Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” – Hiệu ứng lớn trong công tác tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh du lịch

Thứ ba - 22/11/2016 14:08
Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” – Hiệu ứng lớn trong công tác tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh du lịch

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm môi trường cho phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống.

Nhận thức rõ việc phát triển du lịch cần phải có sự kết nối, hợp tác phát triển, trong những năm qua, các tỉnh nằm trong vùng chiến khu Việt Bắc xưa đã liên kết, hợp tác phát triển du lịch nhằm tìm ra các giải pháp tối ưu để khai thác hợp lý các tài nguyên du lịch sẵn có, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm du lịch liên vùng nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch của vùng, khắc phục những yếu kém của từng địa phương để toàn bộ khu vực trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch.

Khởi phát từ năm 2009, Chương trình “Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc” tổ chức lần đầu tiên tại tỉnh Hà Giang với tên gọi “Qua những miền di sản” nhằm tạo khung hành lang pháp lý cho các thỏa thuận hợp tác, đồng thời nâng tầm chương trình mở rộng hợp tác trong nhóm; Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn và Cao Bằng đã tổ chức Hội nghị ký kết biên bản hợp tác phát triển du lịch với trọng tâm tổ chức sự kiện chung mang tầm khu vực.

Được sự đồng thuận của Ủy ban nhân dân các tỉnh: Thái Nguyên, Lạng Sơn với khung hợp tác của 4 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, ngày 13/8/2010 tại tỉnh Hà Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 6 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị xúc tiến chương trình hợp tác 6 tỉnh, làm căn cứ báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và thống nhất đề nghị Bộ đổi chủ đề Chương trình du lịch "Qua những miền di sản" 6 tỉnh thành Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc", quy mô tổ chức cấp khu vực. Chương trình đã được sự đồng thuận ủng hộ và hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nhìn chung qua các năm từ 2009 đến 2016, các tỉnh theo hình thức luân phiên đăng cai tổ chức, đầu tiên là Hà Giang, tiếp đến các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Mỗi tỉnh đều có cách thức tổ chức quảng bá riêng, có chương trình kế hoạch cụ thể gắn kết các chuỗi sự kiện của tỉnh mình với các tỉnh trong khu vực tạo ra hiệu ứng tích cực trong công tác tuyên truyền quảng bá. Qua thời gian, chương trình ngày càng có chiều sâu, đáp ứng nhu cầu của các tỉnh thành viên, tạo được hiệu ứng tích cực trên  nhiều lĩnh vực:

Lượng khách và doanh thu từ du lịch ngày một tăng.

Theo thống kê của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, tổng số khách du lịch đến 6 tỉnh giai đoạn 2009-2015 trên 32,9 triệu lượt khách. Trong đó lượng khách du lịch đến tỉnh Lạng Sơn là hơn 10,6 triệu lượt chiếm đến 32% trong tổng số khách đến vùng, tiếp đến là tỉnh Thái Nguyên trên 8,7 triệu lượt, chiếm 27%; còn lại là khách du lịch đến các tỉnh: Tuyên Quang trên 5,5 triệu lượt, chiếm 17%, Hà Giang trên 3,2 triệu lượt, chiếm 10%, Cao Bằng trên 3,1 triệu lượt, chiếm 10%, Bắc Kạn trên 1,5 triệu lượt, chiếm 5%. Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2009-2015 là 16%/năm. Riêng khách du lịch quốc tế đến địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt 1,74 triệu khách và Hà Giang đạt 0,662 triệu khách, chiếm số lượng lớn nhất. Tổng thu xã hội đạt trên 16.300 tỷ đồng. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch bước đầu phát triển. Tính đến hết tháng 7/2016 trên địa bàn 6 tỉnh đã có gần 1.200 cơ sở lưu trú, trong đó có 270 cơ sở đạt tiêu chuẩn từ 1- 4 sao. Ngoài ra, các tỉnh cũng đã thu hút được các dự án lớn nhằm đầu tư phát triển cơ sở vật chất chuyên ngành, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, điển hình như các dự án: Xây dựng và triển khai quy hoạch tổng thể phát triển du lịch các tỉnh đến 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Khu du lịch quốc gia Tân Trào (Tuyên Quang), Quy hoạch xây dựng Khu du lịch Ba Bể (Bắc Kạn); Khu du lịch Mẫu Sơn (Lạng Sơn); Khu di tích quốc gia đặc biệt Pắc Bó (Cao Bằng)… Tổng mức đầu tư vào lĩnh vực du lịch từ các nguồn vốn cho hoạt động du lịch 6 tỉnh giai đoạn 2009 – 2016  ước đạt trên 35.000 tỷ đồng.

