Thông tin mới cho Du khách
Chương trình tour du lịch Thái Nguyên Năm 2023 (01 Ngày)

Chương trình tour du lịch Thái Nguyên Năm 2023 (01 Ngày)

Nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm và tham quan du lịch của du khách trên cả nước khi đến với Thái Nguyên, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Thái Nguyên xây dựng một số chương trình tour du lịch Thái Nguyên 01 ngày, cụ thể như sau:

 Xem tiếp...

 
 

Hang Huyện – Di tích danh thắng cần được bảo vệ, tôn tạo và khai thác phát triển du lịch

Thứ tư - 27/07/2016 15:33
Hang Huyện – Di tích danh thắng cần được bảo vệ, tôn tạo và khai thác phát triển du lịch

Trong cái oi ả của ngày hè tháng Năm, chúng tôi tìm về với mảnh đất Võ Nhai. Nơi đây không chỉ vang dội nhiều chiến tích lịch sử mà còn được biết đến với những thắng cảnh hoang sơ, kỳ thú mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng như: Hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, thác Mưa Rơi, hang Sa Khao, khu di chỉ khảo cổ học Thần Sa, rừng Khuôn Mánh, …Một trong những địa điểm được đoàn chúng tôi lựa chọn dừng chân đó chính là hang Huyện, thuộc thôn Làng Tràng, xã Tràng Xá, Võ Nhai.

Từ thành phố Thái Nguyên theo đường quốc lộ 1B Thái Nguyên đi Lạng Sơn đến trung tâm huyện Võ Nhai (ngã tư thị trấn Đình Cả), rẽ phải đi 12km vào xã Tràng Xá, đến thôn Làng Tràng, gửi xe tại nhà chị Hà Thị Nguyệt (căn nhà giáp hang Huyện) rồi đi bộ theo đường mòn khoảng 300m là tới di tích thắng cảnh hang Huyện. May mắn cho đoàn chúng tôi được chú Nông Văn Hải, trưởng thôn Làng Tràng là người thông thạo địa hình và am hiểu về hang Huyện dẫn đường đi sâu vào trong hang khám phá. Theo chú Hải hướng dẫn, chúng tôi cần chuẩn bị những thứ thiết yếu như: Đèn pin, nước uống và dây thừng, áo dài tay… để đề phòng những trường hợp cần dùng đến.

Mặc dù giữa trưa, nắng nóng nhưng các thành viên trong đoàn ai cũng hăng hái và thể hiện quyết tâm cao được khám phá hang Huyện, dường như điều đó đã trở thành động lực xua tan đi sự mệt mỏi sau một chặng đường khá dài di chuyển. Chúng tôi đi theo con đường mòn rồi băng qua dòng suối uốn lượn nước trong xanh (đi bè qua suối), len lỏi qua những rừng ngô bạt ngàn đang thì con gái - một khung cảnh thật nên thơ; theo lối mòn dẫn lên hang, chẳng mấy chốc hang Huyện đã dần hiện ra trước mắt.

Đường vào hang Huyện, ảnh: Mai Sinh

Hang Huyện là hang động tự nhiên có chiều dài hàng ki lô met xuyên núi đá vôi, cửa hang có độ cao chừng 30m so với mặt bằng cánh đồng chân núi, giữa một vùng cây lá rậm rạp, xanh tươi, phía trước là một dãy núi cao, chân núi là một cánh đồng bằng phẳng màu mỡ rộng hàng trăm ha trải dài theo dòng suối. Theo người dân địa phương thì hang Huyện còn có cái tên khá đẹp là hang Thắm. Tuy nhiên, đến nay cái tên hang Thắm còn rất ít người biết tới.

Cửa hang Huyện, ảnh: Đồng Khắc Thọ

Gốc tích cái tên hang Huyện bắt đầu có từ cuối thế kỷ XIX, khi giặc Cờ Đen từ phương Bắc tràn xuống cướp bóc và quấy nhiễu các huyện Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai. Tại đây, nhân dân địa phương vùng Tràng Xá đã lợi dụng hang Huyện rộng, địa thế hiểm yếu làm nơi trú ẩn, cùng với quan quân nhà Nguyễn chiến đấu chống lại giặc Cờ Đen. Tương truyền, khi giặc Cờ Đen kéo vào Võ Nhai, rất đông nhân dân đã kéo vào hang trốn giặc. Nhưng một thời gian ngắn giặc phát hiện ra hang chúng đã cho nổ bồ thuốc nổ ở cửa hang làm chết “cả một huyện người” trong hang, chỉ một vài người sống sót chạy theo lòng hang về phía Bắc Giang. Cái tên hang Huyện được bắt đầu từ đó.

Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, hang Huyện là cơ sở hoạt động bí mật của Đảng ở Tràng Xá, nơi đoàn thể của Việt Minh tổ chức hội họp, địa bàn qua lại và cất giấu lương thực của Cứu quốc quân II (thành lập ngày 15 – 9 – 1941)

Thời kì đế quốc Mỹ leo thang, mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, để đảm bảo an toàn cho sản xuất, Tổng đội 28 Gang Thép Thái Nguyên đã xây dựng, cải tạo mặt bằng trong hang để chứa nguyên liệu sản xuất, chế tạo đường goòng, sản xuất vũ khí để cung cấp cho chiến trường miền Nam.

 

Du khách khám phá hang Huyện, ảnh: Nam Đan

Để thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu lên xuống, Tổng đội 28 đã cho xây dựng một đường kè đá dài trên 200m, mặt đường đổ bê tông, rộng 2,5m dẫn tới hang. Cửa hang như một hàm ếch khổng lồ rộng trên 50m2 quay về hướng tây bắc, một trụ đá bê tông chừng 100m3 được xây dựng ở cửa hang để chống bom Mỹ đánh sập hang.

Hiện nay, trong hang có một bia đá dài 0,45m, rộng 0,3m không còn nguyên vẹn (một nửa đã bị người dân đập phá) có nội dung: đơn vị 28 thuộc Tổng Cục Công nghiệp quốc phòng, khởi công xây dựng bia ngày 28 – 4 – 1966 và nhiều khối bê tông đã bị đập vỡ để thu sắt phế liệu.

Ngoài ra, trên vách hang, cao hơn mặt bằng tầng 1 của hang 4m nơi có ánh sáng rọi vào và được coi là trang trọng nhất còn một bức cuốn thư được tạc hình vòng cung, cao 1m, dài 1,2m, hoa văn trang trí 4 cạnh, đường viền hình quả trám, trên cùng là Quốc huy có đường kính 0,4m, dưới là dòng chữ in:

                                   “QUYẾT THẮNG GIẶC MỸ XÂM LƯỢC

                                   TỔNG ĐỘI 28 GANG THÉP- ĐƠN VỊ 9303

                                   NGÀY KHỞI CÔNG: 5 – 8- 1965

                                   NGÀY HOÀN THÀNH:15 – 12-1966

                                   DIỆN TÍCH CẢI TẠO: 1140M2

                                   NGÀY SẢN XUẤT: 15 – 9 – 1966”

Dưới cùng là biểu tượng hình khẩu súng và chiếc búa gác chéo thể hiện tinh thần vừa sản xuất vừa chiến đấu.

Ở phần cửa phía tây bắc hang được chia làm 3 tầng. Tầng 1 có không gian rộng nhất, với chiều cao 60m, rộng 50m, có một đường bê tông dài 30m, rộng 1m, với 60 bậc và một đường trượt dài 25m. Tầng 1 còn có một bể chứa nguyên liệu. Tầng 2 nơi cao nhất 60m, rộng nhất 30m, đây là mặt bằng sản xuất chính của đơn vị. Hiện nay, trên mặt sàn bê tông còn rõ dấu tích đường goòng vận chuyển máy móc, bệ đặt máy, trụ đá bê tông làm đường dẫn nước. Trên tầng 2 còn có một đường hầm được xây bằng bê tông kiên cố rộng 0,8m, dài 12m, cao 2m. Phía cuối lòng hang trên tầng 2, ở độ sâu 30m, không có ánh sáng là dòng suối nước chảy quanh năm, tạo nên những âm thanh kỳ lạ (có đường bậc thang lên xuống lòng suối nhưng đã bị người dân đập phá để lấy sắt phế liệu). Trên tầng 2 hướng về phía đông nam có một cửa thông gió đã được cải tạo, xây hình cửa vòm, rộng 2m, cao 1,2m, có lối ra thuận tiện. Đứng ở đây có thể phóng tầm mắt quan sát phần lớn lòng chảo Tràng Xá. Hai bên taluy được xây kè đá, hiện còn khẩu hiệu sơn trắng với dòng chữ: “Quyết tâm lập thành tích cao nhất để đón ngày đội Thanh niên chống Mỹ cứu nước ra mắt”.

