên, đến với chúng tôi