Bản đồ quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc, ảnh: Quang Minh

 Quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh

Xúc tiến, quảng bá du lịch được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác phát triển du lịch 6 tỉnh. Hàng năm các tỉnh cùng nhau tổ chức Khai mạc Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" với quy mô cấp khu vực, với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, đặc biệt đã tạo hiệu ứng lớn trong công tác tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh du lịch Việt Bắc, thu hút sự quan tâm đông đảo của khách du lịch, các công ty lữ hành và các nhà đầu tư.

Tổ chức khảo sát các tuyến, điểm du lịch vùng Việt Bắc được thực hiện thường xuyên, với sự tham gia các cơ quan thông tin đại chúng, các doanh nghiệp du lịch để triển khai xây dựng các tour, tuyến du lịch; xây dựng, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng chiến khu Việt Bắc đưa vào khai thác, phục vụ du khách.

Đoàn khảo sát Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" Lạng Sơn, năm 2013 chụp ảnh lưu niệm tại đỉnh đèo Mã Pì Lèng, ảnh: Văn Dũng

Đoàn khảo sát Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" Thái Nguyên, năm 2014, ảnh: Văn Dũng

Một hình thức xúc tiến, quảng bá du lịch được tăng cường, mang lại hiệu quả, đó là việc tổ chức trên 10 cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm du lịch tại các tỉnh với mục đích lắng nghe ý kiến các chuyên gia du lịch, nhà quản lý du lịch, các công ty lữ hành, các nhà đầu tư tiềm năng tìm giải pháp tối ưu khai thác, phát triển hiệu quả du lịch vùng chiến khu Việt Bắc.

Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch vùng Việt Bắc" Thái Nguyên năm 2014, ảnh: Quang Minh

Hoạt động triển lãm ảnh du lịch giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người trong khu vực; tổ chức các gian hàng giới thiệu các sản phẩm, ấn phẩm du lịch, thông tin, hình ảnh về tuyến, điểm du lịch, ẩm thực độc đáo, nét văn hóa của các tỉnh trong vùng Việt Bắc nhằm quảng bá giới thiệu cho khách tham quan cũng như kêu gọi các  nhà đầu tư, đối tác vào hợp tác, đầu tư.

  Gian hàng quảng bá du lịch Thái Nguyên tại Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" Lạng Sơn, năm 2013, ảnh: Nam Đan

Có thể nói, công tác tuyên truyền quảng bá du lịch của 6 tỉnh rất phong phú về nội dung và hình thức, tạo được ấn tượng trong lòng du khách trong nước và quốc tế và mang lại hiệu quả cho chương trình hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc.

Xây dựng các tour, tuyến du lịch, tạo chuỗi sản phẩm du lịch liên vùng

Việt Bắc là khu vực có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa -lịch sử và du lịch biên giới, với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có yếu tố tương đồng và bổ trợ lẫn nhau. Do đó, chúng ta có thể liên kết, kết nối, tạo chuỗi sản phẩm du lịch liên vùng, mang thương hiệu đặc trưng của vùng, cụ thể:

 Về sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa với thương hiệu "Thủ đô Kháng chiến":  Pác Pó (Cao Bằng), Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn), Chiêm Hóa, Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang)...

