Xử lý cấp bách đập chính hồ Núi Cốc: Cần đảm bảo an toàn cho vùng hạ du
- Thứ hai - 12/06/2017 05:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dự án xử lý cấp bách đập chính hồ Núi Cốc (gọi tắt là Dự án) do Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi tỉnh làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi là Tổng Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam. Mục tiêu của Dự án nhằm khôi phục, đảm bảo an toàn cho toàn bộ công trình thủy lợi hồ Núi Cốc và nhân dân vùng hạ du; đồng thời đảm bảo phát triển đa mục tiêu, đáp ứng nhu cầu dùng nước sản xuất, sinh hoạt kết hợp nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch. Với tổng mức đầu tư Dự án dự kiến trên 76 tỷ đồng, chủ đầu tư sẽ thực hiện các nội dung chính như: khoan phụt tạo màng chống thấm toàn bộ thân đập, làm lại hệ thông tiêu thoát nước thân đập, sửa chữa hệ thống tiêu thoát nước mặt mái hạ lưu đập, sửa chữa mái hạ lưu những vị trí bị hư hỏng, khôi phục thiết bị quan trắc thấm và bổ sung thiết bị đo mưa...
Tại Hội nghị, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thủy lợi và các đại biểu đã tập trung thảo luận, đưa ra các ý kiến: Phương án xử lý mà đơn vị tư vấn đưa ra đã tối ưu chưa và có đảm bảo an toàn tuyệt đối hay không; việc khoan phụt tạo màng chống thấm toàn bộ thân đập chưa đề cập rõ hình thức, vị trí khoan phụt; trong trường hợp cần thiết, cần đưa ra phương án phá 1 trong 7 đập phụ để giữ đập chính; cần có phương án phòng chống lũ lụt, di dân, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du... Do đây là Dự án cấp bách nên chủ đầu tư đề nghị UBND tỉnh phê duyệt cơ chế đặc thù; kế hoạch triển khai dự kiến vừa thiết kế, vừa thi công khoan phụt hoàn thành trước ngày 20-7-2017; các công việc còn lại thực hiện sau khi kết thúc mùa mưa bão năm 2017, dự kiến thời gian hoàn thành là 120 ngày.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Đoàn Văn Tuấn yêu cầu các đơn vị chức năng cần ưu tiên xử lý ngay đống đá tiêu nước sau thân đập, bóc tấm bê tông ở mái hạ lưu đập và thực hiện khoan phụt thân đập theo phương án của đơn vị tư vấn đưa ra. Đối với Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi tỉnh cần xây dựng phương án, bổ sung các giải pháp đảm bảo an toàn vùng hạ du trong quá trình sửa chữa thân đập chính. Đối với đơn vị tư vấn cần tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu để bổ sung vào các giải pháp cụ thể và hoàn thiện hồ sơ. Đồng chí cũng giao Sở Nông nghiệp - PTNT tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Hội đồng tư vấn để thẩm định, xem xét các giải pháp thực hiện Dự án; Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính thẩm định quy trình và cân đối nguồn vốn để thực hiện ngay; đồng thời, tham mưu văn bản để UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp - PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư để bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ sửa chữa cho tỉnh.