CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Võ Nhai – Tiềm năng du lịch cần được đầu tư, khai thác

Võ Nhai – Tiềm năng du lịch cần được đầu tư, khai thác
Nhắc đến Võ Nhai là chúng ta nhớ đến một vùng đất không chỉ giàu truyền thống cách mạng mà còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Vùng đất này cũng nhận được sự ưu đãi lớn của thiên nhiên với nhiều dãy núi đá vôi tạo nên những thắng cảnh nổi tiếng.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 15/82 điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh, như: Hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, hang Sa Khao (xã Phú Thượng); Khu khảo cổ họcThần sa (xã Thần Sa); rừng Khuôn Mánh, hang Huyện (xã Tràng Xá); khu di tích nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc vào tháng 10-1947 tại xóm Vang (xã Liên Minh)...

Đến với Võ Nhai, du khách có thể tìm về với cội nguồn của loài người với Khu di tích khảo cổ học Thần Sa, nằm trên địa bàn xã Thần Sa, huyện Võ Nhai cách thành phố Thái Nguyên khoảng 40 km. Nơi đây những di chỉ khảo cổ đồ đá về con người sống cách chúng ta chừng 2 - 3 vạn năm được phát hiện ở hang Phiêng Tung (hang Miệng Hổ), Ngườm thuộc vùng Thần Sa chứng minh rằng tại đây đã tồn tại một nền văn hoá cổ gọi là văn hoá Thần Sa. Đây là nền văn hoá cổ nhất được biết đến cho tới nay ở Việt Nam và cả vùng lục địa Đông Nam Á. Đến đây, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến các di chỉ, hố khai quật trong hang, leo núi, trải nghiệm về cuộc sống hoang dã, cảm nhận về môi trường, khí hậu trong lành giữa không gian thiên nhiên của núi đá cao vút tầm mắt, vừa thâm cung, vừa kỳ bí của xứ sở người Thượng cổ Thần Sa. Khu di tích đã được Nhà nước xếp hạng quốc gia năm 1982 và  được Bộ Văn hoá Thông tin đưa vào mục di tích đặc biệt của quốc gia.

13220674 991126837668186 6310776105696415428 o
Ảnh: Nam Đan

Dời Thần Sa đến với mảnh đất Tràng Xá của huyện Võ Nhai. Tại đây có những di tích và danh thắng rất nổi tiếng như di tích Rừng Khuôn Mánh hay hang Huyện. Tuy nhiên sự khai thác và phát huy những di tích và danh thắng này còn gặp những khó khăn nhất định.

Hang Huyện thuộc thôn Làng Tràng, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai cách thành phố Thái Nguyên gần 50km. Đây là hang động tự nhiên có chiều dài hàng km xuyên núi đá vôi, cửa hang có độ cao chừng 30m so với mặt bằng cánh đồng chân núi, giữa một vùng cây lá rậm rạp, xanh tươi, phía trước là một dãy núi cao, chân núi là một cánh đồng bằng phẳng màu mỡ rộng hàng trăm ha trải dài theo dòng suối.

Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, hang Huyện là cơ sở hoạt động bí mật của Đảng ở Tràng Xá, nơi đoàn thể của Việt Minh tổ chức hội họp, địa bàn qua lại và cất giấu lương thực của Cứu quốc quân II (thành lập ngày 15 - 9 - 1941).

Thời kì đế quốc Mỹ leo thang, mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, để đảm bảo an toàn cho sản xuất, Tổng đội 28 Gang Thép Thái Nguyên đã xây dựng, cải tạo mặt bằng trong hang để chứa nguyên liệu sản xuất, chế tạo đường goòng, sản xuất vũ khí để cung cấp cho chiến trường miền Nam.

13147566 461261350732000 4145691781693036373 o
Du khách khám phá hang Huyện. Ảnh: Nam Đan

Có thể nói, hang  Huyện rất đẹp và có tiềm năng để phát triển du lịch nhưng cần có sự đầu tư và quảng bá giới thiệu.Qua khảo sát, chúng tôi thấy đường vào và vị trí của hang Huyện không có biển chỉ dẫn, rất khó để nhận biết. Quãng đường đi bộ để vào hang khá khó khăn, có những đoạn phải lội qua suối, hệ thống đường mòn đến hang ít người qua lại nên cây cối rậm rạp.Đây cũng là trở ngại với du khách khi đến đây đặc biệt là khách đoàn.

Còn di tích Rừng Khuôn Mánh cũng thuộc xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai (cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 45Km). Đây là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Rừng Khuôn Mánh từng là nơi hoạt động của cán bộ cách mạng và du kích trong thời kỳ kháng chiến. Ngày 15-9-1941, tại đây đã diễn ra Lễ thành lập Đội Cứu Quốc quân II, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Khu di tích lịch sử Trung đội Cứu quốc quân II có tổng diện tích 21ha và đã được Nhà nước đầu tư xây dựng, tôn tạo một số hạng mục công trình như: Tượng đài, nhà bia ghi danh các chiến sĩ, bia ghi lịch sử di tích, chòi nghỉ chân, 136 bậc lên xuống, nhà chờ…

IMG 5098
Du khách thắp hương tại rừng Khuôn Mánh. Ảnh: Nam Đan

Nói chung hệ thống giao thông đến điểm di tích này khá thuận lợi. Tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn do chưa liên kết được với các tuyến điểm du lịch khác, nhiều người chưa biết đến ý nghĩa lịch sử của di tích.

