Phát triển du lịch thông minh – Một xu thế tất yếu
- Chủ nhật - 16/06/2019 23:30
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong những năm gần đây, công nghệ thông tin phát triển một cách đáng kinh ngạc, du khách có thể tìm kiếm nhiều thông tin hấp dẫn về điểm đến chỉ trong vài thao tác nhấp chuột trên máy tính. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành chọn lựa mạng xã hội Facebook, Instagram... như một công cụ hữu hiệu để kết nối với du khách, gấp rút xây dựng các ứng dụng di động.
Trước đây, nếu doanh nghiệp muốn chào bán một tour du lịch hay muốn quảng bá hình ảnh điểm đến thì chủ yếu chọn giải pháp phát tờ rơi, tổ chức các hội thảo, chương trình giới thiệu... Hiện nay, nhờ ứng dụng Internet, những hình ảnh danh lam thắng cảnh tiếp cận khách hàng dễ dàng, tiện lợi, lại tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Mọi vấn đề du khách phản ánh sẽ được nhân viên chăm sóc khách hàng xử lý trực tuyến, tiết kiệm thời gian. Hơn nữa, rất nhiều địa điểm ăn và chơi "ngon, bổ, rẻ" cũng được các trang Facebook tổng hợp để thôi thúc du khách sớm đưa ra quyết định đặt tour.
Du lịch tự túc có xu hướng ngày càng gia tăng. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, du khách có thể tiếp cận nhiều thông tin về điểm đến. Chính vì vậy, việc tạo ra những ứng dụng để phục vụ nhu cầu của khách là điều không thể thiếu đối với các nhà cung cấp dịch vụ, quản lý điểm đến du lịch.
“Bản đồ du lịch điện tử” có nhiều tính năng hữu dụng và hiện đại như: Bản đồ Hệ thống điểm du lịch, Hệ thống thông tin, ứng dụng trên điện thoại thông minh thay hướng dẫn viên chỉ dẫn, thuyết minh khi người dùng di chuyển trong điểm du lịch bằng nhiều ngôn ngữ.
Qua đó, du khách sẽ được hỗ trợ trong trải nghiệm hành trình du lịch; tra cứu bản đồ tương tác với thông tin chính xác về các địa điểm du lịch; tìm kiếm thông tin dịch vụ khách sạn, nhà hàng dễ dàng, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho du khách. Du lịch thông minh sẽ là “cánh tay nối dài” giúp doanh nghiệp du lịch vượt qua giới hạn về không gian, thời gian khi quảng bá sản phẩm, tạo liên kết chuỗi, phát triển các dịch vụ du lịch hoàn chỉnh, mở rộng cơ hội kinh doanh.
Tại Hà Nội, việc phát triển du lịch thông minh đã được quan tâm và thể hiện rất rõ khi Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đưa vào khai thác hệ thống thuyết minh tự động về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Chỉ với 30.000 đồng một lần sử dụng, du khách có thể trải nghiệm hệ thống thuyết minh tự động 14 điểm trong di tích bao gồm 8 thứ tiếng gồm: tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam do chính người bản địa đọc. Nội dung thuyết minh được biên soạn cẩn thận về các câu chuyện lịch sử, câu chuyện di sản giúp khách tham quan dễ dàng hình dung quá trình hình thành và phát triển các giá trị của di sản. Những thông tin này được các chuyên gia văn hóa thẩm định kỹ trước khi triển khai.
Cùng với đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội đưa vào hoạt động phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng thành Thăng Long. Chỉ cần một điện thoại thông minh, khách tham quan có thể tải phầm mềm và thỏa sức khám phá Hoàng thành và có thể tìm kiếm những quán ăn, quán cà phê đẹp, giá cả phải chăng gần khu di sản.
Đà Nẵng cũng là địa phương đi đầu trong phát triển mô hình du lịch thông minh. Ngoài việc thường xuyên sử dụng các phương pháp marketing điện tử để quảng bá du lịch, Đà Nẵng đã xây dựng các hệ thống phần mềm, tiện ích hỗ trợ du khách như “Da Nang Tourism," “in Da Nang,” “ Go! Đà Nẵng,” “Da Nang Bus.”
Đặc biệt, Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng ứng dụng chatbot “Da Nang Fantasticity." Đây là công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á (cùng với Singapore).
Việc xác định rõ mô hình và triển khai thí điểm sẽ giúp trung ương và địa phương tập trung nguồn lực cho phát triển du lịch thông minh, tránh thực hiện dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu hiệu quả và gây lãng phí nguồn lực.
Phát triển du lịch thông minh là xu hướng tất yếu của tương lai, sẽ tạo ra một diện mạo mới cho ngành du lịch của Việt Nam và du lịch thế giới. Do đó, toàn ngành du lịch cũng như các địa phương dù đã nỗ lực nhưng vẫn cần nhiều giải pháp đồng bộ để sẵn sàng tiếp cận, thích ứng với du lịch thông minh trong tương lai./.
Tác giả: Đức Khang