CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Khai mạc Lễ hội đền Đuổm

Khai mạc Lễ hội đền Đuổm
Ngày 13-2 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng), tại Di tích lịch sử đền Đuổm, huyện Phú Lương đã long trọng tổ chức Lễ hội đền Đuổm.
Đỗ Tuấn (13)
Khai mạc Lễ hội Đền Đuổm (Mai Sinh)
Đỗ Tuấn (17)
Trò chơi dân gian trong Lễ hội (Mai Sinh)
Đỗ Tuấn (18)
Du khách thập phương về với Lễ hội Đên Đuổm (Mai Sinh)

Về dự có đồng chí: Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Ban Tổ chức; Phạm Hoàng Sơn, Trưởng Ban Dân vận; Hoàng Văn Hùng, Trưởng Ban Nội chính; Trương Thị Huệ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo Hội Di sản Văn hóa Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)...
 

Phần tế lễ tại Lễ hội Đền Đuổm
Phần tế lễ tại Lễ hội Đền Đuổm (Mai Sinh)

 

Đỗ Tuấn (1)
Nhãn

Đền Đuổm nằm dưới chân núi Đuổm thuộc xóm Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương - một hệ núi đá vôi hùng vĩ với 6 mỏm đá cao tạo hình hàm long ngóc đầu chầu lên đầy uy nghi. Đây là nơi thờ Anh hùng dân tộc Dương Tự Minh - người có công lao to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc của Tổ quốc Đại Việt dưới các triều vua Lý - thế kỷ XII.

Dương Tự Minh là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở làng Quan Triều, Phủ Phú Lương xưa. Với tài năng xuất chúng, ông đã được các vua triều Lý bổ nhiệm làm thủ lĩnh Phủ Phú Lương. Bằng tài thao lược của mình, ông đã lãnh đạo nhân dân Phú Lương xây dựng địa hạt phồn vinh, thịnh trị, đánh tan mọi cuộc xâm lấn của kẻ thù. Năm 1127, ông đã được vua Lý Nhân Tông đã gả Công chúa Diên Bình và năm 1144, vua Lý Anh Tông đã gả Công chúa Thiều Dung và phong chức Phò Mã Lang Đô úy. Hơn 30 năm làm quan dưới các vương triều Lý, ông là một vị tướng giỏi, dám đấu tranh lại sự sách nhiễu của quan lại trong triều, luôn thể hiện là người “Trung quân, Ái quốc”. Cuối đời ông đã cùng hai công chúa Diên Bình và Thiều Dung về sống ở Điểm Sơn, nay thuộc xã Động Đạt (Phú Lương). Để ghi nhớ công ơn, nhân dân địa phương đã lập đền, quanh năm hương khói phụng thờ và lấy ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm để tổ chức Lễ hội nhằm tưởng nhớ đến công lao to lớn của vị Anh hùng dân tộc, đồng thời cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Đỗ Tuấn (3)
Rước lễ vào Đền Đuổm (Mai Sinh)
Rước lễ vào Đền Đuổm (Mai Sinh)

 

Lễ hội Đền Đuổm gồm có phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm nghi thức rước đất, rước nước ra Giếng Dội; nghi thức rước lễ vào đền, tế lễ cầu Thánh Đuổm Dương Tự Minh ban phúc cho một năm mới mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, người người ấm no, hạnh phúc… Phần hội gồm có các trò chơi như: Thi kéo co, đẩy gậy, chơi cờ tướng, ném còn, chơi cây đu, bịt mắt đập niêu…, Đến với Lễ hội, du khách thập phương còn được thưởng thức các sản vật mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của dân tộc, nét độc đáo, riêng biệt của địa phương như: Xôi ngũ sắc, bánh gio, bánh dày, chè mật ong… tạo ra một không gian văn hóa vui tươi, lành mạnh trong những ngày đầu xuân mới.

 

02220002
Núi Đuổm (Đỗ Tuấn)

Đền Đuổm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia năm 1993. Hằng năm, được sự quan tâm của các khoa học, du khách, các nhà hảo tâm nên nhiều hạng mục trong Quần thể di tích đã được tu bổ, tôn tạo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cho nhân dân.

 

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Minh