CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Trăm năm trà Thái

Trăm năm trà Thái
Trăm năm trong cõi người ta/ Chi bằng thưởng nguyệt, ẩm trà, vịnh thơ. Nhiều cao niên, hiền sĩ ở Thái Nguyên khi nhâm nhi chén trà thường nảy Kiều, vịnh Kiều và “chế thơ” của cụ Nguyễn Du. Họ hâm nóng ấm trà bằng thi ca, bằng một niềm hân hoan và cả những bất hạnh... biến cố cuộc đời.

 

Du khách thưởng trà tại Festival Trà Thái Nguyên. Ảnh: Minh Hoàng

Du khách thưởng trà tại Festival Trà Thái Nguyên. Ảnh: Minh Hoàng

Trong chén trà, một đời người, một vùng đất và có thể là cả một quãng dòng lịch sử dân tộc được đọng lại, làm mềm môi bao người quân tử. Để hôm nay, trước những ngày diễn ra Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3, năm 2015, bên ấm trà Tân Cương chính hiệu, chúng tôi chợt nhận ra một điều thú vị: Chè Thái, năm nay vừa tròn trăm tuổi.

Lặng lẽ nhâm nhi từng giọt đắng, ngẫm ngợi chuyện đời, chuyện người, chuyện của chính mình, tôi cảm nhận có gì đó tựa dư vị ngọt dịu dàng, quyện sánh cùng làn hương thơm nhè nhẹ chỉ trà Thái Nguyên mới có. Cũng bởi sự đặc biệt của hương, vị trà, nên lúc thưởng trà, người ta thường liên tưởng đến những thanh tao trong cuộc sống đời thường. Hơn cả bạc vàng, ấy là tình yêu thương đồng loại. Mà ở nhân gian, con người có tình yêu của con người, cỏ cây có tình yêu của cỏ cây. Tình yêu của con người không câu nệ tuổi tác, thời gian, ranh giới, địa vị xã hội và được biểu cảm bằng tâm hồn. Tình yêu của cỏ, cây biểu đạt bằng màu sắc tươi xanh của lá, rực rỡ của hoa. Ví như cây chè được trồng trên vùng đất Tân Cương (T.P Thái Nguyên) đến nay vừa trăm tuổi, trên thân gốc xù xì tưởng đã khô, lại có những búp lá tươi non nhú lên đón ánh ban mai, và để mặc làn gió mơn trớn, mang hương về miền cổ tích. Mùa xuân bao giờ cũng trẻ, chỉ có con người là không cưỡng được thời gian, thế nên mới có “Sinh, lão, bệnh, tử”. Tôi không biết cụ Nguyễn Gia Thiều có uống trà Thái Nguyên bao giờ không, nhưng đọc trong “Cung oán ngâm khúc” của cụ, thấy lòng người nhiều suy tư, tựa người thưởng trà theo lối độc ẩm, ngồi ngẫm chuyện nhân tình thế thái, và chất chứa cả nỗi niềm đau đáu về số phận con người. Oán ngâm rằng: “Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi/Những hương sầu, phấn tủi bao song”.

Đời người như bóng câu qua cửa!. Mới năm nào còn trẻ trung phơi phới, nay ngó gương, thấy đã dần lằn sâu những nếp nhăn bên núm đồng tiền, lòng hoài hồ tìm về dĩ vãng của vùng đất Tân Cương đệ nhất danh trà. Chuyện rằng: Năm 1915, ông Đội Năm (Vũ Văn Hiệt) đã dẫn đầu một đoàn người từ Thái Nguyên sang Phú Thọ. Đoàn người trải qua một hành trình đầy dốc đường, vực sâu, khe suối, muỗi mòng, rắn rết và tiếng hổ beo gầm gừ nạt nộ. Ông Đội Năm cùng đoàn người đã mang được những hạt chè giống từ lưng núi Hùng, về gieo xuống những bãi bồi ven dòng sông Công, nay là các xóm Guộc, Lam Sơn và xóm Soi Vàng. Dấu tích về những bãi chè trăm tuổi còn đó, ẩn khuất trong từng vạt rừng keo. Sau 100 năm, câu chuyện về chuyến đi của đoàn người năm ấy còn được lưu truyền qua các thế hệ con dân vùng đất Tân Cương.

