Những dấu ấn quan trọng của du lịch Thái Nguyên năm 2021

Thứ ba - 28/12/2021 20:14
Những dấu ấn quan trọng của du lịch Thái Nguyên năm 2021

Thái Nguyên là một tỉnh trung du miền núi, nằm ở phía bắc Thủ đô Hà Nội, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, là cầu nối giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng với các tỉnh phía Bắc, có nhiều tiềm năng để khai thác phát triển ngành du lịch với nhiều loại hình như: Du lịch văn hóa, lịch sử về nguồn, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà và văn hóa các dân tộc.

Bàn về phát triển du lịch Thái Nguyên thì không phải đến nay mới đề cập tới mà trước đó Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa ra những định hướng cụ thể về phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 thông qua Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 08/8/2018 và Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 03/8/2017. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2015-2020 vẫn còn bộc lộ một số hạn chế và kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, kỳ vọng của xã hội, tổng thu từ du lịch đạt ở mức thấp, sản phẩm du lịch chưa có sức cạnh tranh cao, chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy...

Để phát triển du lịch Thái Nguyên trở thành ngành kinh tế quan trọng trên cơ sở khai thác những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ngày 23/3/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-HĐND thông qua Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu nâng đóng góp của du lịch vào tổng thu nhập GRDP của tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn 2021-2030 ở mức 6% GRDP của tỉnh.

Để tổ chức thực hiện cũng như cụ thể hóa những mục tiêu, giải pháp và quá trình phối hợp triển khai Đề án, ngày 14/4/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1114/QĐ-UBND, về ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 200/KH-UBND, ngày 08/11/2021 triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Với việc tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Đề án sẽ giúp du lịch Thái Nguyên ngày càng phát triển mang tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Một góc hồ Ghềnh Chè. Ảnh: Trần Văn Minh

Đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch của tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid -19, doanh thu và lượng khách đều sụt giảm nghiêm trọng. Nhằm kích cầu du lịch nội tỉnh, tạo điều kiện để người dân trong tỉnh đi tham quan, trải nghiệm tới các khu, điểm du lịch trên địa bàn, đồng thời thu hút khách du lịch đến Thái Nguyên, góp phần giới thiệu, quảng bá Thái Nguyên là điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện; đẩy mạnh hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch và phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, ngày 03/12/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND về việc triển khai các biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Thái Nguyên cũng xác định bên cạnh phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử về nguồn, sinh thái nghỉ dưỡng, thể thao chất lượng cao thì cần tập trung xây dựng du lịch cộng đồng trải nghiệm sinh thái, nông nghiệp dựa trên khai thác lợi thế của địa phương. Tại Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 Quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2022- 2025. Theo đó sẽ có 05 mô hình điểm về du lịch cộng đồng được tỉnh triển khai hỗ trợ tại thành phố Thái Nguyên, huyện Võ Nhai, huyện Đại Từ, huyện Định hóa, huyện Phú Lương hoặc thành phố Sông Công. Trên cơ sở nguồn lực sẵn có cùng với những chính sách hỗ trợ của tỉnh sẽ là động lực để các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân mạnh dạn đầu tư, xây dựng những những mô hình du lịch cộng đồng hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu của du khách, tạo ra những điểm đến mới trên bản đồ du lịch của tỉnh.

Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa

đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 24/6/2021. Ảnh: Đức Quân

Mới đây, ngày 28-12, tại ATK Định Hóa, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030. Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt khu di tích có diện tích 197ha với tổng mức đầu tư trên 754 tỷ đồng từ nhiều nguồn. Trên cơ sở Quy hoạch, Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch tín ngưỡng tâm linh; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa và du lịch trải nghiệm văn hóa trà; đồng thời xây dựng nhiều chương trình du lịch tại các điểm di tích, tạo thành sản phẩm đặc sắc mang thương hiệu ATK Định Hóa thấm đượm yếu tố văn hóa Thủ đô Gió Ngàn.

Tọa đàm “Hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc”. Ảnh: Nam Đan

Năm 2021, Thái Nguyên cũng đã đăng cai và tổ chức thành công Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XII với nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn như: Triển lãm ảnh giới thiệu, quảng bá du lịch 6 tỉnh Việt Bắc với Chủ đề “Du lịch văn hóa, lịch sử và sinh thái vùng Việt Bắc”; khảo sát thực nghiệm các tuyến, điểm du lịch văn hóa - lịch sử và sinh thái - nghỉ dưỡng;  Tọa đàm “Hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc”; biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, trình diễn trang phục dân tộc vùng Việt Bắc.  Với sự chuẩn bị chu đáo, Chương trình du lịch “Qua  miền di sản Việt Bắc” lần thứ XII - Thái Nguyên 2021 đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho các tỉnh bạn và du khách, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về miền đất, con người, tiềm năng du lịch các tỉnh vùng Việt Bắc nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tham quan và đầu tư phát triển du lịch. Bên cạnh đó hoạt động này còn là cầu nối giúp các doanh nghiệp du lịch, lữ hành các tỉnh Việt Bắc mở rộng liên kết, hợp tác khai thác tiềm năng sản phẩm du lịch mỗi địa phương với du lịch trong vùng và cả nước thúc đẩy du lịch phát triển hiệu quả và bền vững.