 Sản phẩm du lịch sinh thái có: Khu du lịch sinh thái Hồ Ba Bể (Bắc Kạn), Khu Du lịch Na Hang (Tuyên Quang), Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Khu Du lịch sinh thái Hồ Thang Hen (Cao Bằng)...

Về sản phẩm du lịch tâm linh: Chùa Tam Thanh (Lạng Sơn), Đền Đuổm (Thái Nguyên), Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc (Cao Bằng), Chùa Thạch Long (Bắc Kạn), Đền Thượng (Tuyên Quang), Chùa Sùng Khánh (Hà Giang)...

Sản phẩm du lịch cộng đồng: Làng văn hóa du lịch Tân Lập (Tuyên Quang), Làng văn hóa du lịch Nà Trào (Hà Giang), Khu bảo tồn làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên). Làng văn hóa du lịch Pác Ngòi (Bắc Kạn), Làng du lịch cộng đồng Pắc Rằng (Cao Bằng), Làng văn hóa du lịch Quỳnh Sơn (Lạng Sơn)...

Sản phẩm du lịch khám phá, trải nghiệm: Cao nguyên địa chất Đồng Văn (Hà Giang), Công viên địa chất Na Hang (Tuyên Quang), Công viên địa chất Cao Bằng (Cao Bằng)...

Sản phẩm du lịch lễ hội – văn hóa: Lễ hội Thành Tuyên (Tuyên Quang), Festival Trà (Thái Nguyên), Lễ hội hoa Tam giác mạch (Hà Giang), Lễ hội Hát then đàn tính (Cao Bằng)...

Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng – chữa bệnh: Suối Khoáng Mỹ Lâm (Tuyên Quang), Mẫu Sơn (Lạng Sơn)...

 Sản phẩm du lịch biên giới (Việt Nam – Trung Quốc) thông qua cửa khẩu đường bộ các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang.

Qua 8 năm liên kết du lịch giữa 6 tỉnh Việt Bắc trên tinh thần “tự nguyện-bình đẳng-hiệu quả-cùng có lợi” đã thu được những kết quả rõ nét, các tour, tuyến du lịch được liên kết, lượng khách du lịch tăng không ngừng qua các năm... Tuy nhiên tốc độ phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Để hình thành một khu vực phát triển, hoàn thiện về hạ tầng du lịch, đa dạng về sản phẩm, chuẩn hóa về chất lượng dịch vụ, nhân lực có tính ổn định và bền vững thì các tỉnh trong vùng Việt Bắc cần tập trung vào một số nội dung như:  Thu hút đầu tư cho phát triển du lịch, đầu tư chiến lược, quản lý hợp tác về phát triển du lịch; nên mở rộng không gian hợp tác liên kết trong phát triển du lịch một cách toàn diện; xây dựng sản phẩm du lịch, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu phát triển du lịch; giữ môi trường du lịch thân thiện; tăng cường quảng bá du lịch bằng trang web chung; xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong phát triển du lịch; xây dựng Ban chỉ đạo, xây dựng biểu trưng thể hiện bản sắc của 6 tỉnh; nên thành lập nhóm hướng dẫn viên địa phương; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông…

 

Tác giả bài viết: Minh Đỗ


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Du lịch Thái Nguyên - Khám phá và trải nghiệm

 Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...

Thăm dò ý kiến

Điểm du lịch nào của Thái Nguyên bạn thích nhất

Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 57
  •   Máy chủ tìm kiếm 3
  •   Khách viếng thăm 54
 
  •   Hôm nay 3,892
  •   Tháng hiện tại 98,226
  •   Tổng lượt truy cập 15,201,599
Hỗ trợ trực tuyến
thainguyentourism.vn
thainguyentourism.vn Hỗ trợ chính sách
0912239337
Đường dây nóng
Đường dây nóng Giờ Hành chính:
0975 141 719
Để có một chuyến đi thực sự ấn tượng trong cuộc đời, hãy đến với Thái Nguyên, đến với chúng tôi