CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị tổng kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2016

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị tổng kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2016
Sáng ngày 12/01/2017, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh tổng kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

 


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá, năm 2016, được sự quan tâm sâu sát của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp tích cực của Bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cả nước đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO vinh danh. Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc, quy mô lớn được tổ chức từ Trung ương đến cơ sở nhằm tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Thể thao Việt Nam đạt được nhiều thành tích nổi bật với các tấm HCV tại Olympic và Paralympic, góp phần nâng cao vị thế của Thể thao Việt Nam trên trường quốc tế…

Riêng đối với lĩnh vực du lịch, năm 2016, Việt Nam đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015; phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, tăng 9% so với năm 2015; tổng thu từ du lịch đạt hơn 400.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2015, về đích trước 4 năm so với mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch tiếp tục được phát triển mạnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Trong năm qua, công tác xây dựng thể chế, chính sách phát triển du lịch được chú trọng. Đáng chú ý, Quốc hội đã nhất trí cho điều chỉnh, bổ sung Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV; Bộ Chính trị đã họp và nhất trí sẽ ban hành Nghị quyết phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch…

Trong năm, ngành cũng đã phát động và quyết liệt thực hiện Chiến dịch thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam, tập trung nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú du lịch. Qua kiểm tra, rà soát đã thu hồi quyết định công nhận hạng sao với 38 cơ sở lưu trú du lịch 3-5 sao do không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn.

Cùng với đó, công tác quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành được tăng cường; Công tác xúc tiến quảng bá có bước tiến mới, đổi mới cả về nội dung và hình thức. Năm Du lịch quốc gia Phú Quốc – Đồng bằng sông Cửu Long 2016 được tổ chức đã góp phần liên kết chặt chẽ giữa điểm đến trong vùng với các khu vực, thực sự trở thành điểm nhấn của du lịch Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế, số lượng khách và tổng thu từ du lịch trong vùng tăng trưởng trên 20% so với năm 2015.

Công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo hoạt động du lịch được tăng cường cả về bộ máy và nguồn lực, đến nay đã có 11 địa phương thành lập Sở Du lịch trong số 13 tỉnh/thành được phép thành lập. Các tỉnh/thành chủ động ban hành chính sách, giải pháp cụ thể, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực, gắn kết phát huy tiềm năng du lịch, nâng cao sức hấp dẫn của các điểm đến du lịch tại địa phương

Nhiều thương hiệu điểm đến du lịch nổi bật như: Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Đà Nẵng, Sa Pa, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh… tiếp tục được khẳng định; các thương hiệu như Phú Quốc, Hà Giang, ĐBSCL… ngày càng được định hình rõ nét. Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun-Peninsula Resort năm thứ 3 liên tiếp đạt danh hiệu khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới. Đà Nẵng được nhận danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á về sự kiện và lễ hội” và nhiều giải thưởng uy tín khác.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Du lịch vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như năng lực cạnh tranh còn thấp; các chính sách liên ngành đảm bảo điều kiện thuận lợi cho ngành Du lịch phát triển chưa đồng bộ; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu; tình trạng mất an ninh, an toàn cho du khách, mất vệ sinh còn xảy ra ở một số nơi…

Phương hướng trong năm 2017, Ngành sẽ tập trung hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Du lịch sửa đổi, trình Quốc hội xem xét ban hành; Xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện và tổ chức triển khai Luật Du lịch; Triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về phát triển Du lịch; Triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Năm APEC 2017…

Ngành Du lịch đặt mục tiêu năm 2017 đón 11,5 triệu lượt khách quốc tế; 70 triệu lượt khách du lịch nội địa đạt; Tổng thu từ khách du lịch đạt 460 nghìn tỷ đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực vượt khó của toàn Ngành để đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Về lĩnh vực du lịch, Thủ tướng chỉ đạo toàn Ngành thực hiện đồng bộ, hiệu quả chiến lược phát triển du lịch, các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Chỉ thị, Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thủ tướng nhấn mạnh, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm xây dựng cộng đồng văn minh lịch sự làm du lịch; Cần có thể chế, chính sách tốt để phát triển du lịch, trong đó có chính sách về đất đai, đầu tư…; Xây dựng các thương hiệu nổi tiếng cho du lịch Việt Nam ở những vùng miền khác nhau.

Thủ tướng một lần nữa khẳng định, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần có sự chung tay phối hợp của các Bộ, ngành với ngành VHTTDL. Đặc biệt, trong thời gian tới, toàn ngành cần tổ chức quán triệt tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời tìm giải pháp cho 5 vấn đề sau: Làm thế nào để khách du lịch biết và tìm đến với Việt Nam?; Làm thế nào để khách du lịch lưu lại lâu hơn?; Làm thế nào để khách du lịch tiêu nhiều tiền hơn?; Làm thế nào để khách du lịch kể lại những trải nghiệm thú vị họ tìm thấy ở Việt Nam?; Làm thế nào để khách du lịch quay trở lại sớm nhất với Việt Nam?.

Nguồn tin: Theo Hương Lê (TITC)