Chương trình Famtrip Thái Nguyên năm 2021 "Trở về Thủ đô Gió Ngàn"

được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trong 02 ngày (21 - 22/12/2021).Ảnh: Đức Quân

Nhằm triển khai các biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, cũng như xây dựng sản phẩm tour mới phục vụ du khách với tiêu chí: Thái Nguyên xanh - Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn, mới đây,  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch tỉnh, Công ty Du lịch Vietfoot Travel tổ chức chương trình Famtrip “Trở về Thủ đô Gió Ngàn” với sự tham gia của hơn 30 công ty du lịch, hãng lữ hành lớn của tỉnh Thái Nguyên và cả nước, cùng đại diện của một số cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Chương trình đã góp phần giới thiệu những điểm đến du lịch sinh thái, cộng đồng hấp dẫn  mới của tỉnh Thái Nguyên đến với các doanh nghiệp lữ hành du lịch trong và ngoài tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng, quảng bá chương trình tour “Trở về Thủ đô Gió Ngàn” khép kín Hà Nội - Thái Nguyên phục vụ du khách trong bối cảnh bình thường mới.

Cùng với đó năm 2021, hệ thống du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên gồm Cổng thông tin du lịch (mythainguyen.vn), ứng dụng du lịch trên thiết bị di động (Thai Nguyen Tourism), bản đồ số du lịch và hệ thống wifi công cộng đã được đưa vào kiểm thử và nghiệm thu. Hệ thống này đi vào hoạt động đã đem đến những trải nghiệm mới mẻ cho du khách, là một công cụ hữu hiệu để ngành du lịch phát triển đột phá, cải thiện việc ứng dụng khoa học công nghệ tạo ra những dịch vụ có giá trị gia tăng cao đồng thời nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Thái Nguyên.

Hệ thống du lịch thông minh mang đến nhiều tiện ích cho du khách. Ảnh: Thanh Ngân

Công tác quảng bá xúc tiến du lịch năm 2021 cũng được triển khai một cách mạnh mẽ, thích ứng với tình hình mới, đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ. Việc tăng cường quảng bá du lịch Thái Nguyên thông qua những bài viết, hình ảnh, video clip trên hệ thống du lịch thông minh, Website Du lịch Thái Nguyên, C-ThaiNguyen và các kênh trên nền tảng mạng xã hội đã thu hút nhiều nghìn lượt quan tâm, theo dõi mỗi ngày, góp phần đưa hình ảnh du lịch Thái Nguyên đến gần hơn với du khách. Nhiều người đã khẳng định rằng, qua theo dõi các kênh quảng bá của du lịch Thái Nguyên mà họ thấy yêu và hiểu hơn về du lịch tỉnh nhà.

Du khách thưởng trà tại Hợp tác xã chè Hảo Đạt - Điểm đến du lịch cộng đồng

tại vùng chè Tân Cương. Ảnh: Đoàn Chiên

Một năm nhìn lại với nhiều khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch của tỉnh, tuy vậy các cơ sở vẫn khắc phục khó khăn, tranh thủ “thời điểm vàng” để cải tạo lại cơ sở vật chất, chỉnh trang cảnh quan, nâng cao chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực để sẵn sàng đáp ứng khi tình hình dịch bệnh ổn định. Cùng với đó các doanh nghiệp cũng đã đưa ra các chương trình kích cầu giảm giá nhằm thu hút du khách đặc biệt là khách nội tỉnh như: Giảm giá vé tham quan, dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí...

 

La Bằng homestay - Điểm đến trải nghiệm thu hút du khách. Ảnh: Thanh Ngân

Một thực tế rất đáng ghi nhận đó là năm 2021 tuy các doanh nghiệp du lịch cả nước nói chung và Thái Nguyên nói riêng chịu ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch Covid-19 nhưng tại Thái Nguyên đã xuất hiện nhiều điểm đến mới, đa phần phát triển theo hướng du lịch cộng đồng trải nghiệm. Những điểm đến này phần lớn do các cá nhân hoặc Hợp tác xã xây dựng và phát triển. Điển hình là các homestay tại suối Kẹm, Cửa Tử, trải nghiệm vườn cây ăn trái tại xã Khôi Kỳ, Hoàng Nông (huyện Đại Từ), du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè (TP. Sông Công)... Các điểm đến này tuy mới đi vào hoạt động, một số vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện, chưa có dịch vụ lưu trú nhưng cũng đã thu hút khá đông du khách, góp phần từng bước phục hồi hoạt động du lịch nội tỉnh.

Hy vọng, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong tỉnh về phát triển du lịch, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân trong việc triển khai những Đề án, Kế hoạch, chính sách mới về du lịch sẽ tạo cơ sở, là bước đệm để du lịch Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ, là một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam trong những năm tới./.

                                       Tác giả: Minh Đỗ


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Du lịch Thái Nguyên - Khám phá và trải nghiệm

 Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...

Thăm dò ý kiến

Điểm du lịch nào của Thái Nguyên bạn thích nhất

Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 13
  •   Máy chủ tìm kiếm 2
  •   Khách viếng thăm 11
 
  •   Hôm nay 2,560
  •   Tháng hiện tại 86,634
  •   Tổng lượt truy cập 15,190,007
Hỗ trợ trực tuyến
thainguyentourism.vn
thainguyentourism.vn Hỗ trợ chính sách
0912239337
Đường dây nóng
Đường dây nóng Giờ Hành chính:
0975 141 719
Để có một chuyến đi thực sự ấn tượng trong cuộc đời, hãy đến với Thái Nguyên, đến với chúng tôi