Đã 72 năm trôi qua, những nhân chứng lịch sử phần nhiều đã về với thế giới người hiền. Nhưng vẫn còn đây từng dải núi ôm ấp lấy bản làng, và một roõng Là Nghè gom nước thành suối Khuân In rồi hợp vào dòng sông Dong. Giữa cảnh sắc thanh bình, yên ả với tiếng chim hót ríu ran gọi mời, như nhắc nhớ lòng người tìm về quá vãng. Hồi bấy giờ Bác Hồ cùng một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ đã về đây ở, làm việc. Một hẻm núi xa khuất “bỗng”trở thành “trái tim” của thủ đô kháng chiến. Trong sự đùm bọc của nhân dân và rừng xanh, Bác Hồ, Chính phủ đã có 31 ngày (từ ngày 18-10 đến ngày 17-11-1947) an toàn tuyệt đối. Người dân xã Liên Minh nói riêng, người dân huyện Võ Nhai nói chung có quyền tự hào về điều đó.
Bước dướitán rừng keo xanh lá, nghe rì rầm từng khúc ru ca của gió đại ngàn hòa quyện cùng rí rách nước roõng Là Nghè, chợt một người dân địa phương hỏirồi tự trả lời: -Các anh có biết năm xưa Bác Hồ đã về đây bằng phương tiện gì không? -Đi bộ. Bác Hồ đã đi bộ từ Định Hoá về bằng lối mòn tắt rừng, tắt ruộng… 1 trong hàng nghìn hành trình của Người được chép lại trong tâm trí người dân, và lưu truyền, cô đọng lại trên trang sử hiện lưu giữ tại Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Thái Nguyên. Vâng! …Hôm ấy trời đã sang Đông, sương lạnh bao phủ khắp núi rừng Việt Bắc, vừa 5 giờ sáng, Bác quàng khăn len, đội mũ cọ, mặc quần áo nâu, tháo dép cao su buộc vào chiếc túi vải đựng máy chữ cùng đoàn cán bộ cao cấp của Chính phủ dời ATK Định Hoá về Võ Nhai. Một hành trình đầy khó khăn, vì Bác vừa ốm dậy, sức còn yếu, phải chống gậy nhưng Bác không làm phiền đến mọi người. Cả đoàn đi thành hàng một về đến La Hiên, lại tắt dốc, tắt đường qua Văn Hán (Đồng Hỷ). Đang mùa thu hoạch, các khu đồng Văn Hán ríu ran tiếng bà con trò chuyện về tình hình thực dân Pháp đang đánh lên vùng Việt Bắc, về phong trào chống càn, đánh đuổi thực dân Pháp ở các tỉnh miền xuôi. Gặp bà con, Bác dừng chân hỏi chuyện:
-Bà con đã muốn độc lập chưa?
-Ai mà không muốn độc lập. -Bà con trả lời vô tư.
-Thế thì tăng gia sản xuất, cố lên nhé.
Bác nói chuyện ôn tồn với bà con nông dân, rồi vội chia tay để vượt đèo Nhâu dốc cao gập gối, trơn truội, đầy muỗi mòng. Đến thôn Nhâu vừa độ trưa, Bác cùng đoàn công tác dừng chân nghỉ ngơi, ăn cơm. Bác gọi ông Đức (người dẫn đường) cùng đồng chí Vũ Kỳ (thư ký của Bác) dặn xuống làng Vang mượn nhà làm việc. Và Bác đã ở ngôi nhà sàn của gia đình ông Nguyễn Văn Đắc, một cán bộ cốt cán của Đảng lúc bấy giờ. Sau 7 ngày, Bác chuyển đến ở lán mới tại roõng Là Nghè, lán do đội bảo vệ làm. Còn ông Đắc được giao nhiệm vụ cảnh giới phía ngoài. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, ông Đắc lấy một gióng tre làm mõ, treo lên cây dẻ vàng phía lối ra, vào roõng. Ám hiệu được thống nhất: Khách quan trọng đến gõ 3 tiếng mõ, đồng chí Vũ Kỳ từ lán ra đón mới được vào. Nhiều lúc ông Đắc bận nên giao việc cảnh giới, gõ mõ báo hiệu cho con gái là Nguyễn Thị Thành.
Bà thành kể: Hồi bấy giờ tôi 15 tuổi, không biết ông cụ gầy ốm đó là Bác Hồ. Nhưng bố dặn dò phải cảnh giới, phải phòng gian, bảo mật. Tôi thấy thích thú khi giúp bố làm công việc đó. Một lần ông cụ dặn dò bố tôi: Việc gì cũng phải học hỏi, bàn bạc với dân chúng và phải tin vào dân chúng, giữ lời hứa với dân, lời nói phải đi đôi với việc làm thì dân mới tin… Thời gian đó nhân dân trong vùng còn được cán bộ giúp việc cho Bácvận động thực hiện 3 không: Không biết, không thấy, không nói; các gia đình nên cất giấu đồ đạc, gạo muối vào rừng để phòng giặc đánh vào.
Bác đã đi xa, nhưng roõng Là Nghè cón đó, một chứng tích lịch sử sống mãi trong lòng người, và trở thành một điểm đến quan trọng, nhắc nhớ các thế hệ cháu con gìn giữ, nhân lên niềm tự hào truyền thống quê hương cách mạng. Góp phần giáo dục, hoàn thiện nhân cách và có ý thức phấn đấu vươn lên. Bà Vũ Thị Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết: Năm 2005, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đến thăm, trồng cây đa lưu niệm. Năm 2009, lán Bác Hồ ở, làm việc tại roõng Là Nghè được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Phát huy truyền yêu nước, Đảng bộ, Chính quyền nhân dân xã Liên Minh ra sức thi đua, thường xuyên bảo vệ, tôn tạo di tích, cũng như ra sức phấn đấu phát triển kinh tế, thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tác giả:Phạm Ngọc Chuẩn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...