Thông tin mới cho Du khách
Thái Nguyên tham gia sự kiện kích cầu du lịch lớn nhất trong năm 2024 tại Việt Nam

Thái Nguyên tham gia sự kiện kích cầu du lịch lớn nhất trong năm 2024 tại Việt Nam

Nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa, du lịch của tỉnh Thái Nguyên đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế, từ ngày 11 - 14/4/2024, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hà Nội, Thái Nguyên đã tổ chức 02 gian hàng quảng bá, xúc tiến du lịch với chủ đề “Du lịch Thái Nguyên - Trải nghiệm xứ Trà, đậm đà bản sắc” tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM...

 Xem tiếp...

 
 

Thái Nguyên - Yên bình và thân thiện

Thứ hai - 10/10/2016 14:27
Thái Nguyên - Yên bình và thân thiện

Ba tháng trước, biết tôi sắp chuyển công tác về địa bàn tỉnh Thái Nguyên, một nhà báo lão thành bắt tay chúc mừng và nói: “Muốn yên lên Thái Nguyên mà ở”. Vì sao lại như thế, “cậu hãy tự tìm hiểu”. Hai tháng sống và làm việc ở Thái Nguyên, tôi đã cảm nhận được sự “yên” trong vùng đất, sự “yên” trong lòng người. Thái Nguyên có những điều rất lạ mà nhiều địa phương khác trong cả nước không có...

 

Nếp nhà sàn cổ kính và phong cảnh yên bình ở ATK Định Hóa, Thái Nguyên. Ảnh: Thế Hà.

Nếp nhà sàn cổ kính và phong cảnh yên bình ở ATK Định Hóa, Thái Nguyên. Ảnh: Thế Hà.

YÊN BÌNH

Sự yên bình của Thái Nguyên bắt đầu từ những địa danh vừa đọc lên đã thấy sự an lành và vui vẻ như: Huyện Phú Lương, huyện Phú Bình,  khu công nghiệp Yên Bình, huyện Đại Từ, huyện Đồng Hỷ, thị xã Phổ Yên, xã Cây Thị, xã Phú Lạc, xã Yên Lạc, thị trấn Chùa Hang... Tại các địa phương của Thái Nguyên nơi tôi đến, cảnh vật  đều thanh bình. Ngay cả địa danh nghe rất sợ là “Cửa Tử” thuộc xã Hoàng Nông (huyện Đại Từ) cũng rất  yên ả và thu hút nhiều khách du lịch.  Đó là một đoạn suối có cảnh quan đẹp của suối Cái, chảy từ dãy Tam Đảo xuống rồi chảy dọc theo chiều dài của xã Hoàng Nông và đổ vào dòng sông Công.  Tại đây có một vụng nước lớn, trong vắt nằm giữa hai vách đá thẳng đứng, trơn tuột như một cánh cổng cao lớn. Có lẽ vì thế mà người ta gọi đây là “Cửa Tử” chăng?

Cửa Tử - địa điềm  du lịch dã ngoại hấp dẫn, ảnh: Nguyễn Minh

Sự yên bình của Thái Nguyên còn được biểu hiện qua sự giữ gìn an ninh trật tự rất tốt. Du khách đến Thái Nguyên yên tâm không sợ móc túi, cướp giật.  Tôi đã được chứng kiến một chiếc ô tô mang biển số của tỉnh xa đến du lịch ở Thái Nguyên, người lái xe vì mải tìm đường đã vượt đèn đỏ cũng chỉ bị đồng chí cảnh sát giao thông nhắc nhở.

Nút giao thông đảo tròn Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Thế Hà.

THÂN THIỆN

Tôi đã được đến thăm tất cả các thành phố trong cả nước và nhiều thành phổ nổi tiếng trên thế giới, nhưng tôi chưa thấy ở đâu có sự thân thiện như thành phố Thái Nguyên, đặc biệt là sự thân thiện của người dân với bộ đội. Tôi sẽ còn nhớ mãi kỷ niệm trong tuần đầu tiên về công tác tại Thái Nguyên. Hôm ấy tôi về Hà Nội họp, lúc lên Thái Nguyên, trên đường cao tốc cách nút giao thông Thịnh Đán khoảng 5 km thì xe ô tô chở tôi bị chết máy do hết xăng. Đồng chí lái xe cơ quan tôi nhận khuyết điểm vì không chuẩn bị chu đáo và xin phép tôi đi mua xăng. Tôi vẫy một xe đi cùng chiều. Chiếc xe mang biển kiểm soát của tỉnh Thái Nguyên (biển 20). Lái xe là một người phụ nữ khoảng 40 tuổi. Nghe tôi trình bày, cô sốt sắng nói ngay: Xe em bình xăng còn rất nhiều, em sẽ tặng. Rất may trong xe của chúng tôi có ti-ô và đồng chí lái xe nhanh chóng hút xăng từ xe của cô gái  vào vỏ chai đựng nước rồi đổ vào bình xăng của xe chúng tôi. Khi chúng tôi trả tiền, cô gái nhất quyết không nhận. Hỏi tên và địa chỉ, cô cũng không cho. “Dân Thái Nguyên chúng em quý bộ đội lắm” – Cô gái cười rồi lên xe  phóng trước chúng tôi.

