CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Thuận lợi hóa visa để tăng động lực phát triển du lịch

Thuận lợi hóa visa để tăng động lực phát triển du lịch
NDĐT – Sự khởi sắc của dòng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam từ giữa năm 2015 đến nay là kết quả đáng ghi nhận từ những nỗ lực toàn diện của bản thân ngành du lịch và các cơ quan chức năng liên quan, trong đó có việc từng bước nới lỏng kiểm soát visa, tăng kết nối hàng không, mở rộng và thuận lợi hóa cánh cổng cho du khách.
 

 

Visa/thị thực nhập - xuất cảnh là giấy phép ra vào một nước có chủ quyền và thể hiện mối quan hệ tin cậy, cởi mở trong quan hệ đối ngoại quốc gia nói chung, trong du lịch quốc tế nói riêng. Có nhiều loại hình và cấp độ tạo thuận lợi visa cho du khách, từ cấp visa theo thời gian ngắn, từng lượt hoặc được gia hạn nhiều lần tại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao, hay tại cửa sân bay, đến cấp vissa du lịch kèm cấp quyền lao động, cấp visa chung theo nhóm nước, thậm chí miễn visa hoàn toàn và đơn phương trong thời hạn quy định hoặc vô thời hạn.

Visa là cánh cổng của ngành du lịch quốc gia. Thuận lợi hóa visa là đồng nghĩa với việc mở cổng rộng hơn và tạo động lực, điều kiện thuận lợi hơn đón dòng du khách quốc tế. Đơn giản hóa chính sách, phí thị thực và miễn thị thực tạo thuận lợi cho du lịch được xem như là biện pháp quan trọng, không chỉ tăng số lượng khách du lịch, mà còn thúc đẩy thương mại, trao đổi văn hóa và đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư trực tiếp và các dòng khách du lịch quốc tế để tăng thu nhập ngoại tệ, tạo công ăn việc làm…

Miễn thị thực nguồn du lịch tiềm năng (Ảnh: Đức Khang)

 

Thế giới đang chứng kiến cuộc đua ngày càng sôi nổi về miễn thị thực cho công dân đến từ các quốc gia phát triển - nguồn du lịch tiềm năng. Vào đầu năm 2008, khoảng 70% người dân toàn cầu cần thị thực khi đi du lịch. Con số này đã giảm xuống còn 64% vào năm 2010 và 60% vào năm 2013. Công dân Đức, Mỹ, Anh hiện đã được miễn tại 174 nước; Canada (173 nước); Bỉ, Pháp, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha (172 nước); Áo, Ireland (171 nước); New Zealand, Thụy Sĩ (170 nước).

Thái-lan đã miễn thị thực cho 61 quốc gia và vùng lãnh thổ, miễn thị thực đơn phương cho 49 quốc gia; Malaysia là 155 quốc gia, miễn đơn phương 82 quốc gia; Phillippines 157 và Singapore 158. Nhật Bản miễn thị thực cho khách Thái-lan, Malaysia, kéo dài thời hạn thị thực và cấp thị thực nhiều lần cho khách Campuchia, Indonesia, Philippines, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Đáng chú ý, dòng khách Việt ra nước ngoài ngày càng tăng bởi với hộ chiếu hợp pháp và còn hạn 6 tháng trong tay, công dân Việt Nam hiện được đi du lịch không cần visa/hoặc được cấp visa ngay tại cửa khẩu điểm đến 51 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, gồm 9 nước ASEAN, Kyrgyzstan, Panama, Ecuador, Saint Vincent and the Grenadines, Haiti, Turks and Caicos, Cộng hòa Dominica, Cộng hòa Kyrgyzstan, Liên bang Micronesia, Cộng hòa Maldives, Đông Timor, Nepal, Ấn Độ, Sri Lanka, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Iran, Burundi, Cape Verde, Liên bang Comoros, Djibouti, Guinea-Bissau, Nhật Bản, Kenya, Hàn Quốc, Madagascar, Mali, Marshall quần đảo, Mauritania, Palau, Papua New Guinea, Saint Lucia, Samoa, Serbia, Cộng hòa Seychelles, Somalia, Đài Loan (Trung Quốc) (công dân Việt Nam phải có visa trong thời hạn còn hiệu lực của các nước Mỹ, Canada, Anh, Nhật, Australia, New Zealand và visa Schengen châu Âu), Tanzania, Togo, Tajikistan, Zambia, Tuvalu; đặc biệt, Algeria, Afghanistan, Mông Cổ, Nicaragua, Romania, Cuba là những nước cấp thị thực cho người Việt có hộ chiếu còn hạn và không thu lệ phí.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ký hiệp định, thỏa thuận miễn visa song phương với 75 nước (trong đó 73 nước còn hiệu lực) và mới có chính sách miễn thị thực cho 22 nước, chủ yếu là cho du khách châu Á và châu Âu, bao gồm: 9 nước ASEAN, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Belarus và 4 nước Bắc Âu (Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan); miễn visa một năm cho công dân 5 nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia, từ ngày 1-7-2015 đến 1-7-2016, khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú tại Việt Nam không quá 15 ngày.

