CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Trải nghiệm qua vùng chè

Trải nghiệm qua vùng chè
Đến Thái Nguyên, nhiều du khách trong nước, quốc tế đã dành thời gian để đến với nông dân tại các vùng chè. Bởi ở đó, du khách được thả mình vào một không gian thiên nhiên tươi đẹp; được trải nghiệm cuộc sống với người nông dân. Và ở đó, du khách có một khoảng thời gian rất riêng, chỉ dành cho mình.

 

trainghiemche1 jpg123

Hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm/năm tại vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên), Ảnh: Phạm Ngọc Chuẩn

Chị Nguyễn Thị Phượng, hướng dẫn viên Công ty TNHH Du lịch và Dịch vụ Á Đông cho biết: Nhiều du khách sau khi hoàn thành tuor trải nghiệm ở một vùng chè nào đó trên đất Thái Nguyên, họ phấn chấn, bảo: Khỏe vì được hít thở không khí trong lành. Vui vì được cùng nông dân hái chè, sao chè, uống chè và ăn một số món có ướp tẩm hương vị chè. Nhiều du khách đã mang phần chè do chính tay mình thu hái, chế biến mang về làm quà cho người thân, bè bạn.

Các vùng chè của Thái Nguyên được nhiều du khách lựa chọn, tìm đến là: Vùng chè Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương); Minh Lập (Đồng Hỷ); La Bằng (Đại Từ)…, nhưng chiếm số nhiều là vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên). Nhất là từ sau Festival Trà Thái Nguyên Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2011, các vùng chè của Thái Nguyên được “hâm nóng”, trở thành “món khoái khẩu” mời gọi du khách đến chiêm ngưỡng, khám phá, thưởng ẩm. Lần đầu đến, tất cả họ đều ngạc nhiên, lạ lẫm tìm hỏi địa chỉ những người có đôi bàn tay Vàng, đã được cơ quan chức năng Nhà nước cấp chứng chỉ.

Một lần về vùng chè Vô Tranh, ông Trần Văn Tiến, du khách đến từ T.P Hồ Chí Minh cứ nắm chặt đôi tay của các chị Tống Thị Hương, Vi Thị Thủy và Bùi Thị Mai, bảo: Bàn tay Vàng là đây, cũng bằng xương, bằng thịt như chúng tôi. Nhưng hơn chúng tôi là bàn tay này làm ra được thứ sản vật nức tiếng cả nước, xứng đáng là bàn tay Vàng. Ông Bùi Văn Hùng, Trưởng Làng nghề chè xóm Liên Hồng 8, cho biết: Các chị Hương, Thủy, Mai được bà con Làng nghề chè Liên Hồng 8 cử đi dự hội thi tại Festival Trà Thái Nguyên Việt Nam năm 2013, các chị giành được Cup Vàng về Văn hóa trà.

Về thăm các vùng chè, nhiều nông dân hồn nhiên trò chuyện như bao hướng dẫn viên du lịch: Bà con kể cho du khách nghe về lịch sử của cây chè trên vùng đất họ đang sinh sống. Nghe mà thấu được về những thăng trầm dâu bể đời người, đời chè. Vậy nên lúc bưng chén trà ngang miệng, khách chưa vội uống, mà thưởng hương bằng mũi, rồi mới nhấp nháp ngẫm nghĩ cái vị ngọt hậu đọng ở bờ môi. Ông Hoàng Văn Tuấn, Du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Tôi đã nhiều lần đưa bạn bè về Thái Nguyên tham quan, nhưng thật ý nghĩa khi có những ngày về vùng chè trải nghiệm. Vì thế tôi hiểu rất rõ công việc của người làm chè. Thế hệ sau theo thế hệ trước cần mẫn nhào luyện những tươi xanh búp chè trên lửa,làm từng ngọn, búp của cây chè trở nên tinh tuý. Và ở vùng chè, cha truyền, con nối, vừa làm, vừa đúc kết, sáng tạo để hiến dâng cho cuộc đời thêm nhiều mẫu sản phẩm chè mới.

