Múa Tắc Xình – Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia

Thứ tư - 10/06/2015 15:31
Múa Tắc Xình – Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia

Múa Tắc Xình là một nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc đã được cộng đồng dân tộc Sán Chay ở huyện Phú Lương (Thái Nguyên) gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đây là điệu dân vũ dân gian độc đáo được đồng bào dân tộc Sán Chay sử dụng trong các dịp lễ hội, đặc biệt là lễ hội Cầu Mùa. Với các đạo cụ đơn giản chỉ là những ống tre, vầu, nứa, người dân đã tạo nên âm nhạc cho điệu múa với giai điệu rất vui nhộn và ai cũng có thể tham gia...

 

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên trao Giấy chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia "Múa Tắc Xình" của người Sán Chay, huyện Phú Lương, Thái Nguyên trong Lễ công bố vào tối 16/10/2014

Phú Lương là nơi hội tụ nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc, đặc biệt, đồng bào dân tộc Sán Chay ở huyện Phú Lương còn lưu giữ được điệu dân vũ Tắc Xình. Tháng 10 năm 2014, Tắc Xình đã trở thành điệu dân vũ đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia. 

Ông Trần Quang Sơn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Lương - một trong những người dày công tìm tòi, tâm huyết sưu tầm, bảo tồn nét văn hóa độc đáo này cho hay: “Âm nhạc đơn giản, nhạc cụ đơn giản, ngôn ngữ múa không bị dị bản. Các động tác tuy đơn giản ai cũng có thể học nhưng để học được các động tác theo đúng nguyên bản, tái hiện được điệu dân vũ của nó thì lại đòi hỏi những nghệ sĩ, diễn viên trên sân khấu phải có sự khổ luyện...”. Cũng chính bởi nét độc đáo ấy, múa Tắc Xình Phú Lương đã hút hồn những người đam mê sưu tầm, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể. Từ năm 1996, ông Trần Quang Sơn và cán bộ của Phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Lương đã lăn lộn, tìm tòi khảo sát, thu thập các nét cơ bản của múa Tắc Xình. Khi đã có những tài liệu quý về dân vũ Tắc Xình, ông Sơn và cán bộ của mình lại lặn lội tìm đến các bậc cao niên dân tộc Sán Chay để trò truyện, học gõ nhịp, tập từng bước nhảy rồi phục dựng, hoàn chỉnh lại các động tác của điệu múa. 

Âm nhạc cho điệu múa vang lên với tiết tấu đơn giản, nguyên sơ, không pha tạp các tiết tấu âm nhạc hiện đại. Chỉ với tiếng nhạc “tắc, xình” phát ra từ những nhạc cụ thô sơ và những động tác múa như điệu đánh mài dao, phát nương, dọn rẫy, tra mố, hái lượm... Điệu múa Tắc Xình trong lễ hội cầu mùa thể hiện ước nguyện của con người, cầu thời tiết thuận lợi, muôn loài sinh sôi, lúa ngô được mùa, cầu cho bản làng bình yên, no ấm và hạnh phúc. Đó cũng là vũ điệu thể hiện ước vọng hòa bình và mong muốn của con người về sự đoàn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Thể hiện đạo lý tưởng nhớ tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, cõi sống và cõi chết, thế hệ trước và thế hệ sau. Tất cả tổng hòa và tạo nên nét đặc sắc riêng chỉ có của vũ điệu này. Ngay lần đầu lên sàn diễn, vũ điệu Tắc Xình mang hơi thở của núi rừng đã tạo được một ấn tượng lạ, hấp dẫn đối với nhà chuyên môn và đông đảo công chúng. Cũng kể từ đó, điệu dân vũ đặc sắc này đã có mặt tại nhiều sự kiện văn hóa quan trọng trong nước như: Giao lưu văn hóa quốc tế Việt Nam - Thụy Điển tại Hà Nội; Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất; Khai mạc liên hoan dân ca toàn quốc năm 2008... Đặc biệt  năm 2013, huyện Phú Lương chọn múa Tắc Xình tham gia Liên hoan Dân ca - Dân vũ Việt Nam và đã xuất sắc đạt giải A toàn quốc.

