Theo báo cáo tại Hội nghị, 6 tháng đầu năm 2017, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức thành công các hoạt động và sự kiện thường niên như: Chương trình “Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết” với nguồn kinh phí huy động 100% xã hội hóa, trao 1050 xuất quà (tổng kinh phí trên 500 triệu đồng) cho đồng bào miền núi, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn của 7 huyện miền núi thuộc 04 tỉnh: Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Tổ chức sự kiện Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” với các hoạt động chính: Chương trình Bài ca mừng Đảng, mừng Xuân, đón Chủ tịch Nước chúc Tết đồng bào các dân tộc; Tổ chức 03 lễ hội của đồng bào dân tộc; Tổ chức các trò chơi dân gian, ẩm thực truyền thống ngày Tết… với gần 200 đồng bào các dân tộc và khoảng 100 kiều bào Việt Nam ở nước ngoài tham dự ngày hội; các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4 với sự tham gia của trên 120 đồng bào các dân tộc, 400 vận động viên, võ sinh, gần 700 người trình diễn Yoga.
Bên cạnh đó, Làng Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức các hoạt động thường xuyên tại Khu các làng dân tộc với các hoạt động chuyên đề, hoạt động theo tháng, tuần, cuối tuần, hàng ngày.
Hiện nay, Ban Quản lý đang tổ chức cho 07 cộng đồng dân tộc hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam gồm: Mường (Hòa Bình), Khơ Mú (Điện Biên), Ê Đê (Đắk lăk), Tày (Thái Nguyên), Dao (Ba Vì), Tà Ôi (Thừa Thiên Huế), Khmer (Sóc Trăng). Tại chính ngôi làng của mình, đồng bào dân tộc tập trung giới thiệu văn hóa truyền thống, giới thiệu sản vật, nét đặc sắc trong ẩm thực của dân tộc mình tới du khách. Các hoạt động đón tiếp khách giới thiệu không gian văn hóa dân tộc và giao lưu với khách tham quan luôn được chú trọng trong hoạt động hàng ngày của cộng đồng các dân tộc, trở thành điểm hấp dẫn đối với khách tham quan khi tới thăm Làng Văn hóa. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức 30 lễ hội dân tộc với sự tham gia của 330 nghệ nhân, già làng, trưởng bản đến từ 21 lượt cộng đồng dân tộc.
Ngoài ra, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tiếp tục phối hợp có hiệu quả với các đơn vị, nhà hát thuộc Bộ (Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam) tổ chức các hoạt động biểu diễn, góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch tại Làng Văn hóa thu hút khách tham quan, đồng thời góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách tham quan, du lịch tới Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đạt khoảng 260.000 lượt (đạt 85% kế hoạch năm). Điểm đặc biệt là lượng khách đi theo tour của các Công ty lữ hành và khách đi theo đoàn ngày càng tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có 183 lượt công ty lữ hành gửi khách đến Làng Văn hóa.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái biểu dương những kết quả đã đạt được cũng như những nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017. Để phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những khó khăn, tồn tại, Thứ trưởng đề nghị Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam cần tập trung vào hai mảng chính là đầu tư xây dựng và thu hút khách du lịch. Thực hiện có hiệu quả công tác duy tu, bảo dưỡng, trọng tâm là các công trình nhà dân tộc, hạ tầng cảnh quan, công trình phục vụ hoạt động du lịch. Cần chú trọng hơn nữa đến dịch vụ phục vụ khách du lịch, sản phẩm du lịch, tổ chức và tham gia nhiều Hội nghị, hội thảo, kết nối với các công ty lữ hành để thu hút khách tham quan, nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, tuyên truyền nhằm thu hút khách tham quan và thu hút đầu tư./.