Đồng Hỷ: Tiềm năng du lịch cần được khơi dậy và phát huy

Thứ ba - 10/10/2023 17:16
Đồng Hỷ: Tiềm năng du lịch cần được khơi dậy và phát huy

Huyện Đồng Hỷ, mảnh đất với nhiều cảnh quan thiên kỳ thú như hang động, suối, thác nước; những đồi chè bát úp; giá trị văn hóa, lịch sử đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Đó là những tiềm năng để địa phương có thể phát triển nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch trải nghiệm, sinh thái cộng đồng. Thực tế những sản phẩm du lịch của Đồng Hỷ giống như “một nàng công chúa” ngủ trong rừng đang chờ “hoàng tử” đến đánh thức.

 

Có thể nói quần thể hang Chùa, suối Tiên, Bản Tèn, xã Văn Lăng là thắng cảnh đẹp vào bậc nhất của huyện Đồng Hỷ. Với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hang động, thác nước đẹp, cùng với bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Mông vẫn đang được bảo tồn và phát huy. Hiện tại, hang Chùa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích thắng cảnh Quốc gia tại Quyết định số 3082/QĐ-BVHTTDL, ngày 27/10/2020. Suối Tiên - Nơi có dòng suối tự nhiên chảy dài hàng cây số, đỉnh dòng chảy có hang động và thác nước rất đẹp. Vào mùa hè, du khách khắp nơi đổ về ngắm thác và tắm bên dòng nước trong vắt. Bản Tèn – Với 100% đồng bào Mông sinh sống, hiện còn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông, không gian cảnh quan thơ mộng, trữ tình với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn theo những sườn đồi. Đây chính là tiềm năng có thể khai thác để đóng góp cho sự phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện theo định hướng phát triển bền vững.

Suối Tiên - Điểm đến dã ngoại hấp dẫn du khách.

Dự án Khu du lịch sinh thái Đá Thiên, thị trấn Trại Cau đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định 1686/QĐ-UBND, ngày 20/6/2020 có tổng diện tích quy hoạch 55,6 ha, là dự án trọng điểm của huyện. Dự án được triển khai thực hiện sẽ góp phần phát triển du lịch tâm linh, sinh thái khu vực phía nam kết nối với di tích Đình - Đền - Chùa Cầu Muối, huyện Phú Bình. Hiện nay, dự án đã và đang triển khai thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để xây dựng các hạng mục công trình như: Bãi đỗ xe, cổng tam quan, nhà ga xe điện, đường đi, khu vực kiốt bán hàng, khu tượng phật di lặc,...

Bản Tèn - Không gian cảnh quan có một không hai tại Thái Nguyên.

Đồng Hỷ còn tự hào là một trong những cái nôi đầu tiên của ngành chè Việt Nam, với khoảng 40 làng nghề chè đã được công nhận, nhiều sản phẩm trà của các làng nghề chè Đồng Hỷ đã có mặt rộng rãi trên thị trường trong nước và quốc tế. Sự phát triển của làng nghề chè trong những năm qua đã góp phần hình thành các vùng làng nghề chè đặc sản nổi tiếng như: Trại Cài - Minh Lập, Văn Hán, Sông Cầu, Khe Mo… tạo tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm làng nghề.

Hang Chùa không chỉ có giá trị về mặt cảnh quan mà còn là một di tích thắng cảnh Quốc gia.