 

Múa Tắc Xình dưới tán rừng chò ở khu Đình cổ của xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên)

 

Để Tắc Xình có sức lan tỏa mạnh mẽ như ngày hôm nay, công đầu thuộc về các bậc tiền bối đã lưu truyền vũ điệu này. Một trong số đó là nghệ nhân Trần Đức Tài, xóm Đồng Xiền, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương (Thái Nguyên). Dù đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng qua những cuốn sách chữ Nho của gia tiên để lại, ông đã dày công dịch lại từng câu ví, điệu múa, chép vào cuốn vở viết rồi tập hợp con cháu trong làng để truyền dạy. Mừng vì nét đẹp văn hóa của dân tộc mình được tôn vinh, nhưng chưa ngày nào cụ nguôi lo lắng về thế hệ kế cận giá trị văn hóa quý giá này. Cụ bảo: “Bây giờ có nhiều văn hóa ngoại lai quá mà những thứ đó lại dễ thu hút giới trẻ hơn. Hơn nữa, đám con cháu thanh niên trong làng lớn lên đều đi làm công nhân cho các nhà máy, xí nghiệp... Trong số mấy chục đứa tôi truyền dạy chỉ còn vài đứa ở làng, không lo sao được!”.

 

Hiện, nơi duy trì và tổ chức được đều đặn lễ hội và múa Tắc Xình vào 3 mốc thời gian ấn định trong năm phải kể đến xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh (Phú Lương). Hàng năm, vào các dịp 2/2, 2/6 và 12/12 âm lịch, bà con đều tổ chức lễ hội và múa Tắc Xình tại sân đình cổ kính và tôn nghiêm dưới tán rừng chò hàng trăm năm tuổi của xóm để cầu cho mùa màng bội thu, nhân dân ấm no, hòa thuận... Một trong những người gìn giữ và được ví như “linh hồn” của múa Tắc Xình của người Sán Chay xóm Đồng Tâm chính là ông Hầu Văn Đạo. Ông luôn giảng giải cho lớp con, cháu nghe về những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Thông qua những câu chuyện ông kể, con cháu đã dần cảm nhận được cái đẹp trong từng câu hát ví Xình Ca và vẻ đẹp văn hóa đặc sắc trong mỗi bước của điệu dân vũ này...

Chính quyền và bà con huyện Phú Lương hôm nay tự hào vì múa Tắc Xình được công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Nhưng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự xâm nhập của các nền văn hóa vào Việt Nam hiện nay cũng khiến địa phương đứng trước thách thức lớn về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Vì vậy công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Múa Tắc Xình phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể. Ông Phạm Thái Hanh, Giám đốc Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Trong thời gian tới, ngành văn hóa sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa và giá trị của Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia đến đông đảo người dân trên địa bàn huyện Phú Lương nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung. Đưa các loại hình múa Tắc Xình vào trong hệ thống giáo dục ở các cấp học trên địa bàn. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường phối hợp với huyện Phú Lương tổ chức các hoạt động giao lưu, quảng bá để múa Tắc Xình có cơ hội trình diễn đến tới bạn bè trong nước và quốc tế nhiều hơn"...

 

Ông Hầu Văn Đạo truyền dậy múa Tắc Xình cho con, cháu tại rừng chò ở khu Đình cổ của xóm Đồng Tâm, xã Tức tranh, Phú Lương (Thái Nguyên)

Được biết, huyện Phú Lương đã xây dựng kế hoạch, ngoài khuyến khích thế hệ trẻ tích cực học tập, tiếp thu các kỹ năng, kỹ thuật, tập tục của các nghệ nhân để tạo nên một lớp người kế cận cho việc gìn giữ và phát huy giá trị của điệu múa. Huyện đã chỉ đạo thành lập các câu lạc bộ múa Tắc Xình trong cộng đồng dân tộc Sán Chay. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vào cộng đồng người Sán Chay về ý nghĩa của múa Tắc Xình trong đời sống văn hóa cộng đồng, trọng tâm là hướng vào lòng tự hào dân tộc của người Sán Chay. Từ đó, các thành viên trong cộng đồng sẽ tự ý thức bảo vệ di sản này.

Với niềm tự hào, sự quyết tâm cao của chính quyền, ngành văn hóa và người dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi tin tưởng rằng, múa Tắc Xình sẽ không ngừng phát triển, vươn xa, xứng đáng là Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia và trường tồn cùng thời gian.

Nguồn tin: thainguyen.gov.vn


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Du lịch Thái Nguyên - Khám phá và trải nghiệm

 Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...

Thăm dò ý kiến

Điểm du lịch nào của Thái Nguyên bạn thích nhất

Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 171
  •   Máy chủ tìm kiếm 1
  •   Khách viếng thăm 170
 
  •   Hôm nay 8,272
  •   Tháng hiện tại 117,202
  •   Tổng lượt truy cập 16,314,281
Hỗ trợ trực tuyến
thainguyentourism.vn
thainguyentourism.vn Hỗ trợ chính sách
0912239337
Đường dây nóng
Đường dây nóng Giờ Hành chính:
0975 141 719
Để có một chuyến đi thực sự ấn tượng trong cuộc đời, hãy đến với Thái Nguyên, đến với chúng tôi