Thái Nguyên đã từng là thủ đô kháng chiến, đại bản doanh của Bộ Tổng tư lệnh và các cơ quan của Bộ Quốc phòng. Hình ảnh đẹp đẽ của Bộ đội Cụ Hồ từ thời chiến tranh vẫn còn in đậm trong tâm trí của những người già và được truyền lại cho những người trẻ. Trong mấy năm gần đây, công tác dân vận được các đơn vị quân đội trên địa bàn Thái Nguyên thực hiện rất tốt, có lẽ vì thế mà dân Thái Nguyên rất quý bộ đội, sẵn sàng giúp đỡ bộ đội.

14729249 1108380972609438 9017792262256868297 n

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa là địa chỉ đỏ giáo dục đạo đức và truyền thống cách mạng cho các thế hệ quân và dân ta (Ảnh: Minh Ngân)

ĐẶC SẢN

“Đến Thái Nguyên mà chưa được uống trà Tân Cương, ăn bánh coóc mò, bánh chưng Bờ Đậu, xôi thập cẩm, đậu phụ Bình Long, bánh ngải, cơm lam Định Hóa, trám Hà Châu thì coi như chưa đến”- Nhà báo lão thành Trần Đức Khang, nguyên Phó Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam, nguyên phóng viên Báo Quân khu Một đã nói với tôi như vậy. Vì thế, trong 2 tháng ở Thái Nguyên, tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ, tôi đã tìm mọi cách để thưởng thức hết các đặc sản này. Nhận xét chung về các đồ ăn đồ uống nói trên là rất tuyệt.

Chè Tân Cương thì ở tỉnh, thành phố nào của Việt Nam cũng có (trong đó có khá nhiều chè mạo danh Tân Cương). Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã nhập khẩu chè mang thương hiệu Tân Cương. Thế nhưng  thưởng thức trà ở ngay trên quê hương trà mới là điều hạnh phúc. Tôi đã ngẩn ngơ mấy tiếng đồng hồ ngắm các cô gái hái chè như múa, tận hưởng sự trong trẻo của đồi chè với hương chè tươi ngọt dịu và xem các chị, các anh sao, vò chè như thể làm ảo thuật. Chè búp chính gốc Tân Cương cánh săn nhỏ và cong như cái móc câu. Ðể một dúm chè trong lòng bàn tay hà hơi vào đã thấy mùi thơm ngầy ngậy; nhai thử vài cánh chè cảm nhận được vị bùi, chát, ngọt đậm đà; nhả bã lấy ngón tay cái và ngón trỏ bóp, vặn thử thấy nước và bã xanh rờn như chè tươi.

Vùng chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, nơi sản xuất ra các sản phẩm trà nổi tiếng trong và ngoài nước, ảnh: Minh Đỗ.

 

Thơm ngậy đậu Bình Long, ảnh: Quang Minh

 

Bánh coóc mò có hình chóp nhọn, trông giống sừng bò. Bánh làm bằng gạo nếp nương, gói bằng lá chuối hoặc lá dong, vị rất ngon và có thể ăn no mà không thấy ngán.

 

Bánh coóc mò, ảnh: Nguyễn Minh

Bánh ngải cũng làm từ nếp nương có trộn với nước lá ngải. Nhân bánh  bằng mật mía. Vị hăng hăng, thơm thơm là lạ của lá ngải như dung hòa cái dẻo, cái ngọt của nếp, của đường. Ăn bánh sẽ cảm nhận được cái hoang dã của núi rừng, cái ngọt ngào của đồi nương trong mùa xuân mới.

 

Bánh ngải, ảnh: Nguyễn Minh

 

Bánh trưng Bờ Đậu thơm ngon nức tiếng, ảnh: Nguyễn Minh

Bánh chưng Bờ Đậu được làm từ gạo nếp đặc sản của núi rừng Định Hóa, thứ gạo dẻo và đặc biệt rất thơm. Lá dong để gói bánh là thứ lá nếp dày, xanh mướt, bản rộng. Lạt buộc bánh cũng phải cầu kỳ  chẻ bằng giang bánh tẻ. Có người nói với tôi rằng, bánh chưng Bờ Đậu ngon bởi nguồn nước, không biết đó có phải là bí quyết riêng của bà con nơi đây không, còn tôi khi thưởng thức có cảm giác như cả đất trời mùa xuân cùng hòa quyện trong chiếc bánh chưng này.

 

Tác giả bài viết: Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ - Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 1


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Du lịch Thái Nguyên - Khám phá và trải nghiệm

 Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...

Thăm dò ý kiến

Điểm du lịch nào của Thái Nguyên bạn thích nhất

Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 13
  •   Máy chủ tìm kiếm 1
  •   Khách viếng thăm 12
 
  •   Hôm nay 4,253
  •   Tháng hiện tại 66,849
  •   Tổng lượt truy cập 15,929,087
Hỗ trợ trực tuyến
thainguyentourism.vn
thainguyentourism.vn Hỗ trợ chính sách
0912239337
Đường dây nóng
Đường dây nóng Giờ Hành chính:
0975 141 719
Để có một chuyến đi thực sự ấn tượng trong cuộc đời, hãy đến với Thái Nguyên, đến với chúng tôi