Bánh cooc mò Thái Nguyên độc đáo và hấp dẫn
- Thứ tư - 15/01/2020 10:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này

Cooc mò là loại bánh truyền thống của đồng bào Tày, Nùng ở Thái Nguyên. Nó là thứ quà không thể thiếu dành cho trẻ nhỏ trong những ngày lễ đặc biệt như mừng đầy tháng, thôi nôi.
Để có được những chiếc cooc mò vừa dẻo, thơm lại đẹp mắt, thì khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Lá gói bánh người ta phải chọn những chiếc lá dong vừa xanh vừa mượt, không bị rách, bị sâu. Lá lấy về đem rửa sạch, phơi khô nước. Công đoạn chẻ lạt làm dây gói bánh cũng được tiến hành rất tỉ mỉ. Lạt được làm từ cây giang hoặc cây mỡ, chẻ làm sao cho lạt nhỏ đều, mềm, dai để khi gói không làm rách lá bánh. Đặc biệt gạo để làm bánh phải là gạo nếp nương thơm, hạt nào hạt nấy căng mẩy, đều tăm tắp,…

Muốn làm được những chiếc bánh xinh xắn, thơm ngon ngoài khâu chọn nguyên liệu còn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của các bà, các chị. Gạo nếp được vo với nước lã nhiều lần cho đến khi nước vo gạo trong suốt. Tiếp tục ngâm gạo vài giờ cho gạo mềm. Gạo nếp sau khi ngâm vớt ra để ráo nước, sau đó đem trộn lẫn với lạc sống đã giã nhỏ và thêm một chút muối cho vừa ăn. Những chiếc lá dong được cuộn lại như hình cái phễu rồi đổ gạo và lạc đã trộn lẫn vào trong, vỗ nhẹ bên ngoài cho gạo xuống đều hoặc dùng chiếc đũa nhỏ xọc cho gạo nén chặt, sau đó mới gấp mép lá và dùng lạt buộc lại.
Kinh nghiệm của các bà, chị khi làm bánh cooc mò là khi buộc bánh không nên buộc chặt quá sẽ làm lá bánh rách, hạt gạo không nở được, dễ bị sượng, không dẻo. Còn nếu buộc lỏng quá, bánh bị hút nước nhiều dễ bị nhão, không ngon. Bánh sau khi gói được ngâm vào nước lạnh khoảng 1 giờ cho đến khi mặt nước không sủi tăm lên, lúc đó bánh đã ngấm đủ nước, khi luộc sẽ nhanh chín.
