La Bằng: Tiềm năng, lợi thế và những định hướng phát triển du lịch
- Thứ tư - 05/10/2022 08:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tiềm năng và lợi thế
La Bằng là địa phương có truyền thống cách mạng hào hùng, nhiều di tích lịch sử đã được ghi dấu. Những di tích lịch sử văn hóa ấy hiện nay đã trở thành niềm tự hào của nhân dân địa phương, là “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục truyền thống vẻ vang cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ. Tiêu biểu trong đó là di tích địa điểm ra đời cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (năm 1936) tại xóm Lau Sau, xã La Bằng đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. La Bằng còn có chùa Thanh La tọa lạc ở vị trí đẹp, đứng ở nơi đây du khách có thể ngắm toàn bộ cánh đồng La Bằng đổi màu theo mùa vụ. Chùa Thanh La đang được trùng tu, hứa hẹn sẽ là điểm đến du lịch tâm linh đầy ấn tượng. Đây cũng là một điểm nhấn trong định hướng phát triển du lịch văn hóa lịch sử về nguồn của địa phương.
La Bằng có điều kiện tự nhiên khá đa dạng thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái.
La Bằng còn được biết đến là một trong những vùng chè đặc sản nổi tiếng của Thái Nguyên. Với những đồi chè trải dải, nối tiếp nhau không chỉ góp phần tạo không gian cảnh quan hấp dẫn du khách mà còn là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp tại địa phương. Hiện nay, xã La Bằng có Hợp tác xã chè La Bằng, Công ty cổ phần chè Hà Thái đã xây dựng được không gian thưởng trà, trưng bày các sản phẩm và khu vực chế biến chè với không gian rộng rãi, có thể đón và phục vụ các đoàn khách đông người đến tham quan, trải nghiệm. Chè La Bằng có vị đậm rất riêng, màu nước sánh vàng như mật ong, mùi thơm và ngọt hậu tự nhiên để lại dư vị khó quên với mỗi du khách khi thưởng thức.
Trong những năm gần đây, suối Kẹm đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Đặc biệt, xã La Bằng có suối, thác Kẹm là địa điểm sinh thái lý tưởng. Suối Kẹm bắt nguồn từ đỉnh non xanh Tam Đảo. Dòng suối trong vắt, uốn lượn len lỏi chảy qua những ghềnh đá đủ kích cỡ và hình thù hấp dẫn, đẹp mắt. Hai bên bờ suối là những thảm cây rừng nguyên sinh của chân núi Tam Đảo, xen lẫn bãi đá tô điểm sự sinh động cho điểm sinh thái này. Dọc theo chiều dài của suối có một con đường bê tông nhỏ chừng 2,3km để du khách khám phá nơi ngọn nguồn con suối và thiên nhiên hùng vĩ của vườn rừng quốc gia Tam Đảo. Trên cung đường di chuyển có 04 bãi tắm khá rộng và các điểm check in đẹp, có 10 lán nghỉ được bố trí dọc theo cung đường khám phá suối Kẹm. Hành trình khám phá ngọn nguồn suối Kẹm cũng vô cùng thú vị với rất nhiều điểm tham quan như: Thác Trắng là thác có chiều cao khoảng gần 100m, vào mùa hè nước dội từ trên cao xuống trắng xóa, dưới chân thác cây cỏ như bị dạt theo một hướng bởi sức nước chảy tạo thành luồng gió rất mạnh. Đá Hầm là nơi du khách có thể đi dã ngoại và ngủ qua đêm trong những hầm đá. Đi xa hơn có thể tận mắt ngắm những cây trò chỉ, cây gội cổ thụ có tuổi thọ từ vài trăm năm với chiều cao từ 50 đến 60 mét, có những cây có đường kính từ 2 đến 3 mét. Với hệ sinh thái phong phú, suối Kẹm thích hợp cho những chuyến du lịch dã ngoại. Điểm trải nghiệm du lịch sinh thái này hiện do Vườn quốc gia Tam Đảo quản lý.
Đồng bào dân tộc nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, đó là hát Then, đàn Tính, các làn điệu dân ca mượt mà của dân tộc Tày, Nùng; những nét văn hoá truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào Dao như nghi lễ cấp sắc, tết nhảy...Ẩm thực đa dạng, phong phú với nhiều món ăn hấp dẫn du khách như: Măng rừng, gà đồi, xôi ngũ sắc, rau rừng, cá tầm các món...
