Thông tin mới cho Du khách
Thái Nguyên tham gia sự kiện kích cầu du lịch lớn nhất trong năm 2024 tại Việt Nam

Thái Nguyên tham gia sự kiện kích cầu du lịch lớn nhất trong năm 2024 tại Việt Nam

Nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa, du lịch của tỉnh Thái Nguyên đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế, từ ngày 11 - 14/4/2024, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hà Nội, Thái Nguyên đã tổ chức 02 gian hàng quảng bá, xúc tiến du lịch với chủ đề “Du lịch Thái Nguyên - Trải nghiệm xứ Trà, đậm đà bản sắc” tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM...

 Xem tiếp...

 
 

Lễ Tết nhảy - nét văn hóa độc đáo của người Dao Thái Nguyên

Thứ ba - 29/11/2016 14:29
Lễ Tết nhảy - nét văn hóa độc đáo của người Dao Thái Nguyên

Thái Nguyên là vùng đất trù phú với hiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, nơi sinh sống đan xen của 8 dân tộc anh em. Điều này đã tạo nên nét đa dạng trong văn hóa vùng miền. Dân tộc Dao ở Thái Nguyên là một trong ít dân tộc còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của dân tộc mình, trong đó có Nghi lễ Tết nhảy.

Lễ Tết nhảy là một nghi thức đặc biệt, được xem là quan trọng bậc nhất trong tục thờ cúng tổ tiên của người Dao sinh sống ở Thái Nguyên nói riêng và người Dao trên cả nước nói chung. Nghi lễ này là để tẩy oan, cầu may, cầu phúc, cầu mưa thuận gió hòa. Người Dao quan niệm rằng: Con người phải trải qua nhiều trắc trở, rủi ro trong cuộc sống. Vì vậy hằng năm cần phải khấn trời đất, thần linh, tổ tiên để được cứu giúp, trừ giải những oan trái, bất hạnh và ban cho những điều may mắn, hạnh phúc. 

Lễ Tết nhảy được tổ chức theo từng dòng họ và diễn ra tại nhà trưởng họ- nơi thờ tự tổ tiên của cả gia tộc. Tuy nhiên, nếu gia đình trưởng họ không thể tổ chức thì cả họ sẽ họp bàn và chọn ra gia đình có uy tín nhất họ để lo công việc này. Ở mỗi nơi, mỗi họ Dao lại quan niệm về cách thức tổ chức và thời gian khác nhau. Người Dao Thái Nguyên thì tổ chức định kì mỗi năm một lần và rất khắt khe trong việc tổ chức nghi lễ. Nếu họ Dao nào làm thì phải tổ chức nghi lễ trong ba năm liên tục; trong cùng một bản, khi có một dòng họ tổ chức lễ tết nhảy thì các họ khác đều không được làm, dòng họ nào có nhu cầu tổ chức nghi lễ thì phải đợi sau ba năm.

Nhảy múa quanh đống lửa - một điểm nhấn độc đáo trong lễ Tết nhảy, ảnh: Văn Dũng

Nghi thức của lễ Tết nhảy rất khắt khe, yêu cầu chính xác về thời gian và thủ tục. Ngày giờ thường là ngày lành tháng tốt, phù hợp với tuổi của gia chủ và do thầy mo chọn. Sau đó, gia chủ sẽ thông báo đến từng nhà trong họ để cùng tham dự. Để chuẩn bị cho buổi lễ, gia đình tổ chức phải chuẩn bị kĩ lưỡng, từ việc quét dọn và trang trí bàn thờ, các loại lễ cụ, tranh thờ, lương thực, thực phẩm cần thiết…

 Nghi thức lễ Tết nhảy  được tiến hành bao gồm các bước:

Khai lễ : Vào ngày giờ đã định, thầy mo được mời bắt đầu lập đàn cúng. Sau phép tẩy uế, thầy mo thực hiện nghi lễ mở và treo các bộ tranh thiêng (cờ), bày biện các lễ vật thờ cúng, làm lễ khấn xin được làm Tết nhảy và kính mời các thần linh, Bàn Vương, gia tiên về dự lễ. Lễ này được thực hiện bằng các điệu múa mời như đưa đường, bắc cầu để đưa đón thần linh, tổ tiên về ăn tết.