 

 

trainghiemche2 jpg123

Du khách tìm hiểu về quy trình chế biến chè tại gia đình bàNgô Thị Vân, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên), Ảnh: Phạm Ngọc Chuẩn

 

Đang những ngày Đông, trời lạnh, nhưng trên vùng đất Tân Cương chè vẫn nảy búp xanh. Nếu ái đó thả sức leo lên một đỉnh đồi cao, sẽ nhìn thấy rộng khắp một vùng đất “sơn thủy hữu tình”, nghe câu ca nàng Công, chàng Cốc, lòng chợt hào sảng, mãn nhãn vì thấy ngay trước mắt mình một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp. Bức tranh ấy được nông dân vùng chè khảm khắc từ nhiều đời nay. Đó là từng nương chè xanh vồng lên căng tràn sức sống; từng vệt đường như vết cắt đều nét chia đồi chè thành lô, thành lõng. Giữa bạt ngàn đồi chè nối nhau chạy tít tắp, chợt một hồ nước phẳng như gương, và nhàn tản dòng nước sông Công xuôi chảy. Rồi như một bất ngờ bởi những vòi rồng quay tít, phun mưa.

Ông Lê Quang Nghìn, xóm Hồng Thái 2, một trong những hộ nông dân tham gia làm du lịch trải nghiệm tại vùng chè Tân Cương cho biết: Để làm được chè vụ Đông, đồng thời có nương chè đẹp phục vụ du khách, nông dân chúng tôi chủ động lắp đặt hệ thống tưới chè. Vì phải bảo đảm đủ độ ẩm, cây chè mới cho búp. 

Được biết, gia đình ông Nghìn có 8.000m2 đất chè, mỗi năm ông Nghìn thu hoạch được 1.200 kg chè búp khô, với các mẫu sản phẩm chính, gồm: Chè móc câu truyền thống, chè đinh và chè tôm nõn. Chè móc câu có giá bán 350.000 đồng/kg; chè tôm nõn có giá bán 550.000 đồng/kg; chè đinh có giá bán 2,8 triệu đồng/kg. Vì có đồi chè đẹp, thuận đường, nên từ năm 2011 đến nay, đồi chè của gia đình ông Nghìn trở thành một điểm đến tham quan hấp dẫn.

Ông Nghìn cho biết thêm: Khoảng gần 1.000 lượt du khách đến thăm đồi chè của gia đình tôi/năm, trong đó có nhiều du khách là người nước ngoài. Hiện gia đình tôi chưa thu được lợi nhuận từ du lịch. Nhưng qua du lịch, gia đình tôi quảng bá được sản phẩm chè đến với người tiêu dùng trong nước, quốc tế.

IMG 2314 sua

Thu hoạch chè , Ảnh: Đồng Đăng

Cùng ở xóm Hồng Thái 2, bà Ngô Thị Vân, hộ tham gia làm du lịch trải nghiệm cho biết: Tôi là thế hệ thứ 2 trong gia đình làm nghề trồng chè, chế biến chè. Việc tham gia làm du lịch, cũng để góp sức quảng bá thương hiệu chè Thái Nguyên. Nhớ lại ít năm trước, khi thấy từng nhóm du khách trong nước, quốc tế về tham quan, trải nghiệm, tôi cũng như nhiều bà con vùng ngạc nhiên, tự hỏi: Sao họ không đến những địa điểm vui chơi, giải trí trong thành phố?... Sau đó mới biết: Du khách hầu hết là người ở phố, họ sống trong những ngôi nhà cao tầng, nên chán ngán cảnh mở mắt, nhắm mắt đều thấy bê tông. Nên có dịp nghỉ ngơi, họ tìm về các vùng sơn dã để xả stres, để có được một khoảng thời gian nghỉ dưỡng tâm hồn.

Có một lý thú là hầu hết các vùng chè của Thái nguyên đều gắn liền với di tích lịch sử văn hoá, như: Vùng chè Tân Cương, gắn với sự kiện năm xưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đưa quân từ Tân Trào (Sơn Dương - Tuyên Quang) sang Thái Nguyên đã dừng chân nghỉ lại, lên kế hoạch giải phóng T.X Thái Nguyên; vùng chè La Bằng, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Thái Nguyên; vùng chè Vô Tranh có dấu tích địa điểm an táng nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến…

Và từ các vùng chè, du khách có thể đến với các điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng như Hồ Núi Cốc (Đại Từ); hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà (Võ Nhai); hồ Ghềnh Chè (T.P Sông Công)… hoặc ở ngay vùng chè Tân Cương, đến Không gian Văn hoá trà, du khách được thưởng trà và tìm hiểu, nghiên cứu về các loại trà trên khắp thế giới, được ngắm nhìn những bộ ấm chén pha trà cổ có niên đại hàng trăm năm. Để khi ngồi lại với nhau bên bàn trà, thưởng trà, thấy cuộc sống đáng yêu biết nhường nào.

Phạm Ngọc Chuẩn