CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển ngành kinh tế mũi nhọn”

Ngày 10/6/2019 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển ngành kinh tế mũi nhọn” kèm theo Quyết định số 2031/QĐ-BVHTTDL, ngày 10/6/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển ngành kinh tế mũi nhọn”.

 

          Mục tiêu của kế hoạch là thực hiện hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành du lịch để từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo thực hiện mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển trong khu vực.

          Trong kế hoạch nêu rõ năm nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất là xây dựng hệ thống thông tin thị trường du lịch cần: Triển khai thực hiện Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Ứng dụng tổng thể công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch để hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin du lịch; kiểm kê, đánh giá hiện trạng quản lý hệ thống thông tin thị trường du lịch để xây dựng khung thông tin thị trường du lịch; Xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam, từng bước hoàn thiện, cập nhật hệ thống thông tin thị trường du lịch; tổ chức đánh giá thường xuyên các thị trường du lịch trọng điểm để đánh giá hiệu quả sử dụng hệ thống thông tin thị trường du lịch.

          Thứ hai là xây dựng quy chế điều phối hoạt động du lịch theo vùng và mô hình quản lý khu du lịch quốc gia nhiệm vụ này yêu cầu: Nghiên cứu, đề xuất quy chế điều phối hoạt động du lịch theo vùng phù hợp điều kiện kinh tế phát triển các cụm, vùng du lịch và phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050; nghiên cứu, đề xuất đề án về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia phù hợp với tình hình thực tế địa phương; hướng dẫn các địa phương triển khai mô hình quản lý khu du lịch quốc gia sau khi được phê duyệt.

          Thứ ba là phát triển đội ngũ giảng viên, đào tạo trong lĩnh vực du lịch nên: Rà soát, đánh giá tình hình chất lượng và số lượng giảng viên, đào tạo viên trong lĩnh vực du lịch; tổ chức công tác đào tạo tăng cường năng lực cho đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo về du lịch; củng cố, mở rộng đội ngũ đào tạo viên, đánh giá viên hiện có. Tạo lập môi trường thông qua các diễn đàn, kết nối, tổ chức đào tạo cho đào tạo viên, đánh giá viên về du lịch trong cả nước.

          Thứ tư là hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng cần: xây dựng chương trình tổng thể về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; tổ chức các hoạt động đào tạo kỹ năng hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại một số điểm mẫu và tiến hành mở rộng; tiêu chuẩn hóa và hướng dẫn cộng đồng đầu tư, kinh doanh các dịch vụ du lịch theo tiêu chuẩn; tổ chức xúc tiến quảng bá sản phầm du lịch cộng đồng trong các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; tổ chức kết nối doanh nghiệp với cộng đồng qua các hình thức khảo sát, tọa đàm, các hoạt động liên kết các đối tác.

          Thứ năm là nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách cần điều chỉnh, bổ sung trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.

          Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện những nhiệm vụ và nội dung công tác thuộc lĩnh vực được giao bám sát Quyết định số 1685/QĐ-TTg và tại kế hoạch này, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng. Tổng cục Du lịch tham mưu lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo việc kiểm tra theo dõi, đôn đốc các đơn vị tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao; tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu./.