CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Thái Nguyên: Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành hỗ trợ 5 mô hình điểm về du lịch cộng đồng

Thái Nguyên: Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành hỗ trợ 5 mô hình điểm về du lịch cộng đồng
Thái Nguyên là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, có tiềm năng phong phú về du lịch tự nhiên và nhân văn với trên 1000 di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh, trong đó có 283 di tích được xếp hạng, 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, có 17 di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch bền vững, đặc biệt là khai thác, phát triển du lịch cộng đồng.

Trong thời gian qua, hoạt động du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà và văn hóa các dân tộc trong tỉnh đã từng bước được đầu tư, khai thác và hình thành một số sản phẩm du lịch: Du lịch cộng đồng vùng chè Tân Cương, vùng chè La Bằng, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, Làng văn hóa dân tộc bản Quyên... Ngoài ra, còn có một số địa điểm khác trong tỉnh nơi có tài nguyên du lịch sinh thái, trải nghiệm thu hút du khách cũng đã có nhiều hộ gia đình manh nha đầu tư phát triển dịch vụ homestay như: La Bằng homestay, Cửa Tử farmstay (Đại Từ), du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè (TP. Sông Công),  homestay xã Phúc Tân (Phổ Yên)...

1
Du khách trải nghiệm hái chè cùng bà con. Ảnh: Thành Hải

Trong những điểm du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên thì Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải là một điểm được du khách trong và ngoài tỉnh đánh giá là hoạt động khá quy củ, “đúng nghĩa’ của du lịch cộng đồng. Nơi đây đã được công nhận là điểm đến du lịch của địa phương năm 2014. Đến với bản làng Thái Hải, du khách được nghỉ dưỡng trong một không gian tươi xanh với sự hồn hậu, mộc mạc của người dân trong sắc áo chàm, được tìm hiểu, trải nghiệm các nét văn hóa của bà con dân tộc Tày, Nùng xứ Thái như các hoạt động lễ hội, ẩm thực, trò chơi dân gian, trải nghiệm nông nghiệp cùng bà con... Đặc biệt bản làng Thái Hải có nhân lực và  một hệ thống cơ sở vật chất khá đồng bộ đáp ứng được nhu cầu ăn uống, lưu trú và trải nghiệm với đoàn khách có số lượng hàng nghìn người. Nơi đây được đánh giá như một “bảo tàng sống” về văn hóa dân tộc Tày, Nùng vùng Việt Bắc.

2
Tham quan bản làng Thái Hải.Ảnh: Thanh Ngân

Bên cạnh bản làng Thái Hải, du lịch cộng đồng vùng chè Tân Cương cũng là một điểm đến đang thu hút được nhiều du khách. Nơi đây đã được công nhận là điểm du lịch của địa phương năm 2017. Đến với vùng chè Tân Cương, du khách có dịp tỏa đi các ngả đường tham quan những đồi chè bát úp nối tiếp nhau trùng điệp của vùng trung du, cũng như tìm hiểu đời sống vật chất, trải nghiệm văn hóa của người trồng chè địa phương. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm hái, sao chè và thưởng thức sản phẩm của mình làm ra tại các điểm đến du lịch cộng đồng như: Hợp tác xã chè Hảo Đạt, Hợp tác xã Tâm Trà Thái, Hợp tác xã chè Tiến Yên... Phát triển du lịch cộng đồng tại vùng chè đặc sản Tân Cương là một trong những hướng đi phù hợp, góp phần đẩy mạnh hoạt động quảng bá  sản phẩm đặc sản của địa phương. Tuy nhiên, mô hình du lịch cộng đồng ở đây còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Đó là sự thiếu chuyên nghiệp trong cách làm du lịch của các hộ dân, cách quảng bá du lịch thu hút du khách, cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch còn thiếu; nhân lực phục vụ còn hạn chế về trình độ, các hộ dân còn thiếu sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình làm du lịch, vẫn ở tình trạng “mạnh ai nấy làm”...

3
Du khách tìm hiểu quy trình sản xuất chè tại Hợp tác xã chè La Bằng  (Đại Từ).
Ảnh: Đoàn Chiên.

 

4
Khách đến tham quan và thưởng trà tại Hợp tác xã chè Hảo Đạt,  xã Tân Cương.
Ảnh: Quang Minh

Thái Nguyên có lợi thế tự nhiên với nhiều hồ, thác, suối nước, là những điểm đến dã ngoại được nhiều du khách lựa chọn vào dịp cuối tuần. Do khách đến các điểm trải nghiệm này ngày một nhiều nên cần có các dịch vụ để đáp ứng  nhu cầu cơ bản của du khách, bởi vậy  một số homestay đã hình thành như: La Bằng homestay, Cửa Tử farmstay, du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè... Tuy nhiên đa phần các cơ sở mới chỉ có dịch vụ ăn uống và vui chơi giải trí như cắm trại, bơi lội... mà chưa có dịch vụ lưu trú chất lượng. Có một thực tế là rất nhiều du khách khi đến các điểm đến du lịch cộng đồng này họ có nhu cầu lưu trú để nghỉ dưỡng và trải nghiệm cùng bà con nhưng do năng lực, vốn đầu tư của các cá nhân chưa đủ điều kiện (mặc dù họ có rất nhiều ý tưởng mở rộng cơ sở vật chất) để đáp ứng nhu cầu của du khách. Những điểm đến này mong muốn nhận được sự quan tâm từ các cơ quan quản lý nhà nước cũng như sự phối hợp đầu tư từ các doanh nghiệp để đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du lịch cộng đồng.

6
Hoàng Nông farm. Ảnh: Đoàn Chiên

Có thể nói, Thái Nguyên có thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng và các điểm đến đã bước đầu khai thác có hiệu quả, tạo nên sự đa dạng về sản phẩm du lịch góp phần hấp dẫn du khách. Tuy nhiên cơ bản các điểm vẫn còn mang tính tự phát, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu sự đầu tư, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ và nhận thức của người dân về du lịch cộng đồng còn hạn chế...

5
La Bằng homestay với dịch vụ ăn uống và bể bơi vô cực. Ảnh: Minh Đỗ

Để đáp ứng được sự phát triển du lịch của tỉnh và nguyện vọng của nhân dân cũng như góp phần kéo dài thời gian lưu trú, trải nghiệm của du khách tại mảnh đất xứ trà, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng, điều này được thể hiện trong nội dung Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 23/3/2021. Đề án nêu rõ sẽ tập trung hỗ trợ để phát triển các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành hỗ trợ 05 địa điểm được lựa chọn xây dựng mô hình điểm về phát triển du lịch cộng đồng, cụ thể: Năm 2022 xây dựng 1 điểm ở xã La Bằng, huyện Đại Từ và 1 điểm ở thành phố Thái Nguyên; năm 2023 xây dựng 1 điểm ở huyện Phú Lương; năm 2024 xây dựng 1 điểm xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai; năm 2025 xây dựng 1 điểm ở huyện Định Hóa hoặc 1 điểm ở hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn, thành phố Sông Công.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang hoàn thiện bộ chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tiến tới triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ các địa phương và người dân tại các điểm du lịch cộng đồng được đầu tư về hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật tại các điểm du lịch cộng đồng, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch... góp phần tạo việc làm cho người lao động, hình thành các điểm du lịch mới thu hút khách, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Tác giả: Minh Đỗ