Hội nghị tổng kết công tác phát triển du lịch năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023; trao giải cuộc thi thiết kế biểu trưng (logo), khẩu hiệu (slogan) và sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch tỉnh Thái Nguyên.
- Thứ năm - 16/03/2023 10:22
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Ngọc Tuân, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên; các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh; đại diện Ban Giám khảo, Ban Tổ chức và các tác giả có tác phẩm đạt giải tại Cuộc thi thiết kế biểu trưng (logo), khẩu hiệu (slogan) và sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch tỉnh Thái Nguyên.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuân, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo kết quả công tác phát triển du lịch năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Theo đó, sau một năm triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, du lịch Thái Nguyên đã có sự khởi sắc đáng kể. Tỉnh Thái Nguyên đã ban hành các Nghị Quyết, Quyết định nhằm triển khai Đề án phát triển du lịch của tỉnh; Các quy hoạch gồm: Quy hoạch du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các địa phương triển khai quy hoạch bao gồm cả quy hoạch du lịch trên địa bàn; tập trung các nguồn lực để thực hiện các dự án giao thông phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch; xây dựng danh mục các dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, tỉnh đã hướng dẫn, triển khai xây dựng 02 điểm du lịch cộng đồng tại xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai và xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên. Ngày 30/12/2022, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận 02 điểm du lịch trên. Đồng thời chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, khai thác tuyến du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với văn hóa trà; thu hút đầu tư các khu sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, khu vực sườn Đông Tam Đảo và một số địa điểm khác trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tham mưu khảo sát chuyên sâu, phát triển du lịch khám phá hang động mạo hiểm tại hang Phượng Hoàng - Suối Mỏ Gà (huyện Võ Nhai); công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; định vị thương hiệu du lịch, quảng bá, liên kết hợp tác phát triển du lịch được đẩy mạnh góp phần đưa hình ảnh Thái Nguyên đến gần hơn với du khách.
Với những nỗ lực đó, năm 2022, tổng khách du lịch đến Thái Nguyên đạt 2.160.200 lượt khách, trong đó khách tại các điểm tham quan du lịch đạt 1.306.597 lượt khách (tăng 3,77 lần so với cùng kỳ năm 2021), khách do cơ sở lưu trú phục vụ đạt 764.742 lượt, khách do công ty lữ hành phục vụ đạt 88.861 lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 1.800 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận trao đổi nhằm tìm ra những sáng kiến, giải pháp phát triển lĩnh vực du lịch của tỉnh trong thời gian tới. Đồng thời cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức nhiều sự kiện hoạt động du lịch nhằm thu hút du khách, sản phẩm du lịch ngày một đa dạng và hấp dẫn… Tuy nhiên để ngành du lịch phát triển thực sự xứng tầm, đồng chí cũng yêu cầu các Sở ngành, địa phương cần bám sát Kế hoạch số 200 ngày 08/11/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; phát huy tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 08/8/2018 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về “Định hướng phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030”. Huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, chuyển đổi số gắn với phát triển du lịch; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra các hoạt động du lịch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch… Đồng chí cũng đã giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết về phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn mới; xây dựng con đường du lịch tâm linh nhằm thu hút du khách; chủ trì phối hợp với các Sở, ngành tập trung phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng nông nghiệp nông thôn gắn với văn hóa trà; nghiên cứu chính sách hỗ trợ của tỉnh theo Quyết định 05/2022/QĐ-UBND ngày 04/4/2022 của UBND tỉnh ban hành Quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022-2025, nếu cần sửa đổi tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh cho kịp thời và phù hợp; tiếp tục tham mưu cho tỉnh tổ chức khảo sát chuyên sau hang động tại Võ Nhai để có lộ trình khai thác. Các địa phương tập trung triển khai Đề án phát triển du lịch của địa phương gắn với triển khai Đề án phát triển du lịch của tỉnh, đồng thời sớm thành lập chi hội về du lịch để phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Đồng chí cũng đề nghị Hiệp hội Du lịch tỉnh cần vận động các hội viên nâng cao chất lượng các dịch vụ, tạo chuỗi cung ứng đáp ứng nhu cầu của du khách; thường xuyên phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc triển khai các hoạt động, sự kiện du lịch của tỉnh; chú trọng khảo sát các điểm đến trong tỉnh, phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh nhằm thu hút du khách đến với Thái Nguyên.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Ban Tổ chức đã trao giải Cuộc thi thiết kế Biểu trưng (Logo), Khẩu hiệu (Slogan) và sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch tỉnh Thái Nguyên cho 17 tác phẩm xuất sắc đạt giải. Trong đó: Giải Nhất thiết kế Biểu trưng (Logo) thuộc về tác giả Trần Giang Nam, có địa chỉ tại số 112, Tân Khai, phường 4, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh; Giải Nhất sáng tác Khẩu hiệu (Slogan) “Trải nghiệm xứ Trà, đậm đà bản sắc” thuộc về tác giả Phạm Tam, có địa chỉ tại 149/52A, Trịnh Đình Trọng, phường Phú Trung, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh; Giải Nhất thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch là bộ sản phẩm Độc đáo trà ướp hoa thuộc về Hợp tác xã Sơn Dung Trà, có địa chỉ tại tổ 10, phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Cùng với đó là 14 giải với 04 giải Nhì, 05 giải Ba, 05 giải Khuyến khích ở 3 nội dung được trao cho 14 tác giả trong và ngoài tỉnh./.
Tác giả: Minh Đỗ