+ Làm du lịch từ những năm 1990 khi du lịch Hạ Long còn rất đơn sơ. Du khách đến với Hạ Long đặc biệt là khách quốc tế rất thích cảnh quan tự nhiên, cuộc sống người dân bản địa. Từ đó cho tới khi triển khai những sản phẩm đầu tiên, chúng tôi rất chú trọng tới bảo vệ môi trường, lợi ích cộng đồng. Chúng tôi coi phát triển du lịch bền vững là cách hiệu quả để giới thiệu thắng cảnh quê hương, văn hoá Việt tới bè bạn quốc tế.
- Từ khi thành lập, đơn vị đã có nhiều sản phẩm được du khách đánh giá cao, đem lại lợi ích cho cộng đồng. Vậy “cơ duyên” nào đưa ông đến với những sản phẩm du lịch đó, với mô hình phát triển du lịch bền vững?
+ May mắn là Công ty chúng tôi phục vụ chủ yếu là du khách quốc tế đến từ châu Âu, Úc, Mỹ... Ngoài chất lượng dịch vụ, tôi nhận thấy họ đặc biệt quan tâm tới giá trị truyền thống, văn hoá bản địa. Vì thế, chúng tôi thường xây dựng thiết kế tour dựa trên yếu tố này.
Khi đưa du khách tham quan Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, chúng tôi nghĩ ngay tới văn hoá làng chài, cuộc sống ngư dân trên Vịnh. Vì thế, chúng tôi triển khai du lịch làng chài rất thành công. Điều đó tạo đà cho chúng tôi xây dựng sản phẩm du lịch làng quê Yên Đức, với văn hoa lúa nước và sau này là du lịch vùng cao Bình Liêu với cảnh quan, văn hoá các dân tộc ở Bình Liêu. Đây đều là các sản phẩm du lịch cộng đồng, hướng tới phát triển bền vững, đem lại nhiều cảm xúc, giá trị cho du khách cũng như lợi ích cho cộng đồng.
- Đơn vị thường xuyên đi đầu tìm tòi những điểm đến mới với các yếu tố phù hợp để phát triển du lịch bền vững. Đi tiên phong như vậy, chắc hẳn việc xây dựng và phát triển sản phẩm cũng dễ dàng và có nhiều lợi thế?
+ Lợi thế cũng có nhưng quả thật không hề dễ dàng! Tôi nhớ những năm 2005-2006, chúng tôi tiên phong mở rộng không gian du lịch xuống Vịnh Bái Tử Long, phát huy giá trị các làng chài Vung Viêng, rồi Cống Đầm. Ban đầu, không ít hãng lữ hành, khách hàng quen thuộc thắc mắc vì sao không khai thác Di sản Vịnh Hạ Long. Chúng tôi phải thuyết phục họ bằng những chuyến đi khảo sát thực tế và các sản phẩm sáng tạo, độc đáo gắn với đặc trưng văn hoá làng chài như: Một ngày làm ngư dân, trồng rừng, chèo đò, tham quan làng chài...
- Tôi thấy trong “bộ sưu tập” ông có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Vậy ông thấy ưng ý nhất sản phẩm nào?
+ Sản phẩm ưng ý nhất cũng là sản phẩm mà tốn nhiều thời gian và công phu xây dựng nhất. Còn nhớ, sau thành công của du lịch làng chài, tôi nghĩ ngay tới sản phẩm du lịch làng quê với văn hoá lúa nước, điển hình văn hoá Việt. Tôi luôn ấp ủ ý tưởng này, cho tới mãi năm 2011 chúng tôi mới bắt tay tìm kiếm “làng quê trong ý tưởng” của mình. Chúng tôi mất nhiều thời gian khảo sát dọc tuyến quốc lộ ở Quảng Ninh, rồi mở rộng ra Hải Dương, Bắc Ninh... nhưng chưa tìm được nơi ưng ý.
