Thông tin mới cho Du khách
Thái Nguyên tham gia sự kiện kích cầu du lịch lớn nhất trong năm 2024 tại Việt Nam

Thái Nguyên tham gia sự kiện kích cầu du lịch lớn nhất trong năm 2024 tại Việt Nam

Nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa, du lịch của tỉnh Thái Nguyên đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế, từ ngày 11 - 14/4/2024, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hà Nội, Thái Nguyên đã tổ chức 02 gian hàng quảng bá, xúc tiến du lịch với chủ đề “Du lịch Thái Nguyên - Trải nghiệm xứ Trà, đậm đà bản sắc” tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM...

 Xem tiếp...

 
 

Bá Vân, ngày ấy - bây giờ

Thứ sáu - 21/08/2015 09:25

Mỗi lần có dịp đến thăm xã Bình Sơn (T.P Sông Công), vùng quê giàu truyền thống cách mạng, người dân nơi đây thường kể nhiều về địa danh Căng Bá Vân (Trại giam Bá Vân), nơi được Bộ văn hóa- Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1994.

Cây đa tại xóm Bá Vân 4, chính là nơi cất giấu, trao đổi tài liệu mật.

Cây đa tại xóm Bá Vân 4, chính là nơi cất giấu, trao đổi tài liệu mật.

Mỗi lần có dịp đến thăm xã Bình Sơn (T.P Sông Công), vùng quê giàu truyền thống cách mạng, người dân nơi đây thường kể nhiều về địa danh Căng Bá Vân (Trại giam Bá Vân), nơi được Bộ văn hóa- Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1994.

Cơ sở cách mạng năm xưa

Tháng 6- 1940, thực dân Pháp chọn khu vực gò đồi ở làng Bá Vân (nay thuộc xã Bình Sơn) để lập một khu trại giam (gọi là Căng) để giam giữ hơn 200 cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Nơi đây là vùng đất hoang vu hẻo lánh, rừng núi có nhiều muỗi độc, đất rộng người thưa, trình độ dân trí thấp, được coi là vùng “lam sơn chướng khí”, rất lý tưởng để những người bị giam giữ ở đây sức cùng lực kiệt, chết dần chết mòn.

Tuy nhiên, những chiến sĩ cộng sản đã biến lợi thế của kẻ địch thành lợi thế của mình. Thực hiện chủ trương “Biến nhà tù đế quốc thành trường học Cộng sản”, tháng 6-1942, các đồng chí đảng viên trong Căng đã tập hợp thành lập chi bộ Đảng, lúc đầu có 10 đảng viên, sau tăng lên 30 đồng chí. Sau này, Chi bộ đã tổ chức bí mật tiếp cận với nhân dân địa phương lân cận, tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng; đồng thời Chi bộ cũng tìm cách liên lạc và nhận tài liệu, chỉ thị từ Xứ ủy Bắc Kì. Từ đó, Chi bộ Căng đã xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng bí mật, trong đó đình Bá Vân chính là địa điểm đặt hòm thư bí mật, nơi cất giữ tài liệu, nhiều hộ dân nơi đây cũng đã trở thành trạm liên lạc giữa Chi bộ với Xứ ủy.

Khi cơ sở cách mạng được lập lên ngày càng nhiều, cùng với sự giúp sức của đông đảo quần chúng nhân dân, các cuộc đấu tranh, biểu tình, tuyệt thực đòi quyền cơ bản của các tù nhân trong Căng đã diễn ra thành công, đặc biệt là cuộc vượt ngục của 8 đồng chí đảng viên trong Căng vào ngày 22-8-1944. Sau khi vượt ngục thành công, các đồng chí này đã tham gia vào phong trào cách mạng tại các địa phương, tiến đến Tổng khởi nghĩa cách mạng Thánh Tám, và cũng từ đây, trại giam Bá Vân đã bị phá bỏ hoàn toàn. Mặc dù chỉ tồn tại từ năm 1941-1944, nhưng sự xuất hiện của Căng Bá Vân, sau đó là Chi bộ Căng là sự khởi nguồn của cơ sở cách mạng Bá Vân và phong trào cách mạng ở các xã lân cận.

