img 1822 1 16 49 19 029
Đại biểu Bùi Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) phát biểu tại hội trường chiều 18/11. (Ảnh: Bích Liên)

Theo tờ trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Luật du lịch hiện hành được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005 (gọi tắt là Luật du lịch), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2006 trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Du lịch năm 1999. Sau khi Luật du lịch được ban hành và có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thi hành Luật. Các địa phương đã chủ động hướng dẫn triển khai Luật du lịch trên địa bàn.

Sau mười năm thực hiện, Luật du lịch đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và sự phát triển của ngành Du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, quá trình triển khai Luật du lịch đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển của ngành Du lịch, như: Về hướng dẫn du lịch; Về lữ hành; Về quản lý nhà nước về du lịch...

Để phù hợp với thực tiễn, dự thảo Luật quy định rõ về hướng dẫn viên theo chương trình du lịch và hướng dẫn viên tại điểm. Điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên (HDV) được quy định thống nhất và đơn giản hơn, không phân biệt HDV nội địa và HDV quốc tế, chỉ căn cứ vào ngôn ngữ sử dụng khi hướng dẫn khách du lịch. Yêu cầu về trình độ chuyên môn của người đề nghị cấp thẻ HDV theo chương trình du lịch được điều chỉnh từ trình độ cử nhân chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch (HDVDL) xuống trình độ trung cấp chuyên ngành HDVDL. Quy định mới này dự kiến là một trong những biện pháp cần thiết nhằm giải quyết tình trạng thiếu HDV trong mùa du lịch cao điểm như hiện nay.

Cho ý kiến về vấn đề trên, đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho biết, thực trạng nghề HDVDL ở Việt Nam hiện nay vừa thiếu vừa yếu, công tác quản lý còn nhiều bất cập.

Theo thống kê, cả nước chỉ có 9.500 HDVDL quốc tế, phục vụ cho 8 triệu khách du lịch nước ngoài tại Việt Nam và  6 triệu khách Việt Nam ra nước ngoài du lịch trong 1 năm. Chỉ có 7.150 HDVDL nội địa phục vụ cho hơn 45 triệu khách du lịch trong một năm. Ước tính, để phục vụ lượt khách trên cần tối thiểu 25.000 HDVDL quốc tế và 50.000 hướng dẫn viên nội địa.

Theo đại biểu, một trong những bất cập trên là do quy định liên quan đến việc cấp thẻ hành nghề HDVDL năm 2005. Lực lượng này còn yếu về vốn kiến thức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử tình huống đặc biệt là khả năng ngoại ngữ. Bên cạnh đó, công tác đào tạo HDVDL của Việt Nam còn chưa chuyên nghiệp, phần lớn các cơ sở đào tạo có chuyên ngành hướng dẫn là trường trung cấp, đại học được mở mã ngành Việt Nam học hoặc ngành quản trị du lịch dịch vụ lữ hành, do đó việc đào tạo và giảng dạy vẫn chưa được chuẩn hóa.

Cũng theo đại biểu, tình trạng HDVDL chui xuất hiện nhiều tại điểm du lịch nổi tiếng. Cá biệt có những HDVDL chui là người nước ngoài, nói tiếng nước ngoài, sử dụng đồng tiền nước ngoài và xuyên tạc lịch sử văn hóa Việt Nam như trường hợp ở thành phố Đà Nẵng vừa qua.

“Luật mới chỉ khắc phục tình trạng thiếu HDVDL bằng cách hạ tiêu chuẩn cấp thẻ, chưa có quy định về kiểm tra kiến thức, kỹ năng cho HDVDL. Việc cấp lại thẻ HDVDL cũng không có yêu cầu cập nhật thêm kiến thức mới cho HDVDL phù hợp với từng thời điểm, từng giai đoạn. Dự thảo Luật cũng không có điều khoản cấm HDVDL nước ngoài hành nghề tại Việt Nam và các quy định về chế tài xử lý cụ thể đối với những người này (nếu có sai phạm). Bởi vậy, cần bổ sung quy định, tổ chức thi sát hạch trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ để đảm bảo chất lượng nhân lực xin cấp thẻ hành nghề HDVDL, tạo điều kiện cho người có nhu cầu tự học và hành nghề”, đại biểu nói.

Đại biểu Triệu Thanh Dung cũng đề nghị Tổng cục Du lịch cần duy trì và nâng cấp hệ thống quản lý HDVDL, phối hợp với các trường đào tạo ngắn hạn về trình độ, nghiệp vụ và ngoại ngữ của HDVDL. Đồng thời, cần đề xuất nghiên cứu quy định về giao việc cấp thẻ HDVDL cho Hiệp hội lữ hành và các trường đào tạo để thuận tiện cho việc đào tạo, tổ chức thi.

“Cần quy định việc cập nhật kiến thức về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, chính sách về phát triển du lịch, khu du lịch, điểm du lịch mới của địa phương trước khi đổi thẻ HDVDL. Đồng thời, tổ chức kiểm tra kiến  thức trước khi cấp, đổi thẻ cho HDVDL. Việc quy định này sẽ khắc phục tình trạng “đánh trống ghi tên” để HDVDL không ngừng tự học, tự nghiên cứu đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực HDVDL”, đại biểu cho biết.

Đồng tình với quan điểm trên, tuy nhiên đại biểu Bùi Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) lại quan tâm hơn về việc bổ sung nguồn nhân lực HDVDL. Theo đại biểu, một quốc gia muốn phát triển du lịch thì phải coi trọng nhân tố con người. Hiện nay, theo Luật du lịch 2005 có ít nội dung đề cập đến phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm thành chương riêng về đào tạo nguồn nhân lực về du lịch, tạo điều kiện hỗ trợ cho công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch đủ về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh thị trường và hội nhập kinh tế, quốc tế.

Dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) bổ sung Chương quy định về quản lý nhà nước về du lịch, quy định rõ nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch của các cơ quan liên quan.

Đồng tình với quy định trên, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Theo đại biểu, việc thành lập Quỹ này là cần thiết nhằm phát triển nền kinh tế mũi nhọn của đất nước. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cần phải có quy định rõ về bảo vệ môi trường du lịch. Bởi đây chính là vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của đất nước, nên đưa vào dự thảo Luật thành một chương riêng nhằm đảm bảo hoạt động phát triển du lịch của Việt Nam./.