CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Tạo lực đẩy cho văn hóa phát triển toàn diện

Tạo lực đẩy cho văn hóa phát triển toàn diện

trinelamtructuyen

Ứng phó với tình hình dịch COVID đang diễn biến phức tạp, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các hoạt động văn hóa để phục vụ nhu cầu văn hóa của nhân dân. Trong ảnh: Các đại biểu bấm nút khai mạc Triển lãm ảnh trực tuyến chủ đề "Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ATK Thái Nguyên”, tháng 8-2021.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sẽ được tổ chức hôm nay (24-11), theo hình thức trực tuyến, có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra bước ngoặt mới trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên, đồng chí Nguyễn Thị Mai, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Sau Hội nghị, toàn Ngành sẽ triển khai chương trình hành động, trong đó tập trung xây dựng văn hóa, phát triển con người đúng với định hướng văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội...

P.V: Xin đồng chí cho biết, trải qua 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu tiêu biểu gì trong lĩnh vực văn hoá?

Đ/c Nguyễn Thị Mai: Với sự nỗ lực cao, suốt chặng đường 75 năm từ Hội nghị lần thứ nhất đến nay, Thái Nguyên thực sự có những thành tựu hết sức quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, xứng đáng là trung tâm của vùng Việt Bắc. Trong đó, Thái Nguyên đã đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà nhiều nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú; nhiều nhà văn, nhà thơ tiêu biểu đã khẳng định vị thế trên diễn đàn văn học nghệ thuật toàn quốc. Các văn, nghệ sĩ đã có những tác phẩm mang âm hưởng của Việt Bắc đến với công chúng trong và ngoài nước, qua đó nâng cao đời sống  hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

Trong lĩnh vực di sản văn hóa, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa được bảo quản, tu bổ, phục hồi và xếp hạng.

Hiện nay, Thái Nguyên có 17 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; 1 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; 247 di tích được xếp hạng (1 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 47 di tích được xếp hạng di tích Quốc gia, 200 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh). Cùng với các di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của các dân tộc thiểu số như: Múa Tắc xình, hát Sấng cọ, Then Tày, Nùng... Thái Nguyên có nét văn hóa trà độc đáo, riêng biệt, những yếu tố này làm nên sức mạnh nội sinh để hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội mang tính bền vững.

Cùng với đó, hơn 20 năm qua, Thái Nguyên đã thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 90% số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; gần 80% số làng, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu Văn hóa; 90% số cơ quan, đơn vị đạt chuẩn Văn hóa, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ những nét đẹp truyền thống của nhân dân ta.

P.V: Ngành Văn hóa Thái Nguyên đã chuẩn bị như thế nào để hướng về Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba năm 2021, thưa đồng chí?

Đ/c Nguyễn Thị Mai: Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được tổ chức lần thứ 3 có ý nghĩa quan trọng, nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa trong thời gian qua. Đây cũng là diễn đàn lắng nghe góp ý để khắc phục hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực văn hóa; xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc… để từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác văn hóa, văn nghệ giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

chimai2
Đồng chí Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Hướng tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này, ngành Văn hóa Thái Nguyên tích cực thực hiện những giải pháp để phát triển văn hóa. Trong đó, toàn Ngành đã nỗ lực thực hiện những nghị quyết, như: Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, được thông qua tại Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI), năm 2014 của Đảng về xây dựng và phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước với mục tiêu "Xây dựng văn hóa con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học".

Cùng với đó, Ngành đã và đang tham mưu những giải pháp để thực hiện xây dựng văn hóa cơ sở; đề xuất những chính sách để cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh hơn các hoạt động phát triển văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh. Cán bộ trong toàn ngành Văn hóa đang nỗ lực thi đua thực hiện các nhiệm vụ của Ngành một cách toàn diện trong tất cả các lĩnh vực và mong chờ những quyết sách tại Hội nghị sẽ có những nội dung cụ thể hơn để hỗ trợ, định hướng cho ngành Văn hóa nói riêng và tỉnh nói chung trong phát triển văn hóa trong giai đoạn tới.

P.V: Thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì để văn hóa Thái Nguyên tiếp tục phát triển và hội nhập, thưa đồng chí?

Đ/c Nguyễn Thị Mai: Ngành sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn, giai đoạn 2021-2025. Trong đó tập trung phát huy khả năng sáng tạo và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ văn hóa từ tỉnh đến các địa phương để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn và gắn việc bảo tồn các giá trị văn hóa đồng hành với phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, Ngành cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, giáo dục về ứng xử văn hóa trong cộng đồng; xây dựng gia đình, làng bản văn hóa. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ động viên các trí thức, văn, nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị; huy động trí tuệ tập thể của đội ngũ văn, nghệ sĩ, hiến kế phát triển văn hóa để đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương...

 

Nguồn: Báo Thái Nguyên