Thành phố Thái Nguyên: Đánh thức tiềm năng du lịch – Nền tảng cho sự phát triển vững mạnh
- Thứ tư - 23/08/2017 05:13
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thành phố Thái Nguyên hội nhập và phát triển (Ảnh: T.T)
Hơn 30 năm thực hiện đường lối Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, 55 năm xây dựng và trưởng thành, dẫu trải qua bao thăng trầm; song được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ và Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên cùng sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các Bộ, ngành Trung ương… Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thành phố Thái Nguyên đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng nỗ lực phấn đấu vươn lên.
Nắm bắt được thế mạnh chính của tỉnh là văn hóa các dân tộc thiểu số và đặc sản chè Tân Cương. Trong những năm qua, thành phố Thái Nguyên đã tập trung khai thác, đánh thức tiềm năng phát triển du lịch, coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn cho sự phát triển ổn định, bền vững. Phát huy lợi thế trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố Thái Nguyên đã đầu tư nâng cấp đồng bộ các cơ sở hạ tầng như: Tập trung xây dựng đô thị văn minh hiện đại, xây dựng trung tâm y tế vùng, xây dựng hệ thống giáo dục – đào tạo, xây dựng trung tâm văn hóa lịch sử truyền thống… nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển du lịch.
Hiện nay, thành phố Thái Nguyên được biết đến với khu du lịch nổi tiếng hồ Núi Cốc và gần 100 di tích lịch sử. Trong đó có Cụm di tích Khởi nghĩa Thái Nguyên, Đền thờ Đội Cấn, nhà Lao Thái Nguyên, phòng tuyến Gia Sàng đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia, ghi dấu một sự kiện vang dội của cả nước, làm chấn động nước Pháp và các nước thuộc địa, đó là cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên nổ ra tại thị xã Thái Nguyên năm 1917 do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo. Các di tích lịch sử này có ảnh hưởng lớn trong việc tham quan, học tập, về với cội nguồn lịch sử nên đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho khách trong và ngoài nước, là địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ.
Nằm ngay trung tâm thành phố giữa một quần thể kiến trúc quan trọng trong kiến trúc đô thị, Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam tự hào là nơi trưng bày, giới thiệu về lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc Việt Bắc. Đó là hình ảnh về các chiến khu cách mạng, các ấn phẩm và vũ khí của đồng bào các dân tộc đã từng giúp đỡ cụ Hồ Chí Minh thành công trong công cuộc giành độc lập. Bảo tàng không chỉ là nơi nơi lưu giữ, bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của 54 tộc người trên toàn quốc mà còn là nơi sưu tầm, kiểm kê và trưng bày các hiện vật văn hóa và các di sản truyền thống của các dân tộc thiểu số phục vụ nghiên cứu và giáo dục.
Cùng với đó, vùng chè đặc sản Tân Cương đã được thành phố quy hoạch thành làng văn hóa du lịch cộng đồng với không gian Văn hóa Trà Thái Nguyên thuộc xóm Soi Vàng – trung tâm vùng chè Tân Cương nổi tiếng đang là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Điểm nổi bật và gây ấn tượng với khách du lịch là toàn bộ không gian Văn hóa Trà được thiết kế mở, có không gian thoáng đãng. Không gian Văn hóa Trà đóng vai trò như một bảo tàng qui mô nhỏ, ở đó sẽ khắc hoạ một câu chuyện về dòng đời của chè tại Thái Nguyên. Qua đó, góp phần phát huy, tôn vinh các giá trị mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Với sự nỗ lực không ngừng trong việc khai thác tiềm năng phát triển du lịch cùng các giải pháp phát triển đồng bộ; tin tưởng rằng thành phố Thái Nguyên sẽ là điểm đến lý tưởng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước; đồng thời ngày càng phát triển vững mạnh không chỉ của khu vực trung du và miền núi phía Bắc mà của cả nước.