Ngọt ngào, dẻo thơm gạo nếp Thầu Dầu Phú Bình
- Thứ tư - 05/10/2016 15:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xuôi theo quốc lộ 37, chúng tôi đến Úc Kì (Phú Bình) đúng vào thời điểm những cánh đồng đang phủ trên mình một màu vàng nâu đặc trưng của lúa nếp Thầu Dầu chín. Từ rất xa, chúng tôi đã cảm nhận được hương thơm thoang thoảng của lúa nếp chín lẫn trong gió nhẹ. Tới gần, nhìn những bông lúa chắc mẩy vươn mình đu đưa trong nắng, chúng tôi biết, một mùa vụ bội thu đang về với người dân nơi đây. Dừng chân bên một thửa ruộng nếp Thầu Dầu, chúng tôi được nghe người dân giới thiệu về giống lúa nếp đặc sản mà trời đất đã ban tặng cho vùng đất này.
Cánh đồng lúa nếp Thầu dầu rộng lớn ở Úc Kì chuẩn bị cho thu hoạch (Ảnh: Minh Ngân)
Giống lúa nếp Thầu Dầu dẻo, thơm đã được gieo cấy ở Phú Bình từ nhiều đời nay. Tuy nhiên, do một thời gian dài không được thanh lọc nên giống lúa này đã bị thoái hóa và lẫn tạp nhiều. Trước thực trạng đó, năm 2008, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn đã xây dựng và thực hiện Dự án chọn lọc, phục tráng giống lúa nếp Thầu Dầu. Nhờ vậy, những đặc tính thơm, dẻo, vị đậm của nếp Thầu Dầu đã cơ bản được khôi phục. Diện tích lúa nếp Thầu Dầu ở huyện Phú Bình liên tục tăng trong những năm gần đây, nhất là sau khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể “Lúa nếp Thầu Dầu Phú Bình” năm 2012.
Lua nếp Thầu dầu Phú Bình đã được công nhận nhãn hiệu tập thể (Ảnh: Minh Ngân)
Hiện nay, diện tích lúa nếp Thầu Dầu tập trung chủ yếu ở các xã: Úc Kỳ, Nhã Lộng, Xuân Phương và Nga My. Riêng ở Úc Kỳ, vừa qua, Trạm Khuyến nông huyện Phú Bình phối hợp với UBND xã thực hiện mô hình ứng dụng hệ thống canh tác cải tiến SRI trên cánh đồng một giống lúa nếp Thầu Dầu vụ mùa năm 2015 với quy mô diện tích 15 ha. Người dân được hướng dẫn áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI: lúa được cấy đúng kỹ thuật 1 dảnh/khóm, bón phân cân đối, làm cỏ sục bùn, kết hợp điều tiết nước hợp lý… Nhờ vậy cây lúa khỏe hơn, chống chịu với sâu bệnh tốt hơn so với lúa cấy theo truyền thống, giảm phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là không sử dụng thuốc trừ cỏ mà năng suất lúa lại cao hơn mọi năm. Nhờ vậy, chất lượng gạo cũng thơm ngon hơn hẳn.
Ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI nên lúa nếp thầu dầu cho năng suất và chất lượng cao (Ảnh: Nguyễn Hảo)
Gạo nếp Thầu Dầu đem đồ xôi, làm bánh, làm tương thì có vị ngọt, béo ngậy và thơm hương vô cùng. Phải chăng, nhờ làm từ gạo nếp Thầu Dầu mà tương nếp Úc Kỳ mới có được hương vị riêng, đậm đà, thơm ngon đầy sức quyến rũ, mới trở thành một thứ đặc sản nức tiếng của miền quê này. Chẳng thế mà vào những dịp cưới hỏi, lễ tết, hội họp… người dân nơi đây thường dùng gạo nếp Thầu Dầu để đồ xôi, làm bánh chưng, bánh dày mời khách. Nhiều người ăn một lần rồi nhớ mãi hương vị ấy, mỗi dịp qua đây lại muốn mua gạo, mua tương về làm quà cho bạn bè, người thân. Nếp Thầu Dầu đã trở thành niềm tự hào của người dân Úc Kỳ nói riêng, Phú Bình nói chung. Chính vì vậy, trong những đợt tham gia hội chợ, triển lãm, trưng bày… người Phú Bình thường mang gạo nếp Thầu Dầu đi giới thiệu với du khách và ở bất cứ đâu, gạo nếp Thầu Dầu Phú Bình cũng nhận được sự mến mộ của thực khách xa gần. Tiếng tăm của giống nếp Thầu Dầu ngày càng lan xa, thực đúng là “hữu xạ tự nhiên hương”. Hàng năm, không chỉ dịp lễ Tết mà cả những ngày thường, gạo và tương nếp Thầu Dầu luôn là món quà quê ý nghĩa đong đầy tình đất, tình người gửi đi muôn phương.
Gạo nếp thầu dầu đem làm xôi, bánh chưng, bánh dày, tương, cốm... đều có độ dẻo và vị thơm ngon đặc biệt (Ảnh: Nguyễn Hảo)
Về Phú Bình hôm nay, về với vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, du khách không chỉ được thăm các di tích lịch sử, văn hóa giàu giá trị, thăm lại chiến khu cách mạng năm xưa… mà còn được đắm say trước sự thay da, đổi thịt của một vùng quê sơn thủy hữu tình soi bóng bên dòng sông Cầu thơ mộng, được thưởng thức và mua sắm các đặc sản của quê hương như gà đồi, trám bùi Hà Châu, gạo và tương nếp Thầu Dầu… Tất cả, tuy mộc mạc, giản dị nhưng rất đỗi ngon lành và chất chứa tình đất, tình người nơi đây. Với riêng tôi, vị ngọt bùi, dẻo thơm của giống nếp quý đã đong đầy niềm thương, nỗi nhớ khi xa.
Những sản phẩm làm từ gạo nếp Thầu dầu trở thành món quà quý đậm tình quê (Ảnh: Mai Sinh)