Có thể nói tiềm năng du lịch của huyện là rất lớn, tuy nhiên chưa có sản phẩm nào thực sự rõ nét và cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch cũng chưa được đầu tư xứng tầm, dẫn đến còn thiếu và hạn chế so với những địa phương khác trong tỉnh. Thực tế hằng năm, chúng tôi đều có những chuyến khảo sát các điểm đến du lịch trên địa bàn huyện, nhưng nhận thấy chưa có nhiều sự thay đổi. Bản Tèn đã được đầu tư về hạ tầng giao thông, đường di chuyển lên đó cũng thuận lợi hơn, bắt đầu tạo ra những sản phẩm trải nghiệm đáp ứng nhu cầu của du khách như ngoài ruộng bậc thang, mùa lúa vàng thì còn có hoa tam giác mạch, sâm Bố Chính, nhưng tuyệt nhiên chưa có dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách về ăn, ngủ, nghỉ. Hay tại suối Tiên, hang Chùa cũng vậy, giá trị về du lịch sinh thái trải nghiệm rất lớn. Suối tiên rất đẹp và thơ mộng. Hang Chùa không chỉ có giá trị về mặt cảnh quan mà còn là một di tích thắng cảnh Quốc gia. Trải qua thời gian những điểm đến này đang ngày một kém hấp dẫn. Minh chứng là khoảng gần 10 năm về trước, suối Tiên thu hút nhiều du khách, đường di chuyển vào khá thuận lợi, cảnh quan còn nguyên sơ, nhưng nay khách đến đây ngày một ít do không có dịch vụ, cảnh quan nhiều chỗ bị tác động của con người không được như xưa. Hang Chùa đường để đến hang gần như không được phát dọn, không hình thành lối đi, không biển chỉ dẫn nên du khách rất khó định vị, cỏ cây chăng cả cửa hang. Đó là những mỏ vàng mà địa phương đang để lãng phí. Nếu khai thác phát triển du lịch tốt thì đời sống, kinh tế của  bà con theo đó sẽ đi lên, nhận thức cũng sẽ thay đổi, mạnh dạn hơn và tạo sinh kế bền vững cho bà con.

Những mô hình trồng sâm Bố Chính đang được triển khai tại Bản Tèn.

Chúng ta biết rằng, các điểm đến cảnh quan dù có đẹp đến mấy thì vấn đề du khách quan tâm vẫn cứ là dịch vụ. Nếu chỉ dừng lại ở những giá trị tự nhiên không có tác động của bàn tay con người để phát huy, thổi vào đó những giá trị văn hóa địa phương, những dịch vụ tối thiểu đáp ứng nhu cầu du khách thì mãi vẫn chỉ dừng ở dạng tiềm năng và chưa chưa thực sự mang lại lợi ích kinh tế cho bà con. Ở Đồng Hỷ, chúng tôi nhận thấy còn thiếu các nhà đầu tư, người dân chưa mạnh dạn, tiên phong làm du lịch, dẫn đến những sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn.

Trong những năm qua, huyện Đồng Hỷ đã quan tâm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội, trò chơi dân gian, ẩm thực nhằm giới thiệu, tôn vinh, ca ngợi giá trị truyền thống lịch sử, cảnh đẹp của di tích đến nhân dân và du khách. Tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch để giới thiệu tiềm năng, giá trị lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các sản phẩm nông nghiệp của huyện Đồng Hỷ nhằm thu hút du khách. Đặc biệt, tháng 8/2021, huyện Đồng Hỷ cũng đã ban hành và triển khai Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, danh thắng gắn với phát triển làng nghề để phát triển du lịch huyện Đồng Hỷ, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035 nhằm tạo đột phá trong xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn huyện, đồng thời đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, làng nghề hướng tới phục vụ mục đích phát triển du lịch, góp phần thực hiện thành công 1 trong 3 đột phá phát triển mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện khóa XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra là “Hình thành và phát triển chuỗi các điểm du lịch sinh thái, hang động văn hóa, tâm linh, di tích lịch sử gắn với phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn”.

Tin tưởng rằng, với sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng sự hỗ trợ của một số đơn vị, doanh nghiệp, du lịch Đồng Hỷ sẽ ngày một phát triển, kinh tế của bà con dần ổn định, nhận thức và tư duy trong làm du lịch sẽ có những đột phá góp phần xây dựng Đồng Hỷ với nhiều sản phẩm du lịch, trở thành một điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế./.

Tác giả: Minh Đỗ


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Du lịch Thái Nguyên - Khám phá và trải nghiệm

 Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...

Thăm dò ý kiến

Điểm du lịch nào của Thái Nguyên bạn thích nhất

Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 25
 
  •   Hôm nay 3,603
  •   Tháng hiện tại 148,113
  •   Tổng lượt truy cập 15,251,486
Hỗ trợ trực tuyến
thainguyentourism.vn
thainguyentourism.vn Hỗ trợ chính sách
0912239337
Đường dây nóng
Đường dây nóng Giờ Hành chính:
0975 141 719
Để có một chuyến đi thực sự ấn tượng trong cuộc đời, hãy đến với Thái Nguyên, đến với chúng tôi