Một lần dừng lại ở Đông Triều, tôi đã tìm được “ý trung nhân” làng quê Yên Đức, một vùng đất chứa đựng bao điều thú vị. Dù không nhiều tài nguyên du lịch như Bắc Ninh, Hải Dương nhưng Yên Đức lại có cảnh quan sinh thái rất “làng quê Việt Nam”, cảnh sắc yên bình bên dòng sông Kinh Thầy, có di tích lịch sử, môi trường sạch sẽ, người dân hiền hoà đúng “chất” làng quê Việt...
- Ngoài cảnh quan thiên nhiên, điều gì đã khiến ông “say mê” Yên Đức?
+ Còn nhớ, đó là ngày đầu tiên đi khảo sát, thuyết trình ở Yên Đức để nắm bắt tâm tư của người dân. Và thực sự tôi rất bất ngờ, xúc động khi nhân dân, đặc biệt người già rất nhiệt tình ủng hộ và mong chờ phát triển du lịch cộng đồng. Quả thật, con người, vùng đất này đã truyền cảm hứng cho tôi và tôi cũng dành nhiều tình cảm cho vùng đất này.
Có những chuyện khiến tôi vẫn nhớ mãi. Đó là những lần đưa khách tới tham quan được người dân nhiệt tình tiếp đón, mời vào nhà uống nước, trò chuyện, mời khách trải nghiệm đan chổi hoặc nuôi ong mật, uống mật ong vào mỗi sớm với người dân địa phương... Sự ân cần, nhiệt tình khiến khách rất cảm động, rưng rưng khi ra về. Đó là tất cả những gì chúng tôi cần. Hơn hết, đó là những ấn tượng khó quên, là cách giới thiệu giá trị văn hoá, tình cảm Việt tới bè bạn quốc tế.
- Hiện TP Hạ Long đang triển khai xây dựng thành phố du lịch Hạ Long. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về chương trình này không?
+ Tôi cho rằng đây là một chương trình hay, ý nghĩa, tập trung vào thế mạnh của thành phố có di sản. Trong đó có các hoạt động về đầu tư hạ tầng, vệ sinh môi trường, đáng chú ý chương trình “Nụ cười Hạ Long”. Đây là cách làm du lịch bền vững, huy động sức mạnh cộng đồng, tạo thương hiệu cho Hạ Long. Tuy nhiên, để “Nụ cười Hạ Long” toả ra từ tâm, toát ra từ tình cảm người dân cần có chiến lược dài hạn nâng cao ý thức cộng đồng, thay đổi thái độ người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
- Vậy Công ty đã có những hoạt động thiết thực gì đóng góp vào việc xây dựng thành phố du lịch?
+ Công ty luôn triển khai các hoạt động tới cộng đồng và môi trường nơi mà đơn vị tổ chức hoạt động du lịch. Ở TP Hạ Long, Công ty đã triển khai các hoạt động giáo dục nâng cao kiến thức, hiểu biết của thế hệ trẻ như: Phối hợp bồi dưỡng về văn học nghệ thuật cho các cháu thiếu nhi; tổ chức thu gom rác thải trên Vịnh Hạ Long, núi Bài Thơ... Rộng hơn, Công ty chúng tôi cũng đã triển khai các lớp nghiệp vụ du lịch, đào tạo hướng dẫn viên tại Hạ Long cho một số con em ở Bình Liêu, tài trợ các hoạt động văn hoá cộng đồng ở Yên Đức...
- Với hướng phát triển du lịch bền vững, Công ty có định hướng phát triển sản phẩm gì ở TP Hạ Long thời gian tới?
+ Chắc chắn chúng tôi sẽ đồng hành cùng sự phát triển của thành phố, Công ty sẽ tham gia tích cực vào công tác bảo vệ môi trường cảnh quan ở thành phố. Tới đây, Công ty cũng đẩy mạnh những sản phẩm tham quan bằng xe điện ở Bãi Cháy và phía Hòn Gai; tham quan các công trình tỉnh, thành phố đã đầu tư; du lịch trải nghiệm, homestay...
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Tác giả bài viết: Tạ Quân (Thực hiện)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...