Lý Bí là vị vua Việt Nam đầu tiên tự xưng Hoàng đế. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên bãi bỏ chính sóc (lịch) của Trung Quốc và tự đặt niên hiệu riêng cho triều đại của mình là Thiên Đức. Xưng đế, định niên hiệu riêng, đúc tiền riêng, lấy Nam đế để đối chọi với Bắc đế, đã chứng tỏ sự trưởng thành của ý thức độc lập dân tộc. Các tài liệu lịch sử đã chứng minh rằng, mảnh đất địa linh nhân kiệt Phổ Yên tự hào sinh ra người anh hùng dân tộc Lý Bí và cuộc đời, sự nghiệp của người anh hùng đã làm rạng rỡ thêm vùng đất anh hùng. Đại đức Thích Minh Tâm, trụ trì chùa Hương Ấp, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên), thành kính tự hào khi giới thiệu với chúng tôi: Tương truyền, khi 5 tuổi thì bố mất, lúc 7 tuổi mẹ qua đời, Lý Bí được Pháp Tổ Thiền sư đưa về chùa Hương Ấp làm chú tiểu, năm 13 tuổi Pháp Tổ Thiền sư đưa về chùa Linh Bảo, làng Giang Xá, huyện Hoài Đức, T.P Hà Nội… Đó là vinh dự và cũng là trách nhiệm mà lịch sử đã trao cho nhà chùa để sau này có một Lý Bí - Lý Nam Đế, vị hoàng đế đầu tiên tuyên bố nền độc lập, tự chủ của đất nước trước triều đình phong kiến phương Bắc. Để tưởng nhớ ngày khai binh dựng nghiệp, ngày sinh và ngày mất của Đức vua, dân làng Cổ Pháp, xã Tiên Phong bấy lâu nay cứ đến ngày 12 tháng Giêng, 2-5 và 12-9 hằng năm là tổ chức các hoạt động dâng lễ và mở hội thi làm bánh dày, chè lam, cơm hòm, bánh tẻ…dâng cúng Đức vua. Cùng với chùa Hương Ấp, đền Mục là nơi người dân địa phương xây dựng nên để hằng năm dâng lễ, thờ cúng vị anh hùng của dân tộc.
Ghi nhận những giá trị lớn lao về lịch sử, năm 2014, Cụm di tích Vua Lý Nam Đế gồm chùa Hương Ấp và đền Mục đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất chủ trương thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích đền Mục và chùa Hương Ấp vào tháng 8-2015. Trong đó xác định: Chủ đầu tư là Sở Văn Hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 50 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và vốn huy động hợp pháp khác); tiến độ và phân kỳ đầu tư trong giai đoạn 2016-2020. Quần thể di tích quy hoạch bao gồm các hạng mục: Chùa Hương Ấp, đền Mục và một số công trình phụ trợ khác cùng hệ thống đường giao thông kết nối nội vùng, quy mô khoảng 30-40ha. UBND tỉnh Thái Nguyên giao việc lập quy hoạch tổng thể cho UBND T.X Phổ Yên thực hiện và hoàn thành trước ngày 31-12-2016.Về định hướng quy hoạch sẽ thực hiện trên cơ sở phù hợp với quy hoạch chung của T.X Phổ Yên, hệ thống giao thông và các di tích lịch sử trên địa bàn, nhất là đảm bảo tính kết nối giữa hai di tích chùa Hương Ấp và đền Mục. Theo báo cáo của UBND T.X Phổ Yên, tính tới thời điểm này, Thị xã đã thành lập Ban Quản lý Di tích, đồng thời chỉ đạo các ngành liên quan và đơn vị tư vấn thiết kế tiến hành các bước lập quy hoạch, hoàn thiện các văn bản xin chấp thuận chủ trương để trình cấp có thẩm quyền theo đúng kế hoạch.
Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: Thông tin chính xác vua Lý Nam Đế có quê hương gốc ở thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên); nơi Người khởi nghiệp và gây dựng cơ đồ là tại đình Giang Xá, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (cũ) nay là Hà Nội và nơi người tạ thế là xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ... |
Cùng với việc chỉ đạo sớm hoàn thành việc lập quy hoạch tu bổ, tôn tạo quần thể di tích Lý Nam Đế, T.X Phổ Yên cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu và có trách nhiệm hơn với việc gìn giữ, phát huy giá trị của khu di tích lịch sử quan trọng này. Trong đó, đáng chú ý là Hội Văn học Nghệ thuật Thị xã đã xuất bản một số cuốn sách về Vua Lý Nam Đế với tên gọi “Tiên Phong - vùng đất địa linh” dày 120 trang. Cuốn sách gồm các bài viết lịch sử khẳng định quê hương của Vua Lý Nam Đế là ở thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong; mảnh đất ATK2 trong kháng chiến chống Pháp và một Tiên Phong đổi mới, đi lên ngày nay. Đối với mảnh đất Tiên Phong - quê hương của Vua Lý Nam Đế, chính quyền địa phương xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng, nhất là giáo dục truyền thống, niềm tự hào lớn lao cho các thế hệ trẻ. Hằng năm, bà con trong thôn Cổ Pháp đều dâng Lễ, thờ cúng đúng ngày khai binh dựng nghiệp, ngày sinh và ngày mất của Đức vua, như 12-1, 2-5 và 12-9 (âm lịch). Truyền thống đó có từ hàng nhiều năm nay, ăn sâu vào máu thịt của mỗi người dân Tiên Phong.
Phát huy truyền thống của vùng đất địa linh nhân kiệt, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Phổ Yên đã có nhiều đóng góp to lớn cả về sức người, sức của, ghi nhiều dấu ấn quan trọng của vị thế vùng đắc địa “ngã ba sông”. Trải qua thăng trầm của lịch sử, nhân dân các dân tộc T.X Phổ Yên luôn nêu cao ý chí, lòng quyết tâm, sự đoàn kết một lòng cùng với nhân dân cả nước đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng ấm no, hạnh phúc. Người dân Phổ Yên hôm nay có quyền tự hào về những dấu mốc lịch sử trên quê hương họ cũng như bước chuyển mình mạnh mẽ, đã và đang trở thành đầu tầu cho sự phát triển chung của tỉnh.
Nguồn tin: UBND tỉnh Thái Nguyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...