Chiều 14/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc , cho ý kiến về việc xây dựng Đề án này, để Ban cán sự Đảng Bộ VHTT&DL trình Bộ Chính trị thảo luận trong thời gian tới.
So với dự thảo đã từng được lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương góp ý cách đây gần hai tháng, dự thảo Đề án lần này đã tiếp thu các ý kiến của bộ, ngành, địa phương, thể hiện được một bước việc xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng, có dấu ấn văn hóa sâu sắc.
Tuy nhiên, góp ý vào dự thảo, đại diện các bộ, ngành cho rằng Đề án cần tiếp tục khẳng định rõ quan điểm du lịch là mũi nhọn nhưng không phải tỉnh, thành phố nào cũng coi du lịch là mũi nhọn mà chỉ tập trung ở các tỉnh, vùng có lợi thế về du lịch; phân định các công việc về phát triển du lịch mà Nhà nước làm hay xã hội, tư nhân làm; xây dựng, phát triển ngành du lịch phải gắn kết chặt chẽ với kinh tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngoài việc Đề án phải làm bật được nội dung “mũi nhọn” thì các cấp, ngành, trong việc thực hiện nhiệm vụ của ngành mình, cấp mình cũng phải xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn để ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, tạo động lực phát triển.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu khi Đề án được hoàn thiện và thực hiện thì phải giải quyết được các bất cập hiện nay nhằm tạo thuận lợi hơn trong việc cấp thị thực (visa), tiến tới cấp visa điện tử và hạ phí cấp visa; đáp ứng được nhu cầu chính đáng của các nhà đầu tư vào ngành du lịch (đất đai, thuế, giá điện, giá nước…); nâng mức phí du lịch để đáp ứng nhu cầu bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa-du lịch; xóa bỏ được những nỗi sợ của khách du lịch khi tới Việt Nam như cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ và sự trân trọng du khách, nhà vệ sinh mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường...
Đề án phải đặt ra kế hoạch, giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của du lịch Việt Nam, kể cả nguồn nhân lực quản lý du lịch từ cấp cao đến cấp thấp “đều thiếu và yếu”.
“Nghe báo cáo sơ bộ thì chỉ 10% hướng dẫn viên du lịch của Việt Nam có ngoại ngữ. Một số doanh nghiệp như Saigontourist, Vingroup hoàn thành xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng xong mà chưa thể khánh thành ngay được vì chưa tuyển đủ nhân lực vận hành”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sốt ruột nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng Đề án chưa thể hiện rõ được các nguồn lực về thể chế, chính sách, tài chính, các giá trị văn hóa tinh thần để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thực tiễn hiện nay, phí, giá dịch vụ du lịch vẫn rất thấp, cào bằng, không đáp ứng được nhu cầu bảo tồn, nâng cao giá trị của di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh cũng như sự phát triển của ngành du lịch. Đơn giá điện phục vụ cho du lịch thì cao hơn đơn giá điện phục vụ sản xuất. Chưa có ưu đãi thuế đất đối với các công trình lưu trú trong các khu vực hạn chế xây dựng (như cố đô Huế) hay các công trình lưu trú có sử dụng nhiều diện tích trồng nhiều cây xanh, sinh thái…
“Các vấn đề về giá, phí dịch vụ du lịch, giá điện, giá nước, thuế, đất đai, thể chế quản lý du lịch chưa được thể hiện trong Đề án. Nếu không xác định các nguồn lực cho phát triển du lịch thì Bộ Chính trị khó có thể thông qua được Nghị quyết về du lịch”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Để hoàn thiện Đề án trước khi trình ra Ban cán sự Đảng Chính phủ cho ý kiến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo nhận thức rõ sự yếu kém của ngành du lịch Việt Nam chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan. Cụ thể là chưa có thể chế tốt về quản lý và phát triển du lịch theo sự vận động của các quy luật kinh tế thị trường.
Làm rõ được thể chế, chính sách cho ngành du lịch phát triển được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ coi là điểm đột phá mà Đề án phải đạt được.
Về giải pháp thực hiện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định phải nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy phát triển du lịch là tiên quyết.
“Phải hành xử với du lịch như một ngành kinh tế, tuân theo các quy luật phổ quát của nền kinh tế thị trường, có thể chế, chính sách vượt trội thì mới thành mũi nhọn. Nếu các bộ, ngành nói chính sách vướng cho quản lý thì sẽ “tắc”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Để thực hiện Đề án này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ VHTT&DL tiến hành nghiên cứu thực hiện tái cơ cấu ngành du lịch trong giai đoạn 2016- 2020 có tầm nhìn tới năm 2030 dựa trên 3 trọng điểm là: Hạ tầng; xác định loại hình du lịch và sản phẩm du lịch; hoàn thiện thể chế chính sách phát triển du lịch trong đó có các chính sách thu hút nguồn lực nhà nước và xã hội, bổ sung các chính sách cụ thể về thuế, đất đai, giá phí dịch vụ du lịch, có lộ trình chuyển từ phí sang giá dịch vụ du lịch tương ứng với quá trình đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.
Cơ quan soạn thảo phải thể hiện rõ chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 ; có kế hoạch phát triển nguồn lực du lịch cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn lao động.
Tỉnh, thành phố nào có thế mạnh về du lịch sẽ thành lập Sở Du lịch trên cơ sở không tăng biên chế và chịu sự quản lý, giám sát của một Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực kinh tế.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Bộ VHTT&DL cần xác định kế hoạch phát triển ngành du lịch dài hơi hơn thay vì chỉ tính toán tới năm 2020 và nhấn mạnh việc Bộ Chính trị sẽ thảo luận và xem xét thông qua Đề án là cơ hội “có một không hai” để thúc đẩy ngành du lịch có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nguồn tin: chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...