CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Ai về Đền Giá

Ai về Đền Giá
Đền Giá có từ lâu đời, ở làng Cẩm La thuộc tổng Tiểu Lễ, nay thuộc xã Đông Cao, huyện Phổ Yên; là nơi thờ Thánh Gióng, (Phù Đổng Thiên Vương) và Mạnh Điền Quốc vương – một người dân yêu nước ở địa phương đã có công đánh giặc Ân cứu nước thừ thời Vua Hùng thứ VI.

 

Theo truyền thuyết, một lần ông Gióng đang truy đuổi giặc Ân, khi đến địa phương này thì quân sĩ đã thấm mệt, trời lại tối, cây rừng rậm rạp chẳng rõ lối đi. Một người dân địa phương biết chuyện, ông đã đem hết lương thực, thực phẩm của nhà mình và vận động dân làng cùng giúp đội quân ông Gióng ăn nghỉ cho lại sức. Cũng lúc đó ông lại vận động thanh niên trai tráng trong làng xin theo đoàn quân ông Gióng cùng đi đánh giặc. Khi giặc tan, đất nước thanh bình, nhà vua đã phong cho ông Gióng là Phù Đổng Thiên Vương và phong cho người nông dân yêu nước kia là là Mạnh Điền Quốc vương, cho nhân dân địa phương lập đền thờ các ông. Từ đó, nhân dân địa phương dựng lên một ngôi miếu nhỏ làm bằng gỗ, lợp mái tranh để thờ cúng.

212201015358
Lễ rước kiệu tại hội đền Giá (Ảnh: Vũ Hoàng)

Sang đến thời Lê, khi nền văn hoá dân tộc bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ, đền Giá được xây dựng với quy mô to, đẹp. Trải qua thăng trầm lịch sử, đền Giá đã được sửa chữa nhiều lần, nhưng vẫn giữ được kiến trúc ban đầu. Ngôi đền không chỉ là nơi người dân địa phương cũng như khách thập phương thể hiện đời sống tâm linh mà nó còn thể hiện những tinh hoa trong kiến trúc của dân tộc. Khu đền có hai toà nhà: Nhà tiền bái ở phía trước rộng 5 gian, để hương án, đồ thờ và là nơi hành lễ trong những ngày lễ hội. Nhà  hậu cung rộng 3 gian ở phía sau: Gian giữa có sàn cao thờ tượng Thánh Gióng, một bên thờ Mạnh Điền Quốc vương và môt bên thờ Thổ Địa long vương, vị thần bảo vệ giúp đỡ dân làng. Hai bên cửa hậu cung có đôi câu đối chữ Hán: Sắc phong, kiếm, mã lưu kỳ sự/ Nam quốc Sơn hà độc dị nhân. Xung quanh đền có nhiều cây to bóng mát, đặc biệt còn 3 cây đa, trong đó có 2 cây cổ thụ, chu vi gốc khoảng 8m.

Đền Giá mỗi năm có 2 lần lễ hội. Lần 1 vào các ngày 5-6/1 là lễ hội khai xuân; lần 2 vào 9/4 âm lịch.

Không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, đền Giá còn là nơi diễn ra một sự kiện lịch sử trọng đại của huyện Phổ Yên. Ngày 22/8/1945, tại ngôi đền này đã diễn ra hội nghị cán bộ chủ chốt để thành lập chính quyền cách mạng lâm thời đầu tiên của huyện, góp phần vào cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945 của tỉnh Thái Nguyên. Với giá trị kiến trúc và ý nghĩa lịch sử như vậy đền Giá đã được xếp hạng di tích lịch sử - nghệ thuật tại Quyết định số 2774/QĐ-UB ngày 12/11/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên./.

Minh Đỗ (t/h)