 Chính lễ: Phần này được bắt đầu từ lễ khai đàn và kết thúc bằng lễ chiêu binh. Xuyên suốt nội dung phần chính lễ là các điệu múa, lời hát kết hợp với tiếng chiêng trống rộn ràng cúng lễ rước tượng gỗ.

Lễ khai đàn: Do thầy mo chủ trì với nội dung trình báo công việc chuẩn bị  trước các chư vị thần linh và xin được chính thức cử hành nghi lễ. Sau đó, lễ được bắt đầu bằng các điệu múa nối tiếp nhau. Mỗi điệu nhảy đều tuân thủ chặt chẽ theo truyền thống, có tính tượng trưng, tượng hình cho hành động; các động tác múa được thực hiện chính xác, liên tục, khéo léo và tinh tế, được biểu diễn lặp đi lặp lại nhiều lần cùng với diễn xướng hát những bài hát cổ xưa với nội dung kể về nguồn gốc dân tộc Dao, về quá trình người Dao vượt biển vào Việt Nam, quá trình mưu sinh trên đất mới, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái trong từng gia đình. Sự huyễn hoặc trong câu hát, điệu nhảy làm cho người xem có cảm giác mình đang được sống trong một thế giới  tâm linh, huyễn hoặc.

 Lễ tiễn đưa: Sau các nghi lễ trên, mọi người bắt đầu làm cỗ cúng Bàn Vương, thần thánh và tổ tiên. Trước bàn thờ gia chủ, thầy mo cúng tạ kết thúc Tết nhảy. Nội dung chính của bài cúng là tạ ơn các thần linh, thổ địa, Bàn Vương đã về tiếp nhận và chứng kiến lòng thành của gia chủ trong Tết nhảy. Ngoài cúng tạ ơn, bài cúng cũng cầu xin các thần linh xá tội cho nếu trong Tết nhảy gia chủ có điều gì sơ xuất; cầu mong các thánh thần, Bàn Vương, gia tiên phù hộ cho gia đình, dòng họ, thôn bản sang năm mới được mạnh khoẻ, bình an, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát đạt.

 Cuối cùng là điệu múa cờ để tiễn đưa hương hồn tổ tiên trở về với quê cha đất tổ. Các thầy cúng làm phép thu hồi thánh tướng và âm binh của mình trở về nhà. Trong 3 ngày diễn ra nghi lễ, gia đình gia chủ luôn rộn rã tiếng nhạc cụ, tiếng hát của người thực hiện và tiếng nói của người tham dự; tiệc rượu được tổ chức đan xen.

Không chỉ thuần túy là một phong tục, lễ Tết nhảy đã hội tụ nhiều nét văn hóa độc đáo của người Dao đó là: Những bộ trang phục nghi lễ, các điệu nhảy, lời ca truyền thống, các bài cúng chữ Nôm Dao…mỗi lần tổ chức là một lần người Dao trao truyền cho con cháu giữ gìn hồn thiêng của dân tộc mình. Ngoài ra, lễ thức này còn mang giá trị nhân văn sâu sắc thể hiện tấm lòng thành kính đối với tổ tiên, đồng thời cũng là sợi chỉ đỏ liên kết thống nhất tộc Dao trên địa bàn tỉnh nói riêng và tộc Dao trên cả nước nói chung.

 Với những nét độc đáo đó, Nghi lễ Tết nhảy của cộng đồng người Dao ở tỉnh Thái Nguyên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là sự ghi nhận xứng đáng, đồng thời là niềm động viên lớn để cộng đồng người Dao tiếp tục duy trì và phát huy những nét đặc sắc trong phong tục, tập quán của dân tộc mình.

Tác giả bài viết: Quang Minh


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Du lịch Thái Nguyên - Khám phá và trải nghiệm

 Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...

Thăm dò ý kiến

Đến Thái Nguyên, bạn quan tâm điều gì nhất

Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 135
  •   Máy chủ tìm kiếm 3
  •   Khách viếng thăm 132
 
  •   Hôm nay 6,653
  •   Tháng hiện tại 115,583
  •   Tổng lượt truy cập 16,312,662
Hỗ trợ trực tuyến
thainguyentourism.vn
thainguyentourism.vn Hỗ trợ chính sách
0912239337
Đường dây nóng
Đường dây nóng Giờ Hành chính:
0975 141 719
Để có một chuyến đi thực sự ấn tượng trong cuộc đời, hãy đến với Thái Nguyên, đến với chúng tôi