Suốt dặm dài trăm năm, bao biến cố đời người, cây chè luôn gắn bó, bền bỉ sinh tồn như người bạn tri kỷ của các thế hệ nông dân. Nhờ bàn tay con người, cây chè được nhân ra khắp một vùng rộng lớn trên đất Thái Nguyên. Sau này, giao thông trở nên thuận tiện, người Thái Nguyên đi xe máy, ô tô sang Phú Thọ lấy giống chè về trồng đại trà trên khắp các triền đồi của Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ… Sang những năm sáu mươi, bẩy mươi của thế kỷ trước, Bộ Nông nghiệp đã cho thành lập ở Thái Nguyên một số nông trường chè, như: Nông trường chè Quân Chu; nông trường chè Bắc Sơn; nông trường chè Sông Cầu… Người Thái Nguyên ăn chè, ở chè, ngủ cũng nghĩ đến chè. Cây chè nhanh chóng trở thành cây kinh tế mũi nhọn, mang lại nguồn lợi nuôi sống hàng nghìn cư dân thủ đô gió ngàn Việt Bắc. Người trong cả nước biết đến Thái Nguyên cũng từ ấm trà.

Ngồi ở Không gian văn hoá Trà Tân Cương, nhấp chén trà thơm, mềm lòng nhớ về một dạo “ngăn sông cấm chợ”, dù cây chè hiện diện có trên khắp các nương đồi, trong vườn nhà nhưng không đủ sức nuôi người. Nông dân vùng chè chạy ăn từng bữa, công nhân nông trường chè ăn đong từng bữa. Cái nghịch lý trong nhà có nhiều chè nhưng không đủ gạo ăn với người Thái Nguyên cũng qua nhanh. Nhờ cơ chế đổi mới của Nhà nước, người trồng chè được “cởi trói”. Trên các nương chè đã í ới bận rộn báo hiệu sự no đủ. Cùng thời gian, chè Thái Nguyên nhanh chóng có mặt trên thị trường cả nước, ra nước ngoài, đời sống của người trồng chè được cải thiện, nâng cao. Nông dân vùng chè, công nhân nông trường chè có tiền xây nhà ở, mua xe máy, ô tô, sắm ti vi, tủ lạnh, máy giặt và những tiện nghi sinh hoạt gia đình hiện đại.

Trong Không gian văn hoá Trà Tân Cương, các nhà làm công tác quản lý, quảng bá chè Thái Nguyên đã trưng bày trong đó những hiện vật liên quan tới chè, có những hiện vật bằng sành sứ hàng trăm năm tuổi, nhưng được du khách trong nước, quốc tế quan tâm hơn là những hình ảnh, mô hình sản xuất, chế biến chè qua từng giai đoạn lịch sử nhất định. Cả một bề dày truyền thống về ngành chè Thái Nguyên được công phu tái hiện, lại nữa là những kỷ lục được xác lập là: “Có số người uống trà cùng lúc đông nhất”; “Thương hiệu Trà danh tiếng được nhiều người Việt Nam biết đến nhất”; “Sản phẩm Trà Thái Nguyên thuộc top các đặc sản quà tặng có giá trị của châu Á”...

Nhiều kỷ lục về chè và trà được thiết lập tại các liên hoan Trà năm 2011, năm 2013. Mừng đấy, song trước ngày bước vào Liên hoan Trà lần thứ 3, năm 2015, vẫn chén trà Tân Cương ấm nóng, mà cảm nhận từ đâu đó cái dư vị ngọt buồn phảng phất lơ lửng trong nghĩ suy. Phải chăng khi những cây chè giống mới là Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, LDP1 và nhiều loại chè cành giống mới cho năng suất, chất lượng cao về thế chỗ cho giống chè trung du, thì những gì thuộc về xưa cũ dần rơi vào quên lãng. Âu cũng vì cơ chế thị trường, vì bát cơm, manh áo mà người trồng chè Thái Nguyên chưa lưu tâm những gì cần gìn giữ. Giữa Không gian văn hoá Trà Tân Cương, giữa chờ đợi hội Trà sắp tới, lại da diết và hy vọng hương trà Thái sẽ tiếp tục đằm lại, toả hương xa.

 

 

Tác giả bài viết: Phạm Ngọc Chuẩn