CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Thảo luận về dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi)

Chiều 29.5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, QH làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi).

Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN, NĐ Phan Thanh Bình trình bày cho biết, ngay sau Kỳ họp thứ 2,  UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của ĐBQH để chỉnh lý dự thảo Luật. Trên cơ sở đó, tại Phiên họp thứ 8, UBTVQH đã tiếp tục chỉ đạo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật trình QH. Theo đó, về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), dự thảo Luật quy định về tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến du lịch và quản lý nhà nước về du lịch.

thao luanC 290517 489
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Du lịch (sửa đổi) 

Đa số ĐBQH đều nhất trí cho rằng, cần thiết phải ban hành Luật Du lịch (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, tạo động lực, môi trường thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô cũng như chất lượng. ĐBQH Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, dự thảo Luật đã thể hiện được nhiều nội dung theo tinh thần của Nghị quyết 08 - NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Điểm tiến bộ của dự thảo Luật là coi du lịch là ngành kinh tế hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường; đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp du lịch; quy định cụ thể trách nhiệm của từng bộ, ngành; phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho địa phương trong quản lý du lịch…

Pham Dinh Cuc 489
ĐBQH Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại hội trường.  Ảnh: Quang Khánh

Về chính sách phát triển du lịch (Điều 5), dự thảo Luật được bổ sung một số chính sách đặc thù về du lịch (quy định tại Khoản 2, 3 và 4); đồng thời, chỉnh lý dự thảo Luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đối với các chủ trương, chính sách cụ thể về phát triển hàng không, phát triển giao thông đường bộ… nhằm phục vụ cho phát triển du lịch được nêu tại Nghị quyết 08-NQ/TW thì không thể quy định trong dự thảo Luật mà cần được tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa trong các luật chuyên ngành khác. Dự thảo Luật đã được rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời, bỏ quy định giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Hoang Thi Hoa 489
ĐBQH Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) phát biểu tại hội trường.    Ảnh: Quang Khánh

Đồng tình với chính sách phát triển du lịch, ĐBQH Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) cho rằng, trong những năm qua du lịch Việt Nam dù đạt được nhiều kết quả song chưa tương xứng với tiềm năng. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2015 cho thấy, về năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam chỉ xếp hạng 75/141 nước. Trong khi đó, kinh phí hoạt động cho du lịch ở cả chương trình quốc gia về du lịch và xúc tiến du lịch cũng chưa được nhiều. Do đó, việc tăng cường đầu tư cho du lịch ở các khâu xây dựng sản phẩm, dịch vụ và quản bá, xúc tiến du lịch là cần thiết.

Mai Thi Anh Tuyet 489
ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang)phát biểu tại hội trường.  Ảnh: Quang Khánh

uy nhiên, theo ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), dự thảo Luật vẫn chưa quy định cụ thể các điều khoản. Ví dụ như Điểm d, Khoản 3, Điều 5 quy định chính sách phát triển du lịch là xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch là quá rộng, không khả thi. Thực tế cũng cho thấy, dự thảo Luật cũng chưa đưa ra được những chính sách đặc thù du lịch, mang tính đột phá, tác động vào từng khâu của chuỗi du lịch. Bởi, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính đặc thù và chu kỳ của sản phẩm du lịch cũng thể hiện rõ nét qua 5 giai đoạn là: triển khai, giới thiệu, phát triển, thịnh vượng và suy thoái. Do đó, chính sách phát triển du lịch cần có các quy định tác động vào giai đoạn triển khai, giới thiệu và phát triển để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân kéo dài giai đoạn thịnh vượng của sản phẩm du lịch, hướng du lịch đến sự phát triển bền vững.

 

Tác giả bài viết: Trung Thành