Bá Vân hôm nay

Cùng chúng tôi đến thăm lại các điểm di tích, ông Trần Chí Thanh, cán bộ thông tin tuyên truyền xã Bình Sơn cho biết: Nếu như xưa kia, Căng Bá Vân được xây dựng lại nơi heo hút nhất thì nay, nơi đó đã trở thành khu vực trung tâm xã. Những dấu tích của Căng Bá Vân đến nay đã không còn bởi xưa, trại giam chỉ là những dãy nhà làm từ tre nứa, hàng rào cao 5 mét được dựng nên từ những thanh tre được vót nhọn. Đưa tay chỉ về khu khu đất bằng phẳng, rộng gần 10.000m2 nằm phía sau UBND xã, ông Thanh bảo đó từng là khu trại giam. Nơi trước đây từng là khu tra khảo, đọa đày, phơi nắng các tù nhân thì nay, trụ sở làm việc của UBND xã Bình Sơn đã được xây dựng khang trang, bề thế. Ngay trong khuôn viên của ủy ban xã, nhà bia Di tích Căng đã được xây dựng vào năm 2006, đó như là lời nhắc nhở các thế hệ sau về truyền thống cách mạng của dân tộc, tinh thần đoàn kết, gắn bó sẻ chia, niềm tự hào của không chỉ người dân Bình Sơn của toàn thành phố Sông Công, mà còn là niềm tự hào của tỉnh Thái Nguyên và của đất nước.

Từ trung tâm xã, chúng tôi cho xe chạy chầm chậm trên những con đường bê tông uốn lượn qua các xóm, hai bên đường là những ngôi nhà cao tầng, hàng quán mọc san sát, xa xa là những ruộng lúa, nương chè xanh ngắt... Chúng tôi cảm nhận được sự sung túc, ấm no đang dần hiện hữu nơi đây... Nói về sự đổi thay ấy, ông Đào Văn Tành, 80 tuổi ở xóm Bá Vân 5 vui mừng: Theo thời gian, làng Bá Vân hoang vu hẻo lánh nay đã không còn, giờ làng gồm 5 xóm, Bá Vân 1, 2, 3, 4, 5. Hàng trăm hộ dân đã đến sinh sống và phát triển kinh tế ở đây, rừng tre, rừng nứa cũng thu hẹp dần, thay vào đó là những đồi chè xanh mơn mởn, ruộng lúa tươi tốt, rừng keo bạt ngàn. Đường xá đi lại đã thuận lợi hơn xưa vì đường bê tông đã trải dài đến các ngõ. Người dân chúng tôi ai cũng phấn khởi vì sự đổi thay này.

Không chỉ riêng Bá Vân, các xóm khác trong vùng cũng đang dần chuyển mình, góp phần xây dựng xã Bình Sơn phát triển. Những năm qua, nhờ phát huy tinh thần đoàn kết của nhân dân, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học vào phát triển kinh tế mà đời sống người dân ngày càng được nâng lên, diện mạo nông thôn xã Bình Sơn đã có nhiều khởi sắc. Nhờ huy động được sức dân, đã có trên 6.000m2 đất được hiến để làm mới, cứng hóa 17km đường giao thông nông thôn; kiên cố hơn 500m kênh mương nội đồng; hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình: Chợ Bình Sơn; trạm điện Khe Lim, Lát Đá; Trường mầm non, trường tiểu học Bình Sơn; 4 nhà văn hóa và sửa chữa 3 nhà văn hóa xóm, đảm bảo 25/25 xóm có nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt, hội họp của người dân. Hằng năm, tỷ lệ gia đình văn hóa luôn đạt từ 85-90%, số xóm văn hóa luôn đạt từ 80-85%. Đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm khá nhanh, từ 25% (năm 2010) xuống còn trên 6,5% (năm 2015); thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/người/năm.

Đồng chí Dương Hồng Vượng, Bí thư Đảng ủy xã Bình Sơn cho biết: Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, năm 1999, xã chúng tôi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp và Huân chương Lao động hạng Ba thời kỳ đổi mới. Phát huy truyền thống đó, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Sơn sẽ tiếp tục thi đua, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân, phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp.

 

Tác giả bài viết: Ánh Ngọc

Nguồn tin: baothainguyen.org.vn


 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Du lịch Thái Nguyên - Khám phá và trải nghiệm

 Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...

Thăm dò ý kiến

Điểm du lịch nào của Thái Nguyên bạn thích nhất

Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 28
  •   Máy chủ tìm kiếm 3
  •   Khách viếng thăm 25
 
  •   Hôm nay 761
  •   Tháng hiện tại 31,351
  •   Tổng lượt truy cập 16,066,008
Hỗ trợ trực tuyến
thainguyentourism.vn
thainguyentourism.vn Hỗ trợ chính sách
0912239337
Đường dây nóng
Đường dây nóng Giờ Hành chính:
0975 141 719
Để có một chuyến đi thực sự ấn tượng trong cuộc đời, hãy đến với Thái Nguyên, đến với chúng tôi