Thực trạng khai thác
La Bằng được thiên nhiên ưu ái ban tặng với không khí quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm vào khoảng 18-20 độ C. Tận dụng nguồn nước nước tự nhiên tại suối Kẹm, từ lâu bà con ở đây đã triển khai các mô hình nuôi cá tầm khá hiệu quả. Điều này góp phần tạo nên những dấu ấn riêng, đặc biệt là về ẩm thực nhằm thu hút du khách. Trên địa bàn xã, hiện có 5 nhà hàng phục vụ ăn uống gồm: La Bằng Xanh, Phúc Huệ, La Bằng homestay, Tân Sơn homestay, Nhà hàng suối Kẹm. Công suất phục vụ lên tới 500 người/ngày. Các cơ sở hầu hết có bể bơi với nguồn nước mát lạnh dẫn ra từ suối để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách. Vào thời điểm mùa hè, có những ngày thứ 7, chủ nhật lượng khách đến với khu vực Kẹm lên đến hàng nghìn người/ngày khiến nhiều cơ sở bị quá tải. Do các cơ sở kinh doanh dịch vụ đa phần mới hình thành, quy mô nhỏ lẻ mang tính tự phát nên công tác quản lý tại địa phương vẫn còn hạn chế. Đội ngũ lao động kinh doanh dịch vụ du lịch chưa thực sự chuyên nghiệp, đôi khi còn lúng túng khi có các đoàn khách số lượng lớn. Các hộ chưa có sự liên kết nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Một góc La Bằng homestay.
Như đã nói khách đến với suối Kẹm khá nhiều nhưng dịch vụ tại đây lại chưa được đáp ứng, đặc biệt là dịch vụ lưu trú. Hiện mới chỉ có Tân Sơn homestay có dịch vụ lưu trú cộng đồng với sức chứa tối đa khoảng 40 khách. Mặc dù chất lượng dịch vụ cũng chưa thực sự đảm bảo, tuy nhiên vào dịp cuối tuần tại đây luôn ‘full” khách (đa phần là khách đặt trước). Điều này cho thấy cung đang không đáp ứng được cầu, cần có sự khuyến khích mở rộng và định hướng các cơ sở trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Dịch vụ lưu trú tại La Bằng còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Khu sinh thái suối Kẹm nằm trong khu vực vườn quốc gia Tam Đảo, do vậy các dịch vụ bán vé tham quan, thuê lán nghỉ, vé trông giữ xe do Vườn quốc gia Tam Đảo quản lý; có nội quy và biển hướng dẫn tham quan và công tác bảo vệ môi trường. Ban quản lý vườn quốc gia Tam Đảo đã bố trí các thùng rác di động dọc theo cung đường khám phá suối Kẹm. Vào các buổi chiều trong thời gian cao điểm mùa hè có tổ môi trường đi thu gom rác thải, phân loại và xử lý theo quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Định hướng phát triển trong tương lai
Xác định những tiềm năng lợi thế của xã La Bằng trong phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, tại Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 09/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc xây dựng huyện Đại Từ đạt chuẩn nông thôn mới và cơ bản đạt chuẩn thị xã vào năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã định hướng quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trải nghiệm tại xã La Bằng và xã Hoàng Nông của huyện Đại Từ. Tỉnh Thái Nguyên cũng đang định hướng xã La Bằng là một trong những địa phương sẽ triển khai xây dựng mô hình điểm về du lịch cộng đồng của tỉnh lộ trình từ năm 2022 - 2025. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện phát triển điểm đến du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2022, trong đó có xã La Bằng huyện Đại Từ. Những định hướng này có thể coi là kim chỉ nam, hỗ trợ địa phương trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch. Hiện nay, huyện Đại Từ cũng đang hoàn thiện Đề án phát triển khu du lịch sinh thái La Bằng, Hoàng Nông giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Không gian thưởng trà của Hợp tác xã chè La Bằng.
Tuy nhiên để thực sự phát huy tiềm năng, thế mạnh của La Bằng, thiết nghĩ rất cần có quy hoạch và đầu tư đồng bộ, nhất là các dịch vụ tiện ích để thu hút và giữ chân du khách. Trước hết, có thể xây dựng tour trải nghiệm, khám phá trong phạm vi xã La Bằng như: Du lịch sinh thái suối Kẹm, khám phá vườn quốc gia Tam Đảo, trải nghiệm hái chè, thăm các làng nghề chè truyền thống và Di tích lịch sử nơi ra đời cơ sở Đảng đầu tiên ở Thái Nguyên. Tiếp đến là kết nối với các điểm đến khác trên địa bàn tỉnh như Di tích lịch sử Quốc gia 27/7, Khu du lịch Hồ Núi Cốc, Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Bên cạnh đó, địa phương cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư xây dựng homestay, các điểm nghỉ dưỡng để du khách ở lại tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên cũng là cách tạo thêm sinh kế cho người nông dân vốn cần cù, chịu khó và hiếu khách ở vùng đất này.
Tin tưởng rằng với sự quan tâm của các cấp, ngành của tỉnh cũng như sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và sự đồng thuận cao của người dân tại La Bằng, trong một tương lai gần, La Bằng sẽ phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương, đa dạng các hoạt động du lịch kết kợp du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm; đồng thời bảo vệ môi trường đảm bảo cho du lịch nói chung và du lịch sinh thái nói riêng ở địa phương được phát triển bền vững, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đại Từ lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025./.
Tác giả: Minh Đỗ