Kết quả việc mở rộng cánh cổng visa cho du lịch là khá ấn tượng, theo đó: riêng tổng lượng khách du lịch từ 5 nước nêu trên trong 9 tháng qua được miễn thị thực nhập cảnh đạt 554.242 lượt, tăng 13,91% so cùng kỳ năm 2014 và 2015. Trong ba tháng đầu năm 2016, số khách du lịch từ Anh tăng 23,2%, từ Pháp tăng 11%, từ Đức tăng 18,7%, từ Italia tăng 27,9% và từ Tây Ban Nha tăng 26,5% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sau 30-6-2016, thời điểm miễn visa hết hiệu lực thì tình hình đặt chỗ trên các chuyến bay của VNA từ ba đường bay Tây Âu về Việt Nam không cao như giai đoạn được miễn visa trước đó.

Theo Tổng cục Du lịch, với số lượng khách du lịch tăng thêm sau khi áp dụng chính sách miễn thị thực nhập cảnh, tổng thu trực tiếp tăng thêm ước tính khoảng gần 55 triệu USD, thu gián tiếp và lan tỏa từ các chuỗi cung ứng và thu nhập, chi tiêu của người dân ước tính đạt hơn 116 triệu USD. Như vậy, tổng thu tăng thêm từ số lượng khách du lịch từ 5 nước Tây Âu ước đạt hơn 171 triệu USD. Riêng Belarus, năm 2015, số lượng khách du lịch Belarus đến Việt Nam đạt gần 6.000 lượt, tăng 65% so với năm 2014, mức tăng cao nhất trong những năm vừa qua.

IMG 0090
Du khách Nhật Bản tới Thái Nguyên tham quan Bảo tảng tàng Văn hóa các Dân tộc Việt (Văn Dũng)
khach quoc te den viet nam lai tren da giam 2 1462436089572 crop 1462436103477 1462442716871
Du khách quốc tế đên Việt Nam tăng mạnh (Phúc Giang)

 

Trước đó, tính từ năm 2000 đến hết năm 2012, Việt Nam đã đón khoảng 21.506.300 khách du lịch quốc tế với tốc độ tăng trưởng 18,57%/năm. Trong đó, khách du lịch Nhật Bản và Hàn Quốc (hai nước được miễn visa) tăng rất mạnh (khách Nhật Bản tăng từ 328.470 người năm 2009 lên 557.850 lượt người năm 2012; khách Hàn Quốc cũng tăng từ 332.580 người năm 2009 lên 692.660 lượt người). Cũng năm 2012, lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực tiểu vùng Mê Kông (GMS) đã đạt gần 44 triệu lượt. Riêng Việt Nam, trong 11 tháng năm 2013, đã đón 6,85 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng trên 10% so cùng kỳ năm 2012; trong đó tính riêng lượng khách từ các nước khác trong tiểu vùng đạt khoảng 2,4 triệu lượt, chiếm 35% tổng lượng khách quốc tế vào Việt Nam.

