Nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa, du lịch của tỉnh Thái Nguyên đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế, từ ngày 11 - 14/4/2024, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hà Nội, Thái Nguyên đã tổ chức 02 gian hàng quảng bá, xúc tiến du lịch với chủ đề “Du lịch Thái Nguyên - Trải nghiệm xứ Trà, đậm đà bản sắc” tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM...
Đến thăm cơ sở vào một ngày thời tiết khá nắng nóng của mùa hè nhưng với sự đón tiếp nhiệt tình và nồng hậu của cô Nguyễn Thị Hải – Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã chè La Bằng khiến tôi cùng đồng nghiệp gần như xua tan được sự mệt mỏi bởi thời tiết và quãng đường dài di chuyển mấy chục km, để có thể hòa mình ngay vào các hoạt động trải nghiệm cùng bà con vùng chè La Bằng và tìm hiểu về điểm đến phục vụ du khách của Hợp tác xã.
Đầu tiên chúng tôi được chủ sơ sở dẫn vào tham quan không gian thưởng trà và trưng bày các sản phẩm. Tại đây có rất nhiều dòng sản phẩm trà được giới thiệu như: Thanh Hải Trà (đạt OCOP 4 sao) là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019. Sản phẩm Đinh Tâm Trà (đạt OCOP 3 sao) là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía bắc năm 2020, đây cũng là sản phẩm được lựa chọn làm quà tặng cho các Nguyên thủ quốc gia trong Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Hà Nội năm 2017. Ngoài ra còn có các sản phẩm như: Trà La Bằng, trà Đại Từ, Búp chè vàng... Trong không gian độc đáo này, du khách sẽ được gia chủ mời thưởng thức những chén trà thơm ngon của cơ sở với màu xanh biếc và vị dịu, thanh đặc trưng của vùng chè La Bằng. Đồng thời với những du khách có nhu cầu học về cách pha trà, mời trà và thưởng trà thì cũng được chủ cơ sở hướng dẫn một cách tỷ mỉ. Được biết sau khi tham quan và thưởng trà tại đây, tùy theo nhu cầu của các đoàn khách, cơ sở sẽ bố trí thời gian và các hoạt động tham quan trải nghiệm cho phù hợp. Thông thường du khách sẽ trải nghiệm các hoạt động như sau: Tham quan nương chè, chụp ảnh, trải nghiệm hái chè cùng bà con (cơ sở có chuẩn bị sẵn trang phục và gùi để du khách trải nghiệm hái chè), nghe giới thiệu về quy trình chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VIETGAP hướng hữu cơ - hữu cơ, tham quan và trải nghiệm các hoạt động tại khu chế biến chè...
Tiếp đến, chúng tôi vào thăm khu vực chế biến chè của cơ sở. Với diện tích khu sản xuất lên tới 1000 m2, rất sạch sẽ, sức chứa khoảng 500-700 khách, do đó du khách có thể thoải mái tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm một số công đoạn chế biến cùng các nghệ nhân vùng chè như: Làm héo chè trên các giá inox, đóng gói chè và trải nghiệm sao chè. Quan sát và tìm hiểu, tôi được biết tại khu vực sản xuất chia thành các khu vực chế biến của từng dòng sản phẩm để thuận tiện cho quá trình tham quan và tìm hiểu của du khách. Nếu du khách muốn tìm hiểu về các dòng sản phẩm cao cấp của Hợp tác xã như: Đinh Tâm Trà, Thanh Hải Trà thì có thể qua khu vực sản xuất “Danh Trà” hoặc nếu du khách muốn tìm hiểu về các loại trà phổ thông trên thị trường với giá cả bình dân thì có thể đến khu vực sản xuất “Đạo Trà”...Từng dòng sản phẩm sẽ có quá trình thu hái và chế biến riêng, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật.
Rời không gian thưởng trà và khu vực sản xuất, chúng tôi diện cho mình bộ quần áo của đồng bào dân tộc, đeo gùi, đội nón tham gia hoạt động trải nghiệm hái chè cùng bà con. Những nương chè búp vươn tua tủa, xanh mướt trải dài bên sườn núi, không khí trong lành, mát mẻ, vang vọng đâu đó tiếng róc rách của dòng suối Kẹm chảy quanh, thậm chí đôi lúc tôi còn cảm nhận được tiếng ào ào của dòng thác ở trên đỉnh non xanh Tam Đảo khiến chúng tôi choáng ngợp và vô cùng thích thú. Nhanh tay hái những búp chè non xanh, thi thoảng check in vài kiểu ảnh làm kỷ niệm, trò chuyện với bà con làm chè mộc mạc, chân chất nhưng vô cùng hiếu khách đã để lại trong chúng tôi những trải nghiệm khó quên.
Ngoài ra, đến với Hợp tác xa chè La Bằng chúng tôi còn thật sự ấn tượng với một không gian tràn ngập sắc hoa quanh khu vực thưởng trà và trưng bày các sản phẩm, dãy hoa hồng cao hơn đầu người nở rực rỡ bên lối vào khiến du khách “ưng” ngay từ cái nhìn đầu tiên, rồi những luống mười giờ đủ màu sắc cũng đủ để du khách có check in những bức ảnh đẹp hay luống rau khoai lang nhật trải thảm tím cạnh lối đi cũng khiến du khách tò mò muốn tìm hiểu...
Bà Nguyễn Thị Hải – Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc HTX chè La Bằng cho biết: Hợp tác xã chè La Bằng được thành lập năm 2006, hiện gồm 15 thành viên và hơn 100 hộ liên kết. Các sản phẩm chè của Hợp tác xã có giá bán trên thị trường phổ biến dao động từ 250.000 đ/kg – 5.000.000đ/kg. Trong đó đặc biệt có dòng sản phẩm chè đinh thượng hạng có giá từ 10.000.000 – 20.000.000đ/kg, thường dòng sản phẩm này khách phải đặt trước một thời gian thì cơ sở mới sản xuất. Với dòng sản phẩm đinh thượng hạng này đòi hỏi quá trình lựa chọn những nương chè, chăm sóc phải tuân thủ những yêu cầu rất khắt khe, khâu thu hái và chế biến vô cùng tỉ mỉ và cẩn thận. Được biết khoảng 1000m2 diện tích chè mới cho ra được khoảng 3kg chè thượng hạng đó và phải 36 người hái trong 1 buổi sáng mới cho ra 1 kg chè.
Có thể nói Hợp tác xã chè La Bằng không chỉ là một điểm đến góp phần lan tỏa văn hóa trà của Đại Từ mà còn tạo sự đa dạng cũng như kết nối các điểm du lịch của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu khám phá và trải nghiệm của du khách./.
Bài và ảnh: Minh Đỗ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Nói đến Thái Nguyên là nói đến những địa danh gắn liền với chiến tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Khu di tích quốc gia 27/7. Không chỉ vậy, du lịch Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách với...