Cùng với hoạt động thương mại, người nước ngoài đã mang đến Phố Hiến những phong tục tập quán, kiến trúc mang bản sắc văn hóa riêng của từng quốc gia, từng dân tộc. Điều này khiến Phố Hiến vừa là điểm hội tụ vừa là điểm giao thoa giữa các nền văn hóa, hình thành nên nét văn hóa đặc sắc riêng của đất và người Phố Hiến. Phố Hiến ngày nay là nơi bảo lưu gần như nguyên vẹn những di tích lịch sử có kiến trúc độc đáo, những tín ngưỡng, phong tục, tập tục của thương cảng sầm uất một thời.
Diễn ra từ mùng 6 đến mùng 8 tháng 3 Âm lịch hàng năm, lễ hội văn hóa vùng Phố Hiến là một lễ hội lớn của tỉnh Hưng Yên được tổ chức trong không gian văn hóa cổ xưa tại các di tích lịch sử đền Mẫu, đền Trần, đình - chùa Hiến, đền Thiên Hậu, chùa Chuông, Văn Miếu..., với sự tham gia của 12 xã, phường thuộc thành phố Hưng Yên.
Trong lễ hội, các nghi lễ được tổ chức long trọng như lễ dâng hương, lễ cầu an, lễ rước kiệu... nhằm khôi phục, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và các hoạt động văn hóa tín ngưỡng ở các đình, đền, chùa... Đặc sắc nhất là phần rước kiệu, đoàn rước với sự tham gia của hàng nghìn người, kéo dài 2km, rước qua các tuyến phố chính và các đình, đền, chùa trong thành phố. Các nghi lễ thể hiện niềm tin, lòng kính trọng, tôn thờ tới những vị tiên, Phật, những vị thánh, những anh hùng dân tộc đã có công khai phá tạo nên cuộc sống yên vui cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Các trò chơi dân gian cũng được tổ chức rất náo nhiệt, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia: Đua thuyền trên hồ Bán Nguyệt, đi cầu kiều, trò chơi kéo co, chọi gà... Những trò chơi này được người dân Phố Hiến bảo lưu, gìn giữ truyền qua các thế hệ, đã phần nào khắc họa sinh động cảnh Phố Hiến tấp nập, hưng thịnh một thời. Ngoài ra trong lễ hội còn tổ chức các hoạt động: hát ca trù, trống quân; hội thi thả diều sáo, trưng bày, giới thiệu đặc sản vùng Phố Hiến; trưng bày, giới thiệu cổ vật… Đắm mình trong không khí lễ hội, du khách được tìm hiểu sâu thêm về truyền thống dân tộc, khơi dậy lòng tự hào tự tôn dân tộc; được khám phá những nét độc đáo riêng về ẩm thực, nghệ thuật truyền thống và các trò chơi dân gian độc đáo của vùng đất “Tiểu Tràng An” xưa. Đây cũng là dịp để Hưng Yên quảng bá tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ gắn với các di tích lịch sử, lễ hội… nhằm không ngừng góp phần bảo tồn và phát huy một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Du khách đến với lễ hội văn hóa vùng Phố Hiến để được hướng lòng mình đến những điều cao cả nhất, những giá trị cốt lõi nhất của cuộc sống, để tưởng nhớ tới công lao của những bậc tiền nhân; để truyền cho con cháu chúng ta những đạo lý, những khát vọng cao đẹp của cuộc sống. Không những thế, du khách còn được thưởng ngoạn và tìm hiểu về những di tích lịch sử có giá trị, đó là Văn Miếu Xích Đằng - nơi tôn vinh truyền thống hiếu học của người Hưng Yên xưa và nay; là Chùa Chuông - được mệnh danh "Phố Hiến đệ nhất danh thắng", ngôi chùa cổ kính với những nét kiến trúc đặc sắc, những pho tượng cổ giá trị; là đền Mẫu - ngôi đền linh thiêng, nằm ven Hồ bán Nguyệt, nơi có cây cổ thụ Đa - Sanh - Si đã hơn 700 năm tuổi, quất quýt nhau tạo thành thế kiềng ba chân vững chắc; là đền Thiên Hậu, Đông Đô Quảng Hội, Võ Miếu mang đậm màu sắc kiến trúc và điêu khắc Trung Hoa...
Phố Hiến mùa lễ hội cũng là mùa hoa nhãn, du khách sẽ được tận hưởng hương thơm tinh khiết mà quyến rũ của hoa nhãn, thưởng thức ly trà mật ong mát bổ và những món quà quê hấp dẫn: Bún thang, chè sen long nhãn, bánh răng bừa...
Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Thanh Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...