IMG 0119
Đoàn du khách Nhật Bản trải nghiệm và tham quan tại Vùng chè đặc sản Tân Cương (Văn Dũng)
IMG 0135
Đoàn  thưởng thức Trà tại cơ sở chè Tiến Yên - Tân Cương (Văn Dũng)

Kết quả ấn tượng trên có được một phần nhờ Việt Nam tham gia quảng bá du lịch Mê Kông là “6 quốc gia – 1 dòng sông” và đơn giản hóa thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh, nâng cấp các cửa khẩu quốc gia và quốc tế, miễn visa song phương…

Năm 2014, du khách từ các nước được miễn giảm thị thực (gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Đan Mạch) đã tăng trung bình 5% hàng năm và trong quý I/2015 đã tăng 7% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, lượng khách từ Hàn Quốc tăng mạnh nhất với 13% trong năm 2014 và 31% trong quý I/2015. Lượng khách đến từ Phần Lan cũng tăng 28% trong quý I/2015.

Năm 2015, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 7943,7 nghìn lượt người, giảm 0,2% so với năm trước. Đây là năm đầu tiên ghi nhận mức giảm kể từ năm 2009, với 13 tháng liên tiếp giảm và chỉ tăng trở lại liên tục trong 6 tháng cuối năm 2015; một phần nhờ Việt Nam mở rộng diện miễn Visa cho du khách thêm 5 nước, nâng tổng số lên 22 nước được miễn visa cho du khách.

Đặc biệt, năm 2016, khách quốc tế đến nước ta có sự cải thiện tích cực, với mức tăng 11,9% trong tháng tư và tính chung bốn tháng qua tăng 17,8% so cùng kỳ năm trước; Hơn nữa, mức tăng lớn nhất ghi nhận ở các nguồn (nhất là với 22 quốc gia) mà Việt Nam có độ mở visa cao nhất (từ châu Á tăng 21,9%, từ châu Âu tăng 11,5%, từ châu Mỹ tăng 10,8% và từ châu Úc tăng 2,8%...). Thậm chí, chỉ với thủ tục làm giấy thông hành xuất cảnh qua Việt Nam rất thuận tiện, trong đợt nghỉ Tết năm 2016, lượng khách du lịch Trung Quốc xuất cảnh qua Đông Hưng, Bằng Tường, Long Bang vào Việt Nam đã tăng gấp đôi so cùng kỳ năm trước…

Về tổng thể, đồ thị khách quốc tế đến Việt Nam sau chuỗi tháng giảm kéo dài (từ tháng 5-2014 đến tháng 7-2015) đã có sự đảo chiều ngoạn mục, tăng liên tục trong nửa cuối năm 2015 và hai tháng đầu năm 2016. Du lịch Việt đang dần lấy lại phong độ và khẳng định vị thế, hiệu quả của mình trong quá trình phát triển kinh tế đất nước và địa phương. Sự khởi sắc của dòng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam từ giữa năm 2015 đến nay là kết quả đáng ghi nhận từ những nỗ lực toàn diện của bản thân ngành du lịch và các cơ quan chức năng liên quan, trong đó có việc từng bước nới lỏng kiểm soát visa, tăng kết nối hàng không, mở rộng và thuận lợi hóa cánh cổng cho du khách.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), báo cáo năm 2014 của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), Việt Nam đứng thứ 16/184 quốc gia có tiềm năng lâu dài trong phát triển du lịch. Ngành du lịch đóng góp khoảng 8-9% vào GDP năm 2014 thế giới qua hoạt động kinh doanh của các ngành khách sạn, nhà hàng, đại lý du lịch, các dịch vụ vận chuyển hành khách và công nghiệp giải trí.

