Thăm các di tích nơi Bác Hồ đã từng ở và làm việc tại ATK Định Hóa
- Thứ ba - 21/04/2020 02:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hướng tới kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 73 năm Ngày Bác Hồ về ATK Định Hóa lãnh đạo kháng chiến (20/5/1947 – 20/5/2020), xin giới thiệu tới du khách một số điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến ATK Định Hóa để cảm nhận rõ hơn sự gian khổ cũng như bày tỏ lòng thành kính với vị Cha già dân tộc – Bác Hồ kính yêu của chúng ta.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa là công trình do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội xây tặng ATK Thái Nguyên nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu. Toàn bộ hạng mục công trình có tổng diện tích 16.000m2 gồm Tứ trụ, Tam quan, Nhà dâng hương tưởng niệm... Từ cổng Tứ trụ đến Tam quan gồm 115 bậc (Công trình kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Bác). Từ Tam quan đến Nhà dâng hương tưởng niệm gồm 79 bậc (Ghi nhớ 79 mùa xuân của Người).
Nhà tưởng niệm được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, mái lợp ngói đỏ, hai tầng: Tầng trên là gian chính điện đặt tượng Bác Hồ bằng đồng nặng hơn 4 tấn phủ vàng; phía trên là những câu đối, hoành phi; tầng trệt là nơi trưng bày các ảnh tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ATK.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi tri ân, thể hiện ý nguyện của đồng bào với vị Cha già kính yêu, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, tượng đài của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.
Du khách đến Nhà tưởng niệm Bác Hồ được tổ chức lễ dâng hương, báo công với Bác; sau đó vãn cảnh thiên nhiên, núi rừng Việt Bắc và tham quan các điểm di tích lịch sử trong quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa.
Di tích Khau Tý
Đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa là địa điểm đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở, làm việc (Từ 20/5 đến 11/10/1947) để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Từ Phủ Chủ tịch ở Khau Tý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra nhiều quyết định, nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Người đã quyết định lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc sau này trở thành “Ngày thương binh liệt sĩ”. Chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng, ra chỉ thị phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp đánh lên căn cứ địa Việt Bắc (1947). Tại đồi Khau Tý Bác đã hoàn thành bản thảo cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” với bút danh X.Y.Z, một tác phẩm có ý nghĩa lớn trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, rèn luyện đạo đức, tác phong cho cán bộ, đảng viên trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, quân đội và cũng tại đây Người đã viết bài thơ “Cảnh khuya”.
Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại đồi Khau Tý vẫn còn cây đa, cây trám cổ thụ, bao bọc xung quanh là những cây vầu, cọ... tạo nên một không gian xanh ngát thu hút nhiều du khách về nguồn, trải nghiệm, tham quan di tích.
Lán Bác Hồ ở Khuôn Tát
Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc nhiều lần: Từ 20 đến 28/11/1947; từ 11/01/1948 đến 7/3/1948; từ 5/4 đến 01/5/1948 và một số lần trong năm 1953. Di tích lịch sử Khuôn Tát bao gồm: Suối Khuôn Tát, cây đa Khuôn Tát - ghi dấu nơi Bác cùng anh em bảo vệ tắm giặt, câu cá, chơi bóng chuyền.
Lán Khuôn Tát cũng là nơi Bác giao nhiệm vụ cho Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trước khi cầm quân ra mặt trận Điện Biên Phủ (mật danh Trần Đình): “Tướng quân tại ngoại, giao cho chú toàn quyền quyết định”, “Trận này rất quan trọng phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh…” Thấm thía lời dặn của Bác và xét diễn biến thực tế trên chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", và đó được coi là quyết định quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Lán Khuôn Tát là một trong những địa chỉ đỏ để các thế hệ cháu con hành hương về ATK Định Hóa đến thăm, lắng nghe những câu chuyện kể cảm động về Bác Hồ - vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Di tích Tỉn Keo
Trong kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã đặt đại bản doanh tại đồi Tỉn Keo 3 lần. Lần 1, từ 7/3/1948 đến 5/4/1948. Lần 2, từ 25/5/1948 đến 12/9/1948. Lần 3 cuối năm 1953. Tại Tỉn Keo, đầu tháng 10/1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì hội nghị Bộ Chính trị họp bàn kế hoạch tác chiến Đông – Xuân 1953-1954. Ngày 6/12/1954, Tỉn Keo chứng kiến một quyết định trọng đại: Bộ Chính trị thông qua “phương án tác chiến mùa xuân năm 1954” của Tổng Quân ủy và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tỉn Keo - một trong những di tích quan trọng nhất trong hệ thống các di tích cách mạng kháng chiến của ATK Định Hóa, của căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc. Nơi đây còn in đậm những dấu tích về một giai đoạn hoạt động đặc biệt quan trọng trong cuộc đời cách mạng của lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh.
Tác giả: Minh Đỗ(t/h)