Thông tin mới cho Du khách
Thái Nguyên tham gia sự kiện kích cầu du lịch lớn nhất trong năm 2024 tại Việt Nam

Thái Nguyên tham gia sự kiện kích cầu du lịch lớn nhất trong năm 2024 tại Việt Nam

Nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa, du lịch của tỉnh Thái Nguyên đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế, từ ngày 11 - 14/4/2024, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hà Nội, Thái Nguyên đã tổ chức 02 gian hàng quảng bá, xúc tiến du lịch với chủ đề “Du lịch Thái Nguyên - Trải nghiệm xứ Trà, đậm đà bản sắc” tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM...

 Xem tiếp...

 
 

Đổi thay từ những “mùa” Festival

Thứ hai - 28/09/2015 22:32
Đổi thay từ những “mùa” Festival

Trở lại vùng “rốn chè” đặc sản Tân Cương (T.P Thái Nguyên) trước thềm Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3, chúng tôi cảm nhận được nhiều đổi thay trong cách nghĩ, cách làm của người dân nơi đây.

 

Chị Ngô Thị Màu, ở xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) chế biến chè.

Chị Ngô Thị Màu, ở xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) chế biến chè.

Lấy chữ thật thà làm đầu

Không phải ngẫu nhiên khi tôi tìm đến nhà chị Ngô Thị Màu, xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương. Đầu năm nay, tôi đã gặp chị ở Lễ hội trà của xã, khi chị cùng các hội viên Chi hội phụ nữ xóm đảm trách phần thi sao chè. Ở đó lao xao củi lửa, bếp núc, người nhanh tay đảo chè tươi trên chảo gang, người vò mẻ chè héo trên mẹt, mùi thơm nếp cốm từ những búp chè đích thị Tân Cương lan ấm không gian xuân lành lạnh.

Dường như chị Màu có duyên với các lễ hội trà. Năm 2007, lần đầu tiên Thái Nguyên tổ chức Lễ hội trà cấp tỉnh, cũng là lần đầu tiên mấy chị em “nhà quê” ở xóm Hồng Thái 1 ra tỉnh thi thố. Chị Màu kể: Mấy chị em áo dài lượt xượt, trời mưa, củi ướt, đun mãi không sôi ấm nước. Trong khi đó, cứ mỗi lần khách vào gian hàng là một lần pha ấm trà mới, dù còn đặc cũng không được chế thêm nước. Có lúc trở tay không kịp, tôi tủi thân chạy ra đằng sau  khóc. Nhưng, sự lúng túng, bỡ ngỡ không làm át đi chất chè Tân Cương vốn dĩ ngon nức tiếng. Ban Giám khảo chấm xóm chị đạt 96/100 điểm, giành giải Nhất tại Hội thi. Đó cũng chính là “cú hích” đầu tiên để những phụ nữ nông dân như chị tự tin bước từ đồi chè ra thị trường và họ đã giành được những thành quả không nhỏ.

Cũng như nhiều phụ nữ khác ở Tân Cương, chị Màu lấy chồng cùng xã, được bố mẹ cho vườn chè làm vốn. Hơn 30 năm qua, 8 đứa con ra đời, rồi cháu nội, cháu ngoại lớn lên nhờ mảnh đất cha ông. Đồi chè nhà chị dốc thoai thoải, anh chị cầu kỳ trong việc tạo đất tốt. Những cái  hố mỗi chiều 40cm, cho phân, đất nhuyễn rồi mới cấy chè lên. Dưỡng chất đầy đủ thành thử chè nhà chị “trẻ lâu”, không bị chột do đất hết chất.

Hiện nay, nhà chị Màu có 1 mẫu chè thì 4 sào trồng giống chè trung du, còn lại là chè lai (chè cành). Theo chị, mỗi  giống chè có vị ngon riêng, tùy ý thích của khách. Ví như làm chè đinh (giá khoảng 4 triệu đồng/kg) thì nguyên liệu là chè trung du là ngon nhất.

Nhìn ra con đường trải nhựa trước nhà, chị Màu nhớ lại: Tại Festival Trà Thái Nguyên lần thứ nhất (năm 2011), người dân Tân Cương được hưởng lợi từ con đường này. Tối đến điện đường sáng choang không khác gì thành phố. Cũng từ Festival Trà năm ấy, chị bước vào kinh doanh. Ban đầu là quán trà nhỏ dựng lên theo “ma két” của Ban tổ chức Lễ hội. Chị được tập huấn cách pha trà, mời nước, được hỗ trợ bàn ghế, ấm chén. Rồi, chính quyền địa phương động viên, chị mở xưởng sản xuất chế biến chè. Đến Festival Trà lần thứ hai (2013) chị đã có trong tay danh sách bạn hàng tin cậy. Đến Fesrival lần thứ 3 (dự kiến tháng 11-2015) chị đã tự tin quảng bá sản phẩm của mình.

