Phát triển du lịch bền vững là yêu cầu cấp bách

Thứ ba - 15/08/2017 07:09
Phát triển du lịch bền vững là yêu cầu cấp bách

Đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch đang là một trong các ưu tiên hàng đầu của nhiều địa phương có lợi thế về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, điều kiện địa lý, khí hậu... Tuy nhiên ở một số nơi, sự phát triển quá nhanh các hoạt động du lịch, nhưng thiếu quy hoạch đồng bộ đã ảnh hưởng đến đời sống dân cư, văn hóa bản địa, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, đe dọa phát triển du lịch trong tương lai. Để giải quyết vấn đề này, Luật Du lịch năm 2017 đã đưa ra nhiều quy định.

Việt Nam có triển vọng, tiềm năng để phát triển du lịch bởi sở hữu nhiều lợi thế từ sự đa dạng các kiểu khí hậu; đa dạng, phong phú về văn hóa với nhiều nét đặc sắc của các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam; đa dạng về địa lý với nhiều kiểu địa hình từ đồng bằng đến núi cao, có nhiều bãi biển đẹp, nhiều hang động kỳ bí,... đáp ứng nhu cầu khách du lịch, dù đó là người có nhu cầu nghỉ dưỡng hay có sở thích khám phá, tìm hiểu. Song, tiềm năng cần được khai thác đúng cách, nếu không sẽ rất dễ rơi vào tình trạng chạy theo nhu cầu nhất thời để đáp ứng một cách vội vã, thậm chí bỏ qua một số tiêu chí văn minh để kinh doanh theo lối “chộp giật”, tận thu, bất chấp nguy cơ, hiểm họa đe dọa trực tiếp đời sống, văn hóa, môi trường,... của địa phương. Bởi sự xuống cấp của các yếu tố này sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động du lịch, dẫn đến suy giảm hiệu quả, chất lượng, tiềm năng phát triển du lịch.

Bảo Bảo Vườn rau
Du lịch xanh tại Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Ảnh: Đức Khang)

 

Đáng buồn, tại một số địa phương, vấn đề này vẫn chưa được nhìn nhận đúng và thực hiện nghiêm, như quan hệ giữa du lịch và môi trường. Thực tế, không phải đến nay, vấn đề phát triển du lịch bền vững, gồm các nội dung như: bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa bản địa trong phát triển kinh tế nói chung, trong lĩnh vực du lịch nói riêng,… mới được đặt ra.

Tại không ít địa phương ở nước ta hiện nay, vấn đề này chưa được đặt ra đúng mức, thậm chí bị coi nhẹ trong một thời gian dài, dẫn đến tình trạng phát triển du lịch bất chấp các nguyên tắc; coi lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu, nên trong quá trình khai thác, phát triển du lịch, đã bỏ qua cả lợi ích của cộng đồng. Không khó để nhận thấy hậu quả tất yếu từ việc phát triển du lịch quá nhanh, quá “nóng”, thiếu bền vững ở một số địa phương đã thể hiện qua tình trạng cơ sở hạ tầng không được đầu tư, nâng cấp; làm du lịch tự phát, thiếu sự kiểm soát của cơ quan có chuyên môn; bản sắc văn hóa bản địa bị phai nhạt thậm chí pha tạp, nguồn nhân lực chưa đáp ứng tốc độ phát triển, hoạt động du lịch đơn điệu, nhàm chán, thiếu sáng tạo... Không ngẫu nhiên, câu hỏi “sẽ có bao nhiêu du khách một đi không trở lại?” đã rất nhiều lần được báo chí đặt ra.

Gần đây, cái tên “đại công trường” với hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ,... được xây dựng trên nhiều tuyến phố đã được nhiều tờ báo sử dụng để nói về thị trấn Sa Pa (Lào Cai). Tình trạng này xuất hiện sau khi đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chính thức hoạt động khiến cho tiến độ xây dựng, phát triển du lịch tại Sa Pa “tăng tốc”. Thay vì trước đây phải mất gần chục giờ đồng hồ, thì giờ khách du lịch chỉ cần đi chưa đến 3,5 giờ là đã đến Sa Pa. Điều này lý giải vì sao khách du lịch đổ về các điểm du lịch của Lào Cai như Sa Pa, Bắc Hà,... ngày một tăng, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ, Tết hoặc ngày nghỉ cuối tuần.

Có tình trạng để “chắc ăn”, du khách phải đặt phòng trước tới nửa năm. Khách du lịch tăng đột biến kéo theo dịch vụ khách sạn, ăn uống, vui chơi giải trí cũng phát triển “nóng”. Sẽ không có gì đáng nói, nếu việc xây dựng được thực hiện theo một quy hoạch tổng thể, trên cơ sở tôn trọng môi trường, cảnh quan thiên nhiên cũng như văn hóa bản địa. Nhà hàng, khách sạn, ki-ốt... mọc lên san sát đã khiến cảnh quan đặc sắc ở Sa Pa bị phá vỡ, thậm chí có phần lai căng, kệch cỡm. Đáng tiếc câu chuyện phát triển du lịch quá “nóng” ở Sa Pa không phải là trường hợp cá biệt. Có thể bắt gặp tình trạng tương tự ở một số điểm du lịch khác như Tam Đảo, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc...

Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, mỗi tháng thành phố này có thêm 500 phòng lưu trú và 11 khách sạn mới ra đời. Chỉ trong năm tháng đầu năm 2016, số lượng phòng đã gần bằng con số của suốt thời gian qua. Thí dụ, nếu trước đó số phòng chỉ là 17.600, thì nay đã lên 20.166 phòng. Ông Huỳnh Tấn Vinh đặt câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta xây khách sạn nhiều quá mức, nhất là khách sạn hai đến ba sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu có sự việc nào đó khiến khách không đến thì số khách sạn này sẽ như thế nào, toàn bộ công ăn việc làm, toàn bộ lao động này sẽ như thế nào, thuế má sẽ như thế nào?”. Hậu quả từ việc phát triển ngành du lịch quá “nóng” không phải chờ lâu, bước sang năm 2017, Đà Nẵng đã chứng kiến cảnh “vỡ trận” của hàng loạt khách sạn, với làn sóng bán tháo nhiều khách sạn tầm trung.

Cần lưu ý rằng, vài năm trước, biển Đà Nẵng từng được tạp chí Forbes (Pho-bơ) xếp vào danh sách các bãi biển đẹp nhất hành tinh, nhưng đây không phải là sự vinh danh mãi mãi. Mỗi năm các chuyên gia lại có sự khảo sát, đánh giá và xếp hạng lại. Vì vậy nếu chúng ta sớm thỏa mãn, hài lòng với thành tích của hiện tại, rất có thể phải trả giá chỉ trong nay mai. Rõ ràng tình trạng phát triển du lịch thiếu bền vững, chỉ tận dụng khai thác những lợi thế sẵn có, không chú trọng công tác giữ gìn, đồng thời tạo ra giá trị mới thì những ưu thế vốn có sẽ dần mai một, cơ hội phát triển sẽ ngày càng thu hẹp, lợi thế cạnh tranh suy giảm, và du lịch chỉ còn có thể phát triển èo uột, cầm chừng.

Đảng và Nhà nước ta xác định du lịch là lĩnh vực cần đầu tư phát triển trong thời gian tới. Đặc biệt, đầu năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sau khi khẳng định một số thành tựu của ngành du lịch trong 15 năm qua, chỉ rõ một số hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, Nghị quyết đã xác định mục tiêu: “Đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực,...; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp”.

Đồng thời, Nghị quyết yêu cầu, để đạt các mục tiêu trên, cần tuân thủ quan điểm chỉ đạo có tính nguyên tắc đối với ngành du lịch là: “Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội”. Với Luật Du lịch sửa đổi (Luật Du lịch năm 2017) được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 19-6-2017, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, vấn đề phát triển du lịch bền vững được khẳng định là một trong những nguyên tắc quan trọng, với nhiều điểm mới được nhiều người quan tâm.

Cụ thể, nếu Luật Du lịch năm 2005 chỉ đưa ra quy định chung chung: “Du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch của tương lai” (Điều 4) thì Luật Du lịch năm 2017 đã chi tiết, cụ thể hơn, theo đó: “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai” (Điều 3). Trên cơ sở xác định nội dung phát triển du lịch bền vững, tại Điều 8 về Bảo vệ môi trường du lịch, Luật cũng có các điều chỉnh ngắn gọn, sáng rõ hơn, tạo thuận lợi cho việc thực thi luật trên thực tế.

Cụ thể: Môi trường du lịch phải được bảo vệ, tôn tạo và phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, lành mạnh và văn minh; bộ, cơ quan ngang bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ban hành quy định nhằm bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch; chính quyền địa phương các cấp có biện pháp bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch phù hợp với thực tế của địa phương; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch có trách nhiệm thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh trong hoạt động kinh doanh; khắc phục tác động tiêu cực do hoạt động của mình gây ra đối với môi trường; có biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội trong hoạt động kinh doanh của mình; khách du lịch, cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, môi trường, bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc; có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự nhằm nâng cao hình ảnh đất nước, con người và du lịch Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, giúp phát triển ngành du lịch cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác, du lịch được xem là lĩnh vực đặc thù của sự kết hợp giữa văn hóa và kinh tế, của việc phát huy lợi thế văn hóa - lịch sử - tự nhiên để đóng góp vào sự phát triển đất nước. Vì thế, phát triển du lịch không chỉ dựa vào điều tra, khảo sát, lập dự án, xây dựng tiện nghi đáp ứng nhu cầu, quảng bá và mời gọi,… mà cần sự phối kết hợp của các địa phương, ban, ngành, sự tham gia của cộng đồng. Dù thế nào thì để có một nền du lịch phát triển bền vững, cần tiến hành đồng bộ các yếu tố như: hoàn thiện hệ thống pháp luật; thực hiện quy hoạch phát triển du lịch tổng thể, bảo đảm tính khoa học, toàn diện; ổn định đời sống cho người dân; giữ gìn văn hóa bản địa và môi trường tự nhiên; chú trọng công tác bảo tồn, phát triển nguồn nhân lực... Và chỉ khi có sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố này, du lịch Việt Nam mới có thể phát huy tiềm năng sẵn có, tạo dựng nên một thương hiệu mạnh về du lịch trên thế giới.

 

 

Tác giả bài viết: THI PHONG


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Du lịch Thái Nguyên - Khám phá và trải nghiệm

 Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...

Thăm dò ý kiến

Đến Thái Nguyên, bạn quan tâm điều gì nhất

Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 135
  •   Máy chủ tìm kiếm 5
  •   Khách viếng thăm 130
 
  •   Hôm nay 5,419
  •   Tháng hiện tại 114,349
  •   Tổng lượt truy cập 16,311,428
Hỗ trợ trực tuyến
thainguyentourism.vn
thainguyentourism.vn Hỗ trợ chính sách
0912239337
Đường dây nóng
Đường dây nóng Giờ Hành chính:
0975 141 719
Để có một chuyến đi thực sự ấn tượng trong cuộc đời, hãy đến với Thái Nguyên, đến với chúng tôi