Ngay cả  điểm du lịch rất nổi tiếng của huyện Võ Nhai nói riêng và của tỉnh Thái Nguyên nói chung đó là hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà cũng mới được đầu tư từ doanh nghiệp. Một điểm du lịch rất tiềm năng và khá hấp dẫn nằm bên quốc lộ 1B (Thái Nguyên – Lạng Sơn) thuộc xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 45km. Nơi đây đã được Nhà nước xếp hạng di tích thắng cảnh cấp Quốc gia. 

Từ chân núi Phượng Hoàng để dến được hang Phượng Hoàng, du khách phải leo khoảng 700 – 800m, khoảng hơn nửa giờ đồng hồ, trên những bậc đá. Hang ở trên đỉnh ăn sâu xuống lòng núi. Hang Phượng Hoàng gồm 3 tầng: Tầng thượng là hang Dơi, tầng giữa là hang Sáng, với 3 cửa từ các phía, ánh sáng mặt trời rọi xuống lòng hang. Tầng cuối là hang Tối vì ánh sáng mặt trời không thể lọt xuống hang này. Trong hang có nước (nước không sâu nhưng trong suốt), khối đá, nhũ đá mang nhiều dáng vẻ kỳ thú gắn với nhiều truyền thuyết thỏa sức cho du khách tưởng tượng.

Dưới chân núi Phượng Hoàng là suối Mỏ Gà. Cửa hang suối Mỏ Gà rộng chừng 10m, cao từ 2 – 7m, trong lòng hang có rất nhiều nhũ đá đẹp. Cũng chưa biết suối dài bao hiêu mét, chỉ biết rằng càng vào sâu càng tối và vụng nước càng sâu. Phía ngoài cửa hang có rất nhiều thác nước nhỏ. 

Hiện tại, Khu du lịch hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà đã và đang được đầu tư có quy mô và bài bản bởi Công ty TNHH Một thành viên Hanh Hạnh với mức đầu tư khoảng 40 tỷ đồng gồm các dịch vụ như: Nhà hàng, khu bể bơi, khu dịch vụ câu cá, nhà nghỉ lưu trú, dịch vụ massage vật lý trị liệu, khu karaoke, hội trường tổ chức sự kiện, khu bán hàng lưu niệm, sân tennis…dù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nhưng mùa hè năm 2019, ngày cao điểm Khu du lịch phục vụ tới 5000 lượt khách/ngày. Qua đó thấy rằng, một điểm du lịch nào đó nếu không được quan tâm, đầu tư thì mãi vẫn chỉ ở dạng tiềm năng mà thôi. Nhưng chỉ cần có sự đầu tư nhất định thì sẽ tạo nên một diện mạo mới thu hút du khách.

Cổng vào Khu du lịch Hang Phượng Hoàng. Ảnh: Nam Đan

Cùng với luồng gió mới đầu tư vào hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với UBND huyện Võ Nhai tổ chức khởi công xây dựng công trình Bảo tồn bản truyền thống dân tộc Tày, xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai.

Dự án có tổng mức đầu tư trên 8,6 tỷ đồng, gồm các nội dung như: Xây dựng Nhà văn hóa 2 tầng; tôn tạo, tu bổ đình Mỏ Gà; tu bổ, tôn tạo nhà ở truyền thống dân tộc Tày của 4 hộ gia đình ở xóm Mỏ Gà kết hợp phát triển du lịch; phục dựng 3 cọn nước và một số công trình phụ trợ khác.Dự án nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị không gian văn hóa dân tộc Tày gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng. Đồng thời kết nối với một số điểm đến tại Võ Nhai đến tạo sự đa dạng và níu chân du khách.

Có thể khẳng định tiềm năng du lịch ở Võ Nhai là rất lớn, song nó lại chưa được khai thác một cách hiệu quả, khách du lịch đến với huyện thường là khách lẻ, khách đoàn chưa nhiều, khách lưu trú không lâu và hầu như rất ít. Điều này phản ánh các sản phẩm du lịch cũng như các dịch đáp ứng nhu cầu của du khách là chưa cao. Để huyện khai thác được thế mạnh phát triển du lịch của mình đòi hỏi các cấp, ngành của tỉnh cần có sự quan tâm, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông tại một số tuyến, điểm du lịch; quy hoạch, đầu tư, tôn tạo một số hạng mục và công trình phụ trợ tại các di tích, thắng cảnh; cũng  như phát triển một số loại hình dịch vụ đi kèm nhằm đáp ứng nhu cầu du khách. Đặc biệt cần thu hút được sự đầu tư của các doanh nghiệp  lớn trong lĩnh vực du lịch trên cả nước để tạo sự chuyên nghiệp và hấp dẫn du khách. 

Hy vọng trong một tương lai không xa, tiềm năng du lịch của Võ Nhai sẽ được khơi dậy và khai thác góp phần phong phú và đa dạng các điểm đến tại Thái Nguyên, phấn đấu để Võ Nhai trở thành một huyện trọng điểm trong phát triển du lịch của tỉnh./.

Tác giả: Quang Minh