Nói về thời gian tổ chức Festival Trà, chị Màu bảo: Đây là thời điểm đồi chè không được đẹp nhưng lứa chè hái vào tháng 10, 11 (âm lịch) cho nước ngon nhất. Qua thời điểm đó, khoảng tháng 1 (âm lịch) là mưa nhiều, lá chè bị nổ, chè xuân nhạt. Vì thế, khi Lễ hội trà xuân của xã Tân Cương được tổ chức, chị không mang chè mới hái ra pha mời khách. Đó cũng là tự trọng riêng của người làng chè Tân Cương.

Với  gần 2 tấn chè khô mỗi năm, chị Màu có đủ loại  các loại chè phục vụ khách  từ bình dân đến cao cấp. Nhưng dù loại nào thì đó cũng là chè an toàn.

- Quan điểm làm nghề của tôi là làm thật thà. Chị thấy đấy, tôi không có khoảnh chè riêng nhà uống, cũng không có túi chè để riêng pha mời khách. Các mẻ chè, dù là hái vườn nhà hay thu mua của các nhà khác trong vùng tôi đều đặt yêu cầu an toàn lên hàng đầu. Một bạn hàng ở xa có lần điện  thoại về hỏi tôi sao mẻ chè này nước xanh thế, hay tôi cho “cái gì” vào? Tôi nói với họ: Cùng một vạt chè, cùng sao sấy, chăm sóc như sau mà có mẻ nước đỏ, có mẻ nước xanh, vì còn phụ thuộc vào thời tiết. Nếu chị tin tôi thì ta tiếp tục làm ăn với nhau, nếu không thì cũng đành chịu. Người đó bây giờ vẫn là bạn hàng tốt của tôi.

Ở làng chè không chỉ làm chè

Ở nhà chị Màu, tôi gặp anh Đỗ Văn Tuân, con trai thứ hai của chị Màu. Ra ở riêng 3 năm, có 8 sào chè, nhưng anh Tuân lại không chỉ trông vào chè, mà “gối vụ” bằng nghề nuôi ong.

Nghề làm chè trong năm có 3 tháng “thấp điểm” (tháng 4,5,6 âm lịch), mỗi cân chè làm ra có khi bù lỗ 30-40.000đ, do sâu bệnh hoành hành và thời tiết không thuận lợi. May sao chính thời điểm này lại là mùa “con ong đi lấy mật”, anh Tuân dành thời gian cho ong. Hết tháng 6, cây chè hồi phục cũng kề vào lúc ong nghỉ ngơi, người quay sang thu hoạch chè.

Sau 2 năm, anh Tuân đã có 180 đàn ong, thu 1.200 lít mật, giá bán bình quân 130.000đ/lít, cộng với hơn 1 tạ chè khô thu nhập hơn 100 triệu/năm. Hiện anh Tuân là người có nhiều đàn ong nhất vùng Tân Cương. Vào mùa đơm hoa kết trái anh chuyển đàn ong đi ăn, hết mùa lại chuyển về. Số mật làm ra chủ yếu bán cho người đi buôn, chưa tiếp cận trực tiếp với người mua nên giá bán còn thấp.

Vậy là thêm nét mới ở vùng chè đặc sản Tân Cương. Việc gối vụ chè bằng vụ ong cũng là cách tận dụng thời gian “nông nhàn”,  thời gian chè mới trồng chưa cho thu hoạch rộ, tăng thu nhập mà đất đai vẫn được nghỉ.

Dường như Festival Trà đã giúp người nông dân nơi đây trưởng thành lên nhiều. Không chỉ con đường trải nhựa từ Festival Trà lần thứ nhất kéo họ gần thành phố, mà nếp nghĩ, nếp làm của họ cũng đổi thay rõ nét. Và điều đáng quý là, họ vẫn giữ được sự chân chất mộc mạc, thật thà của người dân đất chè.

 

 

Tác giả bài viết: Minh Hằng

Nguồn tin: baothainguyen.org.vn


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Du lịch Thái Nguyên - Khám phá và trải nghiệm

 Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...

Thăm dò ý kiến

Điểm du lịch nào của Thái Nguyên bạn thích nhất

Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 24
  •   Thành viên online 1
  •   Máy chủ tìm kiếm 4
  •   Khách viếng thăm 19
 
  •   Hôm nay 5,943
  •   Tháng hiện tại 47,036
  •   Tổng lượt truy cập 16,244,115
Hỗ trợ trực tuyến
thainguyentourism.vn
thainguyentourism.vn Hỗ trợ chính sách
0912239337
Đường dây nóng
Đường dây nóng Giờ Hành chính:
0975 141 719
Để có một chuyến đi thực sự ấn tượng trong cuộc đời, hãy đến với Thái Nguyên, đến với chúng tôi