Cuối tầng 2, cách cửa xuống suối nước ngầm là một cầu thang xây bê tông đá với 19 bậc lên tầng 3, hiện còn một bể chứa nước 2 ngăn có thể tích 15m3 dự phòng nước sản xuất và sinh hoạt cho đơn vị. Tầng 3 có diện tích nhỏ hẹp hơn cả.

Cách cửa hang 20m còn có 2 nhà tắm (mỗi nhà 2 ngăn) được xây bằng bê tông đá cao 1,5m, rộng 1,4m, dài 2,8m, nay rêu phong cây rừng phủ kín.

Không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà hang Huyện còn là một thắng cảnh nằm trong quy hoạch vùng bảo vệ phát huy giá trị để sử dụng khai thác du lịch. Có thể nói hang Huyện đã hội tụ đầy đủ các yếu tố không chỉ là sự kỳ thú, hoang sơ trong lòng hang mà còn kết hợp cả cảnh quan bên ngoài để trở thành một quần thể không gian du lịch khép kín như: Dưới chân núi là một cánh đồng bằng phẳng màu mỡ trải dài theo dòng suối rộng hàng trăm ha – nơi đây có thể cải tạo

để tổ chức thành sân lễ hội mỗi độ xuân về cho đồng bào địa phương hòa mình vào các trò chơi dân gian như: Tung còn, kéo co, chọi gà, đánh đu… Phía ngoài có con suối lớn chảy quanh co, trong lòng hang ở độ sâu chừng 20m còn có dòng suối nước chảy quanh năm. Trong những ngày hè nóng nực, sau khi tham quan hang Huyện du khách có thể tắm mát bên dòng suối nước trong xanh. Hệ thống núi đá vôi, hang động và khe suối nơi đây đã tạo nên một quần thể du lịch có vẻ đẹp hấp dẫn, sơn thủy hữu tình.

Tuy nhiên, hiện nay do chưa có những biện pháp bảo vệ nên di tích phần nào mất đi dáng vẻ tự nhiên vốn có ban đầu, cây xanh trước của hang đã bị người dân chặt phá, trong lòng hang nhiều khối bê tông bị đào xới, đập phá để lấy sắt phế liệu, nhiều nhũ đá bị đập vỡ làm hòn non bộ…

Để phát huy tốt giá trị của di tích lịch sử danh thắng này, chúng ta cần xây dựng đường vào di tích, cầu qua suối, lắp đặt hệ thống điện để tạo ánh sáng trong hang, xây dựng hệ thống biển chỉ đường, tôn tạo, thành lập ban quản lý di tích, thiết lập hệ thống dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ cộng đồng, giáo dục nâng cao ý thức cho nhân dân trong vùng tham gia bảo vệ và hưởng lợi khai thác dịch vụ, du lịch cộng đồng, trồng cây gây rừng để tạo cảnh quan cho khu di tích…

Hi vọng rằng, trong tương lai khu di tích danh thắng Hang Huyện sẽ được tôn tạo và tu bổ để cùng với di tích rừng Khuôn Mánh- nơi thành lập đội cứu quốc quân II (15-9-1941 ở Tràng Xá) trở thành quần thể di tích lịch sử văn hóa, là nơi nghiên cứu, tham quan du lịch độc đáo, đầy hấp dẫn với du khách gần xa. 

Tác giả bài viết: Minh Đỗ


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Du lịch Thái Nguyên - Khám phá và trải nghiệm

 Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...

Thăm dò ý kiến

Điểm du lịch nào của Thái Nguyên bạn thích nhất

Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 13
  •   Máy chủ tìm kiếm 1
  •   Khách viếng thăm 12
 
  •   Hôm nay 1,032
  •   Tháng hiện tại 70,551
  •   Tổng lượt truy cập 15,039,513
Hỗ trợ trực tuyến
thainguyentourism.vn
thainguyentourism.vn Hỗ trợ chính sách
0912239337
Đường dây nóng
Đường dây nóng Giờ Hành chính:
0975 141 719
Để có một chuyến đi thực sự ấn tượng trong cuộc đời, hãy đến với Thái Nguyên, đến với chúng tôi