CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Thực hiện nhiệm vụ theo dõi bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch và nâng xếp hạng nhóm chỉ số Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch

Ngày 18/4/2019 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 1427/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ theo dõi Bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch và nâng xếp hạng chỉ số Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch

 

1
Du khách tham quan tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc. (Ảnh: Ngọc Linh)

 

Trong đó, nhiệm vụ tập trung vào hai nhóm chính đó là các nhiệm vụ về theo dõi bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh và các nhiệm vụ về nâng cao xếp hạng nhóm chỉ số Đ1 về mực độ ưu tiên cho ngành du lịch, cụ thể như sau:

-Nhiệm vụ thứ nhất là theo dõi bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), nhiệm vụ này yêu cầu:

+ Một là cần phải tổ chức theo dõi, phân tích các chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch theo công bố định kỳ của Diễn đàn kinh tế thế giới để đề xuất, kiến nghị với Chính phủ về các chỉ tiêu cần nâng xếp hạng và mục tiêu, giải pháp thực hiện.

+ Hai là tiến hành đánh giá, tự đánh giá giữa hai kỳ công bố của Diễn đàn kinh tế thế giới đề xuất Chính phủ các hướng giải pháp khắc phục sớm trên cơ sở tập hợp thông tin, số liệu, tài liệu của các bộ, ngành, địa phương.

+ Ba là phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương từng bước nâng xếp hạng 14 nhóm chỉ số thuộc Bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch. Trong đó, tập trung vào các nhóm chỉ số “Sự bền vững về môi trường”, “Hạ tầng dịch vụ du lịch”, “Mức độ sẵn sàng công nghệ thông tin”, “Mức độ cởi mở quốc tế”, “Hạ tầng mặt đất và cảng”, “Vệ sinh và y tế”.

-Nhiệm vụ thứ hai là tập trung nâng xếp hạng nhóm chỉ số Đ1 về Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch, nhiệm vụ này yêu cầu:

+ Một là kết nối với các tổ chức quốc tế, chuyên gia quốc tế để phối hợp, tạo lập kênh thông tin, khớp nối hiệu quả về thông tin, dữ liệu; tìm hiểu nội hàm các chỉ số thành phần, cách thức đánh giá, tiêu chí và nội dung đánh giá theo WEF.

+ Hai là xây dựng tài liệu hướng dẫn về bộ chỉ số, các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần cùng mục tiêu và các mẫu biểu thu thập thông tin để thống nhất cách hiểu và triển khai thu thập số liệu định kỳ.

+ Ba là về nâng xếp hạng chỉ số thành phần “Ưu tiên của Chính phủ đối với ngành du lịch”: Các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển du lịch.

+ Bốn là về nâng xếp hạng chỉ số thành phần “Ngân sách Chính phủ cho ngành du lịch”.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương tăng cường và sử dụng hiệu quả các nguồn ngân sách nhà nước cho hoạt động du lịch; các ngành, lĩnh vực huy động các nguồn ngân sách để gián tiếp tăng cường năng lực cho các dịch vụ du lịch và liên quan.

Đề nghị các địa phương nghiên cứu, xem xét nâng mức ngân sách địa phương cho hoạt động du lịch và xúc tiến quảng bá du lịch tương ứng với mức tăng trưởng khách du lịch.

+ Năm là về nâng xếp hạng chỉ số thành phần “Hiệu quả quảng bá và xây dựng thương hiệu để thu hút khách du lịch”

Tăng cường đầu tư ngân sách Nhà nước cho phát triển thương hiệu du lịch gồm: Nâng cao năng lực, phát triển và duy trì các hoạt động liên quan theo định hướng các giá trị thương hiệu du lịch.

Tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương, tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực của các hiệp hội và doanh nghiệp, cộng đồng tham gia tích cực trong công tác xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu để thu hút khách du lịch.

Nghiên cứu, thành lập hệ thống chuyên trách quản trị thương hiệu du lịch Việt Nam đảm bảo năng lực thực hiện từ Trung ương đến địa phương và huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển và xúc tiến quảng bá thương hiệu du lịch.

+ Sáu là về nâng xếp hạng chỉ số thành phần “Mức độ chi tiết của số liệu hàng năm về du lịch”

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nghiên cứu và công bố số liệu hàng năm về du lịch theo phương pháp tính toán Tài khoản vệ tinh du lịch do Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) hướng dẫn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tổng hợp số liệu, thông tin kịp thời và đều đặn cập nhật số liệu hàng năm.

+ Bảy là  về duy trì xếp hạng chỉ số thành phần “tính liên tục trong cung cấp số liệu tháng, quý về du lịch”

Tiếp tục duy trì, phối hợp hiệu quả giữa Tổng cục Thống kê và Tổng cục Du lịch trong việc cung cấp số liệu khách du lịch theo tháng, quý. Liên tục hoàn thiện hệ thống thống kê tại các địa phương.

+ Tám là về nâng xếp hạng chỉ số thành phần “Xếp hạng về chiến lược thương hiệu quốc gia về du lịch”.

Nghiên cứu, theo dõi, đánh giá nhu cầu thị trường; tập trung các hoạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông thương hiệu theo chiến dịch phù hợp nhu cầu thị trường.

Quảng bá, tuyên truyền nâng cao nhận thức về thương hiệu du lịch đối với cộng đồng xã hội để tạo sự ủng hộ và tham gia quảng bá cho thương hiệu.

Tăng cường liên kết công - tư, huy động kinh phí, tập trung nguồn lực cho hoạt động quảng bá điểm đến, phát triển thương hiệu điểm đến du lịch

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện những nhiệm vụ và nội dung công tác thuộc lĩnh vực được giao, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng.

Tổng cục Du lịch làm đầu mối theo dõi việc cải thiện bộ chỉ số về năng lực cạnh tranh ngành du lịch, chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch để triển khai các nhiệm vụ cải thiện xếp hạng cạnh tranh du lịch.

Tổng cục Du lịch cũng thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch này. Xây dựng báo cáo quý và báo cáo năm gửi Văn phòng Bộ để tổng hợp chung tình hình thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, nếu cần sửa đổi, bổ sung những nhiệm vụ cụ thể, Thủ trưởng các đơn vị báo cáo Bộ trưởng (qua Tổng cục Du lịch tổng hợp) xem xét, quyết định./.

Bài viết: Tiến Thành