Việt Nam đang là một điểm du lịch hấp dẫn, song những khó khăn trong việc cấp thị thực đang khiến nền kinh tế mất đi một lượng khách lớn cho những nước có chính sách nhập cảnh thuận lợi hơn trong khu vực như Thái-lan, Campuchia, Indonesia hay Malaysia. Thực tế cho thấy, khách châu Âu, Mỹ đến thăm Campuchia, Thái-lan và Malaysia thường cũng muốn đến Việt Nam. Tuy nhiên, họ có thể làm bỏ ý định này nếu thủ tục thị thực bất tiện hoặc phí visa của Việt Nam đắt hơn Bangkok. Nói cách khác, chi phí thời gian chờ đợi, đi lại để nhận thị thực và thông tin không rõ ràng là rào cản tâm lý rất lớn đối với khách du lịch. Các chiến dịch quảng bá du lịch dù mạnh mẽ và hấp dẫn thế nào đi nữa cũng vô nghĩa, nếu chính sách thị thực nghiêm ngặt hoặc đắt đỏ.

Việt Nam có tiềm năng đẩy mạnh số lượng khách du lịch tăng từ 8 - 18% nếu tạo thêm nhiều thuận lợi cho việc cấp thị thực. Để hiện thực hóa khả năng này, bên cạnh nỗ lực nâng cấp năng lực và chất lượng hạ tầng và dịch vụ du lịch, Việt Nam cần mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho những nước là thị trường trọng điểm có nguồn khách lớn, nhu cầu lưu trú dài, chi tiêu cao hơn; mở rộng danh sách các quốc gia được cấp thị thực tại điểm đến, đồng thời, cải tiến quy trình cấp thị thực tại cửa khẩu theo hướng dễ dàng, minh bạch, rõ ràng và nhất quán; sớm triển khai cấp thị thực điện tử (E-Visa) cho khách quốc tế; xem xét lại quy định cấm du khách được miễn thị thực quay trở lại trong vòng 30 ngày mà không có một thị thực hợp lệ. Việt Nam cũng cần xây dựng một hệ thống cấp thị thực quá cảnh để thu hút khách du lịch và phát triển như một trung tâm trung chuyển trong khu vực.

Hệ thống cấp thị thực của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng 15/140 nước có chỉ số thông thoáng về thị thực. Mở rộng chính sách miễn thị thực không chỉ tạo thuận lợi cho phát triển du lịch, mà còn góp phần tạo việc làm và các lợi ích xã hội cho cộng đồng, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng, nâng cao mức tăng trưởng kinh tế - xã hội, mang lại những lợi ích kinh tế trực tiếp lớn hơn rất nhiều so với lợi ích từ việc thu lệ phí thị thực, nâng cao thu nhập và các khoản thuế đóng góp từ ngành công nghiệp không khói này, bảo đảm đến năm 2020, Việt Nam thu hút 10 - 10,5 triệu lượt khách quốc tế, với tổng thu đạt 18 - 19 tỷ USD…

Bộ VH-TT-DL vừa có văn bản đề xuất Chính phủ xem xét, gia hạn thời gian miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia từ 1 năm lên 5 năm; tăng thời gian miễn thị thực nhập cảnh từ 15 ngày lên 30 ngày để phù hợp với nhu cầu của khách du lịch Tây Âu.

Bộ cũng đề nghị Chính phủ sớm xem xét, chấp thuận đề xuất về việc miễn thị thực đơn phương cho công dân 13 nước đến Việt Nam du lịch theo chương trình tour trọn gói do các công ty lữ hành quốc tế được phép hoạt động tại Việt Nam tổ chức; xem xét mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho công dân một số nước là thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam; áp dụng cấp thị thực tại cửa khẩu và cấp thị thực điện tử để tạo điều kiện đi lại thuận lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam…

Nguồn tin: nhandan.com.vn