|
Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ 5 điểm cầu tại 3 thành phố: Hà Nội (Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao), Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương, cán bộ quản lý Ngành văn hoá, thể thao và du lịch cả nước. Theo báo cáo tổng kết, năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế- xã hội, với tinh thần “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát triển”, Ngành VHTTDL cả nước đã thực hiện thắng lợi kế hoạch công tác năm 2015, thiết thực đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ và của cả nước: Về lĩnh vực Văn hóa, Gia đình Công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng. Các chương trình nghệ thuật phục vụ tốt các ngày lễ lớn của đất nước, các sự kiện của Ngành. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động văn hóa cơ sở, vùng núi, biên giới có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều hoạt động trong lĩnh vực gia đình được triển khai có hiệu quả thiết thực, truyền thống về gia đình và công tác gia đình tiếp tục được đẩy mạnh ở Trung ương và địa phương với hình thức đa dạng, nội dung phong phú.
Về lĩnh vực Thể thao Thể thao Việt Nam tiếp tục thi đấu và giữ vững thành tích tại Đại hội Thể thao khu vực, công tác đào tạo, bồi dưỡng vận động viên tài năng các môn Olympic được chú trọng đầu tư, nhiều vận động viên đạt thành tích chuẩn tham dự Olympic; lần đầu tổ chức thành công Ngày chạy Olympic vì sức khỏe nhân dân năm 2015, thu hút trên 4 triệu người tham gia. Tham dự SEA Games 28 tại Singapore, Đoàn Thể thao Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc và vượt chỉ tiêu đề ra, giành tổng cộng 186 huy chương, trong đó có 64 Huy chương vàng (trên tổng số 74 Huy chương vàng) ở 12 môn thể thao Olympic, chiếm tỷ lệ 87,7%. Những thành tích xuất sắc này đã khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn về định hướng tập trung đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao trong chương trình thi đấu của ASIAD và Olympic trong những năm qua. Về lĩnh vực Du lịch Trong năm 2015, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch có nhiều đổi mới, đa dạng về phương thức, tính chuyên nghiệp, sáng tạo được phát huy, huy động được nhiều nguồn lực, nhân tố cùng tham gia và bước đầu đạt hiệu quả rõ rệt. Hoạt động đối ngoại trong lĩnh vực du lịch được tăng cường mở rộng, đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế gắn với việc truyền thông chính sách mới được Chính phủ ban hành về miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 6 nước để tăng cường thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Năm 2015, Ngành Du lịch tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế, đón gần 8 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 57 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 337.830 tỷ đồng, tạo tiền đề căn bản để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước vào năm 2020.
Bên cạnh những thành tựu Ngành đã đạt được trong năm 2015, vẫn còn những hạn chế, yếu kém đòi hỏi toàn Ngành cần tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong thời gian tới. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao vai trò và những kết quả ngành VHTTDL đã đạt được trong năm 2015. Phó Thủ tướng cho rằng 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu của năm 2015 vừa công bố đã góp phần thể hiện những nhìn nhận mới trong điều hành của Ngành trong năm qua, như sự kiện lần đầu tiên công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể sau nhiều năm xây dựng, thống nhất các tiêu chí. Bên cạnh đó, lĩnh vực điện ảnh cũng có sự đổi mới về cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí hợp lý với việc ra mắt bộ phim đầu tiên của mô hình kết hợp giữa nhà nước và tư nhân, tạo được tiếng vang về chất lượng nghệ thuật, hiệu ứng xã hội và hiệu quả kinh tế. Đây là những việc làm cần tiếp tục được phát huy trong những năm tới. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác văn hóa không chỉ là công việc của riêng Bộ VHTTDL mà cần có sự chung tay vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, xã hội và phải được thực hiện mọi lúc, mọi nơi và quan trọng phải nhận được sự đồng thuận từ người dân. Do đó, trong thời gian tới Ngành cần tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn dân về vai trò của văn hóa; tập trung giải quyết trước những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm; đồng thời làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt phù hợp với thực tiễn.
Tại Hội nghị, các đại biểu đều thống nhất cao với dự thảo báo cáo kết quả công tác năm 2015, đồng thời đưa ra những ý kiến, tham luận có ý nghĩa thiết thực giúp lãnh đạo Bộ chỉ đạo, điều hành hoạt động của Ngành trong năm 2016 hiệu quả hơn. Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Bộ trưởng đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, đồng thời yêu cầu các Vụ, đơn vị có liên quan tiếp thu các kiến nghị, từ đó xây dựng báo cáo giải pháp cho các vướng mắc thuộc thẩm quyền, trình lãnh đạo Bộ VHTTDL xem xét, tiếp tục đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị, địa phương cần chủ động xây dựng chương trình hành động của Ngành để khẩn trương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trước mắt, trong tháng 1/2016, phát động tháng cao điểm với các hoạt động văn hóa, chương trình nghệ thuật chào mừng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; các chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Tiếp tục triển khai việc thi hành Hiến pháp năm 2013; Tập trung xây dựng và hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc chương trình xây dựng pháp luật và các văn bản, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2016 đảm bảo chất lượng, tiến độ. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Tiếp tục đánh giá mô hình tổ chức Bộ đa ngành từ Trung ương đến địa phương, thể hiện trong vai trò, vị trí, cải cách bộ máy, việc thực hiện tinh giản biên chế. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020; Tổ chức thành công Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á lần thứ 5 năm 2016. Tập trung đầu tư các môn thể thao trọng điểm, nội dung trọng điểm có trong chương trình Olympic, ASIAD. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới; Chỉ thị số 14/CT-TTg, 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực Du lịch. Tập trung triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Tăng cường liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; các hoạt động thúc đẩy du lịch liên vùng, liên kết trong việc xây dựng sản phẩm du lịch. Tổ chức tốt các hoạt động trong chương trình Năm Du lịch quốc gia 2016 tại Kiên Giang và xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2017 tại Lào Cai và các tỉnh Tây Bắc.
Tại hội nghị tổng kết, Bộ VHTTDL đã trao cờ thi đua của Chính phủ cho 13 tập thể, cờ thi đua của Bộ VHTTDL cho 64 tập thể; tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho 04 tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2015. |
Nguồn tin: TITC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...